Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, đường dây ‘lùa’ khách đi xem đất đã lừa đảo 165 khách hàng, chiếm đoạt số tiền hơn 255 tỉ đồng.
Ngày 15.7, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét xử 87 bị cáo trong đường dây lừa đảo ‘lùa’ khách đi xem đất.

Các bị cáo tại phiên tòa
ẢNH: LÊ LÂM
Trong số các bị cáo, Huỳnh Hữu Tường (34 tuổi, ngụ TP.HCM) được xác định là người cầm đầu, giữ vai trò ông chủ. 86 bị cáo còn lại, gồm giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng và nhân viên, đều là người làm thuê cho Tường.
Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 20 ngày. Tất cả 87 bị cáo đều bị xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lừa đảo bằng dự án “ma”
Theo cáo trạng, vào năm 2020, Huỳnh Hữu Tường thành lập Công ty TNHH Đầu tư môi giới bất động sản Vạn Phúc (Công ty Vạn Phúc). Từ tháng 4.2022 đến tháng 8.2023, Tường thuê Nguyễn Văn An đứng tên thành lập Công ty CP Đầu tư kinh doanh Lộc Phúc (Công ty Lộc Phúc) và Công ty TNHH Bất động sản Green Link Real (Công ty Green Link Real). Cả 3 công ty này đều có trụ sở tại TP.HCM, do Tường trực tiếp điều hành.

Trong ngày đầu xét xử, HĐXX dành cả một ngày để thẩm tra lí lịch các bị cáo
ẢNH: LÊ LÂM
Theo đó, Tường chỉ đạo An về các huyện ở Đồng Nai cũ (Long Thành, Trảng Bom và Thống Nhất), liên kết với chủ đất hoặc mua lại, sau đó vẽ dự án “ma” rồi giao cho các sàn giới thiệu.
Để tìm kiếm khách hàng, Tường chỉ đạo nhân viên Công ty Lộc Phúc và Công ty Green Link Real lấy hình ảnh các thửa đất, căn nhà từ mạng xã hội, sau đó đăng lên website công ty, trang chotot… với giá rẻ hơn nhiều lần nhằm dụ dỗ khách hàng.
Khi có người liên hệ, nhân viên sẽ mồi chài, thuyết phục đưa khách lên xe 52 chỗ đi tham quan sự kiện, giới thiệu dự án bất động sản vùng ven TP.HCM; nhưng thực tế lại chở thẳng đến các dự án “ma” tại Đồng Nai.
Trên xe thường có khoảng 40 – 50 người, nhưng khách hàng thật sự chỉ có 3 – 5 người; số còn lại là nhân viên của công ty hoặc người của công ty đóng giả khách hàng (chim mồi) đi xem đất.
Trong lúc di chuyển, nhân viên kéo rèm che cửa lại để khách không biết xe đang đi đâu. Lúc này, “chim mồi” tìm cách tiếp cận khách hàng để giới thiệu về tiềm năng của các dự án, rồi rủ cùng tham gia đặt cọc đầu tư “lướt sóng”, nhằm hưởng chênh lệch.

Nhiều bị cáo tuổi đời con trẻ, có người còn là sinh viên, nhóm này chủ yếu là nhân viên cấp thấp
ẢNH: LÊ LÂM
Đặt cọc lô đất “đẹp”, nhận được lô đất “xấu”
Tại các dự án “ma”, nhóm lừa đảo dựng sẵn rạp, bàn ghế, treo băng rôn, tạo bối cảnh như một sự kiện thật; khu vực xung quanh được che kín bằng phông bạt, bố trí bảo vệ bên ngoài nhằm ngăn người lạ tiếp cận.
Tại đây, nhóm này dụ dỗ khách hàng đặt cọc hoặc ký hợp đồng chuyển nhượng đất với Công ty Lộc Phúc. Nếu khách không đủ tiền hoặc từ chối tiếp tục giao dịch, số tiền đặt cọc sẽ bị mất. Trường hợp khách thanh toán đủ tiền, nhân viên sẽ đưa họ đến một văn phòng công chứng tại xã Long An (H.Long Thành) để ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng không cho xem trước thông tin thửa đất.
Sau khi ký hợp đồng, khách kiểm tra thực tế mới phát hiện thửa đất khác hoàn toàn so với lúc được giới thiệu, giá trị thực chỉ bằng 1/3 giá thị trường. Khi khiếu nại, công ty của Tường cử nhân viên pháp chế làm việc, nhưng lại đổ lỗi cho khách và từ chối trách nhiệm.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.