Năm 2014, tôi đã 3 lần lên Hà Giang (nay là Tuyên Quang) viếng nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Trong đó có một lần tôi lên vào đúng tháng bảy, tháng kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27.7.
Buổi chiều tối, sau khi viếng và thắp hương cho các liệt sĩ ở nghĩa trang, tôi đã lên Thanh Thủy, nơi có địa danh Núi Đất đã xảy ra những trận kịch chiến giữa quân đội ta và quân xâm lược Trung Quốc, nơi những chiến sĩ của ta đã quyết giữ từng thước đất, từng mỏm đá, nơi họ đã khắc vào đá lời thề thiêng liêng: “Chết hóa đá, linh hồn bất tử”.
Hơn 2.000 người lính của chúng ta đã hy sinh ở Thanh Thủy. Tôi ngồi bên vệ đường, nghe chim quốc kêu, chim cú rúc. Cứ như nghe tiếng vọng những linh hồn liệt sĩ từ hẻm núi đá vọng về. Đêm tối ập xuống, thật lạnh lẽo.
Khi trở về Quảng Ngãi, tôi đã viết được bài thơ tưởng niệm các anh đã hy sinh ở Vị Xuyên, Thanh Thủy. Ngày xưa, tháng bảy mưa ngâu là tháng buồn, khi Chức nữ biệt Ngưu lang, còn nay, là tháng chúng ta tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Cũng là một tháng trầm buồn.
Bài thơ của tôi đã góp thêm vào nỗi buồn chung ấy, buồn thương và đầy lòng biết ơn. Dân tộc ta luôn coi lòng biết ơn là một phẩm chất cao cả nhất của con người. Khi những người lính trẻ hy sinh, cha mẹ họ mới là những người đau buồn nhất.
Bài thơ Tháng bảy mưa ngâu gửi đến những người lính liệt sĩ
Tháng bảy mưa ngâu
mưa rả rích ngược đường sông Lô
mưa mờ che dãy núi nhấp nhô
mưa như nước mắt người lính cũ
khóc bao đồng đội tới bao giờ
mưa ngâu góa phụ trẻ khóc chồng
mưa ngâu Chức nữ biệt Ngưu lang
những hồn lưu lạc trong khe núi
có về đây như một tiếng vang?
Thanh Thủy Vị Xuyên ba mươi năm
các anh cùng đất đá ăn nằm
“chết thành đá linh hồn bất tử”
mưa ngâu tháng bảy hóa mưa dầm
mưa ngâu trắng trời nước mắt tuôn
mẹ cha chết lặng trước mưa buồn
con đi ngày ấy còn quá trẻ
cây bưởi nhà ta quả mới ương
con chưa biết mưa trên giàn trầu
chưa từng hò hẹn dưới hàng cau
con đi đi mãi về hun hút
cho tới ngày con hóa mưa ngâu
9.7.2014 tháng ngâu

Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, Tuyên Quang (Hà Giang cũ)
ẢNH: MAI THANH HẢI
Những liệt sĩ nằm ở nghĩa trang Vị Xuyên có quê hương từ 32 tỉnh thành, họ đã góp xương máu không phải để dựng lên tượng đài, mà dựng lên thành lũy chống quân xâm lược.
Tất cả những liệt sĩ ấy đều là anh hùng, nhưng họ chỉ là liệt sĩ. Có nhiều liệt sĩ còn chưa xác định được tên, ngày trước thì gọi là “liệt sĩ vô danh”. Nhưng họ có tên có tuổi cả đấy. Ở nghĩa trang Vị Xuyên còn một ngôi mộ tập thể, đó là ngôi mộ của những liệt sĩ đã hy sinh ở Thanh Thủy.
Năm 2025, trong chuyến công tác tại Hà Giang, nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 – 3.2.2025), chiều 5.2, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương đã tới dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, Tuyên Quang (Hà Giang cũ). Lòng biết ơn đã được người đứng đầu của Đảng thể hiện trong cuộc viếng thăm này.
Cũng có chút duyên với tôi, bài thơ Tháng bảy mưa ngâu đã được nhạc sĩ Văn Phượng phổ nhạc, và tác phẩm đã nhận được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2024, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở Vị Xuyên và Thanh Thủy.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.