Với lợi thế tự nhiên, vị trí chiến lược, sự đầu tư bài bản về hạ tầng và chính sách phát triển bền vững, xã Long Hải đang trở thành đô thị du lịch biển hiện đại, văn minh và giàu bản sắc của TP.HCM.
Xã Long Hải có hành lang du lịch ven biển
Xã Long Hải, TP.HCM được sáp nhập từ các xã Phước Hưng, Phước Tĩnh và thị trấn Long Hải, thuộc huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũ. Xã Long Hải có diện tích tự nhiên là 27,93 km2 và quy mô dân số là 109.149 người.

Một góc xã Long Hải về đêm
ẢNH: NGUYỄN LONG
Ông Ngô Thanh Phúc, Chủ tịch UBND xã Long Hải cho biết, sau khi sáp nhập, xã Long Hải mới có quy mô lớn hơn, mang lại nhiều lợi ích, tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại, tăng cường được liên kết vùng, lan tỏa động lực phát triển.
Với vị trí, địa lý ven biển, chiều dài bờ biển trên 11,5 km, có tiềm năng về phát triển du lịch, hải sản và các ngành kinh tế biển, là tiền đề cho địa phương phát triển mạnh về thương mại – dịch vụ – du lịch, đồng thời với nguồn nhân lực dồi dào và tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục phát triển ổn định, có cơ hội được gia tăng thu hút đầu tư phát triển trong giai đoạn tới.
Đặc biệt, xã Long Hải nằm ở vị trí tiếp giáp giữa các trung tâm kinh tế lớn như TP.Vũng Tàu (cũ), TP.Bà Rịa (cũ) và TP.HCM cùng với trục đường ven biển kết nối Vũng Tàu – Long Hải – Bình Châu – Phan Thiết, khu vực này được xem là “hành lang du lịch ven biển” trọng điểm.
Xã Long Hải có sông Cửa Lấp, quần thể núi Minh Đạm và rừng phòng hộ cùng các cảng cá… mang lại tiềm năng lớn cho phát triển cảng biển, logistics, dịch vụ hậu cần thủy sản và du lịch nghỉ dưỡng. Với bãi biển dài, sạch và khí hậu ôn hòa quanh năm, Long Hải là nơi lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái biển và đô thị du lịch thông minh trong tương lai.
Đặc biệt, xã Long Hải còn là vùng ngư trường lớn của TP.HCM ngày nay, với đội tàu đánh bắt xa bờ khá hùng hậu, hoạt động đánh bắt hải sản truyền thống đã gắn bó với đời sống người dân nơi đây từ nhiều thế hệ.

Bãi biển Long Hải đẹp, thu hút du khách đến tắm biển
ẢNH: NGUYỄN LONG
“Du lịch là một trong những thế mạnh nổi bật nhất của xã Long Hải. Với bãi biển dài và đẹp, nước biển trong xanh, sóng nhẹ cùng bờ cát mịn, Long Hải từ lâu đã là điểm đến quen thuộc của khách du lịch từ TP.HCM và các tỉnh lân cận. Những điểm du lịch nổi tiếng như Dinh Cô, Núi Minh Đạm, chợ hải sản Long Hải, hay bãi tắm Long Hải, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm”, ông Phúc, Chủ tịch UBND xã Long Hải chia sẻ.
Việc phát triển kinh tế biển không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn là tiền đề để Long Hải trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu thủy sản của tỉnh trong tương lai. Đồng thời, khi được kết hợp với du lịch trải nghiệm (tour ra khơi, tham quan làng chài), ngành thủy sản còn đóng vai trò như một sản phẩm du lịch độc đáo.
Đánh thức “rồng biển” Long Hải
Ông Huỳnh Sơn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Long Hải cho biết với những tiềm năng hiện có, xã Long Hải đang có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, khu đô thị sinh thái được cấp phép triển khai, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ven biển. Điều này cho thấy xu hướng đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng tại Long Hải, hứa hẹn mở ra không gian phát triển mới cho thương mại – dịch vụ, tạo thêm nhiều việc làm và thu hút dân cư.

Đường ven biển Vũng Tàu – Long Hải – Bình Châu – Phan Thiết được xem là hành lang du lịch ven biển thúc đẩy xã Long Hải phải triển du lịch trong tương lai
ẢNH: NGUYỄN LONG
Xã Long Hải đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ khai thác sang bảo tồn và phát triển bền vững, đang khuyến khích mô hình kinh tế xanh, như du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo… Điều này giúp địa phương bảo vệ lâu dài hệ sinh thái và tạo ra giá trị kinh tế gắn liền với phát triển cộng đồng.
Ông Huỳnh Sơn Tuấn cho biết trong thời gian tới tiếp tục xây dựng xã Long Hải theo hướng “thương mại, dịch vụ, du lịch và Nông nghiệp”. Huy động tối đa các nguồn lực và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương để đảm bảo phát triển kinh tế theo hướng bền vững, ưu tiên phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại; bảo tồn và phát triển trong lĩnh vực văn hóa, dân tộc, tôn giáo, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Xã Long Hải tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ số trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan đảng, nhà nước. Triển khai các ứng dụng trực tuyến, tương tác trực tiếp của người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước.
“Xã Long Hải tập trung hoàn thiện các quy hoạch, tạo điều kiện kêu gọi đầu tư phát triển khu vực Bãi Ngang theo quy hoạch được duyệt. Kêu gọi đầu tư phát triển các dự án phục vụ du lịch, công trình dịch vụ thương mại hỗn hợp; tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng, tài nguyên, môi trường, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vào địa bàn; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội”, ông Huỳnh Sơn Tuấn nhấn mạnh.
Xã Long Hải đang đứng trước nhiều cơ hội để chuyển mình mạnh mẽ trở thành một trung tâm kinh tế ven biển – du lịch – dịch vụ trọng điểm của TP.HCM. Với lợi thế tự nhiên, vị trí chiến lược, sự đầu tư bài bản về hạ tầng và chính sách phát triển bền vững, “rồng biển” Long Hải đang thức giấc, trở thành đô thị du lịch biển hiện đại, văn minh và giàu bản sắc.
Trụ sở Đảng ủy xã Long Hải nằm ở trụ sở UBND thị trấn Long Hải cũ (đường Hùng Vương).
Trụ sở UBND xã Long Hải nằm ở trụ sở UBND xã Phước cũ (hương lộ 5).
Bí thư Đảng ủy xã Long Hải là ông Huỳnh Sơn Tuấn. Ông Ngô Kim Phúc, Chủ tịch UBND xã Long Hải.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.