Vào rừng… chờ ươi bay

Sau 4 năm, khi những cánh rừng già miền núi TP.Đà Nẵng (Quảng Nam cũ) chuyển mình vào mùa ươi chín, hàng ngàn người dân lại có một cuộc ‘di cư’ tạm thời vào rừng sâu chờ ‘lộc trời’ rơi xuống để nhặt.

MÙA HẸN 4 NĂM MỘT LẦN

Cứ mỗi 4 năm, những cây ươi cổ thụ lại đồng loạt cho trái. Đây là lúc hàng ngàn người dân đổ về các huyện vùng cao Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Tây Giang của tỉnh Quảng Nam cũ (nay là xã Phước Chánh, Phước Sơn, Thạch Mỹ, Nam Giang, Nam Trà My… của TP.Đà Nẵng) để “săn” ươi. Đối với họ, đây không chỉ là một mùa thu hoạch mà còn là mùa của sự chờ đợi, của hy vọng về một nguồn thu nhập quý giá. Cả làng, từ thanh niên trai tráng đến phụ nữ, thậm chí cả những cặp vợ chồng dắt theo con nhỏ, đều háo hức chuẩn bị cho cuộc hành trình “vào rừng… chờ ươi bay”.

Cuộc sống vào rừng chờ mùa ươi chín tại TP . Đà Nẵng - Ảnh 1.

Một cây ươi chín đang chờ gió để hạt ươi bay xuống

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Dọc theo đường Hồ Chí Minh, không khó để bắt gặp những đoàn xe máy chở theo đủ thứ lỉnh kỉnh: võng, nồi niêu, chén bát, thực phẩm… Họ làm một cuộc “di cư” tạm thời vào tận lõi rừng già. Những ánh mắt không ngừng quét dọc những triền núi, tìm kiếm những đốm nâu đỏ trên những cây cổ thụ thẳng tắp giữa cánh rừng xanh – dấu hiệu không thể nhầm lẫn của những cây ươi đang vào mùa chín tới. Khi đã định vị được vị trí tiềm năng, họ sẽ cất xe máy ven đường, rồi cuốc bộ sâu vào rừng.

Tiếp cận được “lộc trời” không hề dễ dàng. Từ đường chính, hành trình có thể kéo dài nhiều giờ, phải băng rừng, lội suối, luồn lách qua những lớp cây chằng chịt và bụi gai rậm rạp. Càng đi sâu vào rừng, ngoài tiếng bước chân xào xạc, thỉnh thoảng lại nghe tiếng vạch lá loạc xoạc, tiếng gọi nhau í ới vang cả một góc rừng già. Bên cạnh đó, nhiều người đã ngồi sẵn dưới gốc cây ươi, chỉ chờ có cơn gió mạnh lướt qua khiến ươi bay là họ túa ra theo hướng gió để lượm.

Chăm chú nhìn dưới lớp lá rừng trộn lẫn lá ươi để tìm trái theo cách thủ công, chị Hồ Thị Mít (37 tuổi, xã Phước Chánh) chốc chốc lại ngước nhìn lên cao để đoán hướng ươi bay. “Thời tiết năm nay thất thường quá. Mưa nhiều khiến hạt ươi bị hư hại, cũng vì thế giá đội lên cao. Hai vợ chồng mình chia nhau ra để tìm, một ngày nếu may mắn thì thu về tiền triệu. Mùa ươi 4 năm mới có một lần, chỉ kéo dài khoảng 2 tháng nên người dân xem như lộc mẹ rừng ban tặng. Mùa ươi cho thu nhập hơn ở nhà làm rẫy cả năm. Vì thế nhiều người đang bỏ rẫy kéo nhau vào rừng”, chị Mít tâm sự.

Để kịp đến ngồi chờ dưới cây ươi cổ thụ, chị Mít cùng chồng phải cơm đùm cơm nắm rời nhà từ 5 giờ sáng. Lượm chỗ này xong, họ lại phát cây bụi rậm tìm đường đến nơi khác. Mặc dù thu nhập từ ươi cao, nhưng tìm được nó không phải dễ, đòi hỏi cả mồ hôi và máu. Bởi lẽ, cây ươi thường mọc ở khu vực núi cao, rừng già hiểm trở. “Trước đây, nhiều người cứ mang rựa vào chặt hạ cây để thu hái trái. Sau này, địa phương và lực lượng kiểm lâm tuyên truyền để người dân nhận ra giá trị của quả ươi và nhất là hậu quả của việc đốn hạ, nên người dân lựa chọn cách khai thác bền vững: chờ ươi rụng xuống mới lượm”, chị Mít chia sẻ.

Vào rừng... chờ ươi bay - Ảnh 1.

Một cánh rừng già ở huyện vùng cao TP.Đà Nẵng, nơi sở hữu nhiều “lộc trời” là ươi bay

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Vào rừng... chờ ươi bay - Ảnh 2.

Hạt ươi được ví như “yến sào của núi”

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Vào rừng... chờ ươi bay - Ảnh 3.

