Tính đến tuần thứ 28 của năm 2025, TP.HCM đã ghi nhận 10 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó phần lớn là người lớn có bệnh nền hoặc béo phì. Số ca bệnh đang tăng mạnh đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống y tế TP trong công tác điều trị và kiểm soát dịch.
Ngày 21.7, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị trực thuộc nhằm đánh giá tình hình và triển khai giải pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Theo báo cáo của bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong 28 tuần đầu năm, khu vực phía nam đã ghi nhận 33.633 ca mắc, tăng tới 80% so với cùng kỳ năm 2024.
Riêng TP.HCM ghi nhận 15.502 ca sốt xuất huyết, trong đó khu vực TP.HCM cũ có 11.914 ca, với 6 trường hợp tử vong (gồm 3 nam, 3 nữ, tất cả đều là người lớn, chưa tiêm vắc xin phòng bệnh). Đáng chú ý, trong số này có 5 ca có bệnh nền và 3 trường hợp kèm béo phì. Ngoài ra, Bình Dương cũ có 2.659 ca mắc, 3 ca tử vong (trong đó 2 ca là trẻ em), và Bà Rịa – Vũng Tàu cũ ghi nhận 929 ca, với 1 ca tử vong.

Trẻ em mắc sốt xuất huyết nặng đang được hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)
ẢNH: DUY TÍNH
Theo HCDC, xu hướng năm nay cho thấy người lớn chiếm tỷ lệ mắc sốt xuất huyết ngày càng cao. Tuy nhiên, nhóm tuổi 11 – 15 vẫn là lứa tuổi có nguy cơ trở nặng nhiều nhất. Đặc biệt, số ca mắc tại H.Củ Chi cũ đang tăng nhanh chóng. Chủng vi rút D2 tiếp tục chiếm ưu thế. Từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã phát hiện 1.268 ổ dịch sốt xuất huyết và con số này tiếp tục gia tăng.
Lãnh đạo Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết hiện mỗi ngày điều trị khoảng 200 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có tới 20% là ca nặng và luôn có 4 – 5 ca phải thở máy. Một phần nguyên nhân tử vong được cho là do phát hiện ca nặng muộn và chuyển viện không đảm bảo an toàn. Theo vị này, gánh nặng điều trị người lớn đang căng thẳng và kiến nghị các BV đa khoa có hồi sức tốt chia sẻ ca bệnh sốt xuất huyết nặng. BV Nhi đồng TP cũng báo cáo mỗi đêm tiếp nhận 2 – 3 ca sốt xuất huyết, trong đó có ca phải thở máy.
Trước tình hình trên, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm ca mắc và tử vong. Theo đó, về dự phòng, tăng cường diệt muỗi, lăng quăng, giám sát điểm nguy cơ và công khai truyền thông phòng dịch. Đề nghị xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch.
Về điều trị, rà soát, phân loại sốt xuất huyết theo mức độ để kịp thời cảnh báo ca nặng và nhóm nguy cơ. Tập huấn chuyên môn điều trị sốt xuất huyết cho bác sĩ đa khoa, nội khoa, cũng như đào tạo hồi sức tích cực sốt xuất huyết tại các tuyến chuyên sâu. Các BV phải báo cáo ca bệnh đầy đủ, chuẩn bị sẵn thuốc men, hóa chất cần thiết và đảm bảo tuân thủ đúng phác đồ điều trị.
Ông Tăng Chí Thượng cũng chỉ đạo xây dựng kịch bản điều trị ca nặng tại các khu vực trọng điểm TP.HCM sau sáp nhập; sớm triển khai thêm các BV có năng lực hồi sức sốt xuất huyết để giảm tải cho BV Bệnh nhiệt đới.
Sở Y tế TP.HCM sẽ tham mưu UBND TP.HCM chỉ đạo toàn TP triển khai các giải pháp cụ thể nhằm kiểm soát dịch từ sớm, giảm số ca mắc mới, đồng thời hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Việc chủ động giám sát dịch tễ, truyền thông cảnh báo người dân và chuẩn bị sẵn sàng cơ sở điều trị được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng tới khi dự báo số ca mắc có thể gia tăng.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.