Kể từ ngày 1.7.2025, để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào, cơ sở kinh doanh phải có ‘chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt’.
Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 có hiệu lực từ 1.7.2025, với nhiều thay đổi quan trọng, bao gồm quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt mới được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Một hình thức thanh toán không dùng tiền mặt
ẢNH: THANH NIÊN
Luật sư Nguyễn Thị Hải Yến (Công ty luật Viên An) sẽ giải đáp một số nội dung liên quan quy định trên.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 3 Nghị định 52/2024/NĐ – CP ngày 15.5.2024, thanh toán không dùng tiền mặt được hiểu là việc thực hiện giao dịch thanh toán mà không sử dụng tiền mặt, thông qua các phương tiện thanh toán và dịch vụ thanh toán do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, công ty tài chính hoặc tổ chức trung gian thanh toán cung cấp.
Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm:
- Thanh toán qua tài khoản thanh toán của khách hàng, thông qua các công cụ như: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng (thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước), chuyển tiền, thu hộ, chi hộ và các dịch vụ tương tự khác.
- Thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng, bao gồm các phương thức thanh toán điện tử được pháp luật cho phép như ví điện tử hoặc các phương tiện khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Momo, Zalopay, Viettel Money, Shopee Pay…).
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 luật Thuế giá trị gia tăng 2024 thì điều kiện để các cơ sở kinh doanh được khấu trừ thuế khi không dùng tiền mặt để thanh toán, là phải có “chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt” đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ 5 triệu đồng trở lên đã bao gồm thuế GTGT.
Trước đây, thì giá trị hàng hóa trên 20 triệu đồng mới phải cung cấp chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để xem xét khấu trừ thuế.
Ngoài ra, đối với trường hợp cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ của một người nộp thuế có giá trị dưới 5 triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ 5 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt cho tất cả các lần mua (khoản 3 Điều 26 Nghị định 181/2025/NĐ – CP).
9 trường hợp đặc thù được xem là ‘chứng từ không dùng tiền mặt’
Tuy nhiên, vẫn có 9 trường hợp đặc thù được quy định riêng để xem xét khấu trừ thuế khi cung cấp được các hồ sơ, tài liệu khác có thể được xem là “chứng từ không dùng tiền mặt”.
Các trường hợp này được quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 181/2025/NĐ – CP chi tiết như sau:
- Bù trừ hàng hóa/dịch vụ: Khi mua hàng theo phương thức bù trừ giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc vay mượn hàng, phải có hợp đồng quy định rõ phương thức thanh toán, kèm biên bản đối chiếu xác nhận giữa các bên. Nếu qua bên thứ ba, cần biên bản bù trừ công nợ ba bên.
- Bù trừ công nợ bằng tiền: Trường hợp thanh toán bằng cách cấn trừ khoản vay, mượn tiền, phải có hợp đồng vay/mượn bằng văn bản lập trước đó và chứng từ chuyển tiền giữa các bên.
- Thanh toán qua bên thứ ba: Nếu thanh toán được thực hiện thông qua bên thứ ba (do bên bán chỉ định hoặc bên mua ủy quyền), hợp đồng phải quy định rõ và bên thứ ba phải là tổ chức/cá nhân hoạt động hợp pháp.
- Thanh toán bằng cổ phiếu/trái phiếu: Phải có hợp đồng mua bán bằng văn bản lập trước đó, quy định rõ phương thức thanh toán.
- Giá trị còn lại thanh toán bằng tiền: Phần giá trị hàng hóa, dịch vụ còn lại có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên, nếu thanh toán bằng tiền thì chỉ được khấu trừ nếu có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
- Thanh toán vào tài khoản bên thứ ba tại Kho bạc: Trường hợp thanh toán vào tài khoản cưỡng chế của bên bán tại Kho bạc Nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì vẫn được khấu trừ phần tương ứng.
- Mua trả chậm/trả góp: Cơ sở kinh doanh được khấu trừ thuế dựa trên hợp đồng, hóa đơn và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu chưa đến thời hạn thanh toán thì vẫn được khấu trừ. Đến hạn mà không có chứng từ thì phải điều chỉnh giảm thuế GTGT đầu vào.
- Hàng hóa/dịch vụ dưới 5 triệu đồng hoặc không phải trả tiền: Không yêu cầu chứng từ không dùng tiền mặt nếu: Giá trị từng lần nhập khẩu hoặc mua vào dưới 5 triệu đồng (đã bao gồm thuế GTGT), hoặc hàng biếu, tặng, hàng mẫu không phải trả tiền từ nước ngoài
- Người lao động thanh toán hộ: Nếu người lao động thanh toán không dùng tiền mặt theo quy chế nội bộ, sau đó doanh nghiệp hoàn trả bằng hình thức không dùng tiền mặt, thì vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Như vậy, kể từ ngày 1.7.2025, để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ từ 5 triệu đồng trở lên, trừ một số trường hợp ngoại lệ theo hướng dẫn của Chính phủ.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.