Dù Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất được 3 loại vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi, nhưng dịch bệnh này vẫn đang bùng phát, lan rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi.
Theo Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước xảy ra 514 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 27/34 tỉnh, thành phố và đã có 30.462 con lợn chết, tiêu hủy.

Một xe chở đầy lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ tại tỉnh Phú Thọ
ẢNH: QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG PHÚ THỌ
Hiện nay, cả nước có 248 ổ dịch ở 20/34 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày, số lợn đang mắc bệnh là 19.699 con, số lợn chết và tiêu hủy là 20.280 con.
Dịch tả lợn châu Phi xâm nhập Việt Nam vào tháng 2.2019, gây thiệt hại lớn về kinh tế với hơn 6 triệu con lợn bị tiêu hủy, thiệt hại gần 30.000 tỉ đồng.
Trong 6 năm qua, Việt Nam chủ động phối hợp với các nước nghiên cứu và đã sản xuất thành công 3 loại vắc xin dịch tả lợn châu Phi, gồm: NAVET-ASFVAC, AVAC ASF LIVE và Dacovac-ASF2. Tuy nhiên, những loại vắc xin này chỉ phòng dịch cho lợn từ 4 – 6 tuần tuổi trở lên, với giá khoảng 60.000 đồng/liều.
Các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 6,6 triệu liều vắc xin phòng bệnh. Nhưng đến nay, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, đang bùng phát, lây lan trên diện rộng.
Cũng theo Cục Chăn nuôi và Thú y, từ năm 2023 đến nay, các cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi và thú y địa phương đã triển khai tiêm phòng, có đánh giá kết quả trên 957.278 con lợn được tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn châu Phi tại 35.615 hộ, cơ sở chăn nuôi.
Số lợn bị chết sau khi tiêm phòng chiếm tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 0,1% (988 con lợn). Nguyên nhân, phần lớn số lợn này đã nhiễm virus thực địa từ trước hoặc sức đề kháng bị suy giảm vì mắc các bệnh do Escherichia coli, PCV2…
Tỷ lệ sử dụng vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi chưa cao
Chia sẻ với báo chí chiều 15.7, ông Phan Quang Minh, Cục phó Cục Chăn nuôi và Thú y, cho rằng mặc dù có vắc xin dịch tả lợn châu Phi phòng bệnh hiệu quả cho lợn thịt nhưng nhiều người nuôi vẫn chủ quan không tiêm phòng cho đàn vật nuôi, còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ vắc xin của Nhà nước.
Trong khi đó, các trang trại lớn chủ động tiêm phòng, áp dụng biện pháp an toàn sinh học đều không phát sinh dịch bệnh. Kết quả sử dụng vắc xin dịch tả lợn châu Phi của các địa phương thời gian qua cho thấy, vắc xin có hiệu lực và hiệu quả trong phòng bệnh, là lá chắn giúp người chăn nuôi lợn yên tâm sản xuất, tăng tái đàn, cung ứng thịt lợn cho người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng, vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam được xuất khẩu ra nhiều nước nhưng tỷ lệ sử dụng trong nước chưa cao. Nguyên nhân, trong thời gian qua xảy ra một số vụ việc tiêm vắc xin cho đàn lợn đã nhiễm virus gây chết lợn khiến người dân chưa hiểu đúng, chưa tin tưởng vào vắc xin này.
“Giá lợn hơi 60.000 – 70.000 đồng/kg trong khi tiêm vắc xin chỉ có hơn 60.000 đồng/liều nhưng người chăn nuôi dè chừng, nghi ngại sử dụng, thì đây là lỗi của cơ quan thú y chưa thực sự vào cuộc tuyên truyền để người dân hiểu rõ, hiểu đúng và tin tưởng sử dụng”, ông Tiến nói và đề nghị cơ quan thú y phải tăng cường tuyên truyền, giải thích, xây dựng những mô hình điểm để hộ chăn nuôi tin tưởng sử dụng vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn nhằm giảm thiệt hại do dịch bệnh.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.