Quả ươi theo gió bay xuống

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Ý THỨC BẢO VỆ RỪNG “LÊN NGÔI”

Vợ chồng anh Hồ Văn Hà (32 tuổi, xã Khâm Đức) cùng 4 người con vào rừng từ sáng sớm, chọn khu vực nhiều cây ươi rồi “đánh dấu” chủ quyền. Theo anh Hà, đồng bào khi đi lượm ươi luôn có nguyên tắc là không tranh giành nhau. Ai biết, “xí phần” trước thì có quyền bảo vệ để thu lượm. Người đến sau sẽ chủ động đi tìm những cây khác. “Hai vợ chồng mình một cánh, 4 đứa nhỏ cánh khác. Hẹn nhau cỡ 3 giờ chiều thì xuống núi, vì trên này thường hay có mưa giông. Người dân mình bây giờ chỉ nhặt, không chặt hạ cây nữa. Bảo vệ cây ươi cũng chính là giữ miếng cơm của con cháu sau này”, anh Hà vừa cười, vừa nuốt vội nắm cơm với ít cá khô.

Mấy năm trước giá hạt ươi dao động từ 250.000 – 300.000 đồng/kg, nhưng năm nay, giá tăng mạnh từ 500.000 – 700.000 đồng/kg. “Với giá ươi cao ngất ngưởng, một ngày chỉ cần nhặt nhạnh được 5 kg là giàu to. Đây là lộc trời thiên nhiên ban tặng, người dân rất mong chờ”, anh Hà cười, rồi ví von: “Tùy cơn gió to gió nhỏ thì hạt ươi bay theo đó. Chỉ cần nhớ hướng gió, men theo là tìm ra hạt. Ươi bay theo đàn, đôi khi kín cả một góc trời, nhìn đẹp mê hồn luôn”.

Nhóm của anh Nguyễn Hữu Thức (40 tuổi, xã Quế Phước) gần 10 người cũng đùm đề thức ăn, võng và đồ dùng cá nhân rồi lên đường tìm ươi. “Từ chỗ nhà lên tới đây cũng hơn 100 km nên phải đem theo thức ăn để ở lại. Hồi trước, quê mình là H.Nông Sơn (Quảng Nam cũ) cũng có nhiều lắm, nhưng giờ thì bị cưa gốc, mất sạch rồi nên phải tìm qua đây để đi săn ươi”, anh Thức cho biết.

Vào rừng... chờ ươi bay - Ảnh 4.

Nhiều người dân đứng ở đường Hồ Chí Minh để định vị vị trí của ươi bay

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Vào rừng... chờ ươi bay - Ảnh 5.

Ươi được nhặt thủ công là cách mà người dân chung tay bảo vệ rừng

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Vào rừng... chờ ươi bay - Ảnh 6.

Những đốm nâu đỏ trên những cây cổ thụ thẳng tắp được xác định là ươi bay

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Những nhóm người luồn sâu trong rừng, vén từng thảm lá mục để tìm hạt ươi rơi xuống. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc ăn, ngủ tại chỗ cho thấy đây không phải là một chuyến đi chớp nhoáng. Họ sẵn sàng cắm trại, chờ đợi hàng đêm dưới những tán ươi già, với niềm tin mãnh liệt rằng những hạt ươi sẽ bay xuống đúng thời điểm. “Mới vào mùa khoảng hai tuần, nhóm tôi đã có hai chuyến nhặt ươi ở dãy Trường Sơn. Chuyến trước kéo dài 3 ngày, mỗi người kiếm được gần hai triệu đồng. Thu nhập như vậy là cao hơn nhiều so với đi làm công trình”, anh Thức khoe.

Ông Lê Quang Tính, Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ khu vực Phước Sơn, cho biết trước đây người dân vẫn khai thác ươi theo kiểu tận diệt, chặt hết các cành hoặc thậm chí cưa cả gốc để thu hạt nhanh hơn. Tuy nhiên, nhờ sự tuyên truyền của các ngành chức năng, những năm gần đây tình trạng chặt hạ cây ươi cơ bản không còn.

Lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng đã tăng cường kiểm tra, rà soát các tuyến đường vào rừng. Bất kỳ ai bị phát hiện mang theo rựa, cưa hay các vật dụng có khả năng đốn hạ cây đều sẽ bị thu giữ và xử lý nghiêm. “Chúng tôi còn triển khai lực lượng túc trực tại các chốt vào rừng, yêu cầu người dân bỏ hết cưa, rựa trước khi vào rừng. Những việc làm gây tổn hại đến cây ươi nếu bị phát hiện cũng sẽ bị xử phạt nặng, từ đó mới có thể răn đe được người dân đang từng ngày đổ vào rừng”, ông Tính nhấn mạnh.

“Yến sào của núi”

Hạt ươi được ví như “yến sào của núi” nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao. Loại quả này có vị ngọt, hơi chát, tính hàn, uống rất mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi cổ họng, giải độc, thông tiện. Hạt ươi thường được dùng để chữa ho khan, cổ họng sưng đau, ho ra máu, đi cầu ra máu, chảy máu cam, viêm đường tiết niệu, nhức răng, đau mắt đỏ, mụn nhọt, và làm mát cơ thể, trị các bệnh về mùa hè. Cây ươi (tên khác là đười ươi) thân gỗ lớn; mọc nhánh ra hoa tháng 3 – 4, quả chín trong tháng 6 – 8, tập trung nhiều trong các rừng trung Trung bộ và Tây nguyên.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.