Trước kế hoạch cấm xe máy xăng tại Hà Nội trong thời gian tới, nhiều nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam đã có động thái “đón đầu”, nhằm tránh bị động và tụt hậu trong xu hướng chuyển đổi xanh.
Chỉ thị 20/CT-TTg ban hành vào ngày 12.7.2025 vừa qua tạo ra bước ngoặc lớn đối với thị trường xe máy Việt Nam. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1.7.2026, cấm xe máy, mô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu) lưu thông trong Vành đai 1 tại Hà Nội. Tiếp đến ngày 1.1.2028, mở rộng phạm vi ra đường Vành đai 2, đồng thời hạn chế lưu thông đối với ô tô cá nhân chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và bắt đầu từ năm 2023, mở rộng phạm vi thực hiện ra đường Vành đai 3.

Hà Nội sẽ triển khai cấm mô tô, xe máy xăng trong vùng Vành đai 1 từ ngày 1.7.2026
ẢNH: TN
Song song với lộ trình này, Hà Nội đang nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng và tập trung phát triển mạnh hệ thống hạ tầng giao thông “xanh”.
Thực tế, Hà Nội hiện có hơn 9,2 triệu phương tiện, trong đó 6,9 triệu xe máy đang trực tiếp tạo ra lượng khí thải khổng lồ mỗi ngày. Việc siết dần lưu thông xe xăng/dầu trong nội đô là điều cần thiết nếu muốn giảm ô nhiễm và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. Chính sách này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xe máy tại Việt Nam buộc phải thích nghi, thay đổi theo xu hướng mới.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cấm xe máy xăng trong Vành đai 1 từ tháng 7.2026
Nhiều nhà sản xuất đón đầu xu hướng cấm xe máy xăng
Ngay sau khi lộ trình cấm xe máy xăng được công bố, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng có động thái đón đầu.
Trong đó, VinFast là hãng xe tiên phong trong việc đẩy mạnh cuộc cách mạng xanh hóa giao thông tại Việt Nam. Không chỉ tập trung vào ô tô điện, hãng xe Việt Nam còn đẩy mạnh phát triển, phân phối nhiều dòng xe máy điện với nhiều phân hạng khác nhau kể từ năm 2018 đến nay.

Nhiều nhà sản xuất đẩy mạnh phân phối xe máy điện, thích nghi với kế hoạch cấm xe máy xăng trong tương lai
ẢNH: TUẤN MINH
Nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xe máy điện, VinFast đã tung chiến dịch “Mãnh liệt tinh thần Việt – Vì tương lai xanh” lần 3 vào tháng 5 vừa qua. Chiến dịch này được triển khai với loạt ưu đãi, hỗ trợ kéo giá xe máy điện xuống còn từ 12 triệu đồng, thấp hơn khá nhiều so với mức niêm yết trước đó, mở ra cơ hội sở hữu xe điện dễ dàng cho người Việt.
Song song với chính sách giá, VinFast còn tổ chức chương trình “Đổi xăng lấy điện” áp dụng với ô tô, xe máy, với mức hỗ trợ lên tới 240 triệu đồng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đổi xe xăng cũ lấy xe điện mới. Chỉ trong 2 ngày cuối tuần triển khai, hãng ghi nhận hơn 1.000 người dùng đổi xe máy xăng sang xe máy điện tại Hà Nội. Trong khi đó tại TP.HCM, lượng xe máy xăng chuyển đổi sang xe máy điện đạt khoảng 600 chiếc.

VinFast Motio có giá còn 12 triệu đồng, giúp người Việt tiếp cận xe máy điện dễ dàng hơn
ẢNH: ĐÌNH TUYÊN
Hãng xe Việt cũng lên kế hoạch tiếp tục tổ chức chương trình “Đổi xăng lấy điện” tại nhiều tỉnh thành khác trên cả nước trong thời gian tới.
Không chỉ dừng ở chính sách bán hàng, hệ sinh thái hạ tầng phục vụ xe máy điện cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Công ty V-Green hiện đã đẩy mạnh lắp đặt trụ sạc xe máy tại các tuyến phố trung tâm, khu dân cư và bãi đỗ xe công cộng. Điều này giúp giải bài toán lo ngại về thiếu điểm sạc đối với người dùng.
Cấm xe máy xăng, Hà Nội cần giải 2 bài toán khó
Không đứng ngoài xu hướng chuyển hóa, Honda cũng đẩy mạnh lộ trình phân phối xe máy điện tại Việt Nam. Vừa qua, hãng xe Nhật Bản cũng tung ra hai mẫu xe máy điện ICON e: và CUV e:. Trong đó, hãng triển khai chương trình cho thuê xe CUV e: với chi phí chưa tới 50.000 đồng/ngày. Hình thức này được đánh giá phù hợp với khách hàng muốn trải nghiệm trước khi quyết định sở hữu xe máy điện.
Ở cấp độ chính quyền, các thành phố lớn cũng đang bắt tay vào việc hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện.

Những chiếc Honda ICON e: đầu tiên trên dây chuyền sản xuất tại nhà máy Honda Vĩnh Phúc
ẢNH: CHÍ TÂM
Cụ thể, Hà Nội đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy xăng sang xe máy điện cho người dân sinh sống trong khu vực Vành đai 1, phù hợp với lộ trình cấm xe máy xăng trong thời gian tới. TP.HCM cũng đã công bố đề án “Chuyển đổi xanh – TP.HCM mở rộng” nhằm thay thế khoảng 400.000 xe máy xăng của lực lượng tài xế công nghệ và giao hàng bằng xe máy điện. Những chính sách này khi được áp dụng đồng bộ sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải và tạo đà cho thị trường xe máy điện phát triển.
Có thể thấy, trước yêu cầu cấp bách về kiểm soát khí thải và quy hoạch vùng phát thải thấp, các doanh nghiệp đang chủ động thay đổi, người dùng cũng dần có sự lựa chọn phù hợp hơn. Xe máy điện không còn là sản phẩm mới mà đang trở thành xu hướng tất yếu trong tương lai.
Kế hoạch cấm xe máy xăng không chỉ mang ý nghĩa siết chặt quản lý ô nhiễm môi trường mà còn thúc đẩy sự chuyển mình của toàn bộ thị trường. Những động thái đón đầu của các nhà sản xuất và sự hỗ trợ từ cấp chính quyền sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi, giúp thị trường xe máy Việt Nam bước sang chương mới.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.