Thách thức giao thông công cộng Hà Nội

Nhiều thành phố của Trung Quốc đã thành công cấm xe máy từ 20 – 30 năm nay, song để làm được điều đó hệ thống giao thông công cộng rất phát triển. Với Hà Nội hay TP.HCM, nghịch lý khi cấm hoặc hạn chế phương tiện cá nhân hiện nay là phương tiện công cộng không theo kịp.

Từng giữ vị trí Phó giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, theo ông Lê Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, những năm gần đây thành phố đã có bước tiến đáng kể trong đầu tư và phát triển giao thông công cộng (GTCC). Điểm sáng nhất là đưa vào vận hành 2 tuyến Cát Linh – Hà Đông và đoạn trên cao Nhổn – Cầu Giấy. Các tuyến metro này ngay lập tức phát huy hiệu quả, trong đó tuyến Cát Linh – Hà Đông từ tháng 11.2021 – 1.2025 đã vận chuyển hơn 36,8 triệu lượt hành khách, trung bình phục vụ khoảng 32.900 lượt hành khách/ngày.

Hiện mạng lưới xe buýt thủ đô với 154 tuyến, tổng chiều dài ước tính khoảng 3.850 km. Năm 2024, vận chuyển hơn 227,6 triệu lượt khách, dự kiến năm 2025 có thể đạt 240 – 250 triệu lượt, tương đương trên 650.000 lượt/ngày.

Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Hiếu, so với nhu cầu thực tế và tiềm năng phát triển, hệ thống GTCC Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự trở thành lựa chọn ưu tiên của đa số người dân. GTCC mới đảm nhận khoảng 19,5% số lượng chuyến đi của người dân, con số khá khiêm tốn so với mục tiêu 30 – 35% vào năm 2025.

Dù thành phố đã nỗ lực rất lớn nhưng số lượng tuyến metro và BRT còn hạn chế so với quy mô đô thị. Mật độ đường giao thông trên diện tích đô thị trung bình của Hà Nội là 1,7 km/km2, thấp hơn nhiều so với các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới như Amsterdam, Paris, Singapore… từ 15 – 25 km/km2

Đặc biệt, hệ thống GTCC chưa kết nối và tích hợp giữa các loại hình xe buýt, metro, BRT, taxi, xe đạp cho thuê, gây khó khăn cho người dân trong việc chuyển đổi phương tiện và tiếp cận mọi điểm đến. Các nhà ga metro và trạm xe buýt chưa được quy hoạch đồng bộ với các khu dân cư, trung tâm thương mại và điểm trung chuyển khác. Với xe buýt, dù mạng lưới khá lớn, song tỷ lệ hài lòng của người dân chỉ đạt khoảng 60 – 70%…

Cùng quan điểm này, theo TS Phan Lê Bình, các phương tiện công cộng của Hà Nội gồm đường sắt đô thị, xe buýt, BRT… trong 1 – 2 năm tới chỉ đáp ứng được cao nhất 50% nhu cầu chuyến đi mỗi ngày của người dân. Nếu người dân không đi xe máy chuyển sang xe buýt, thì hệ thống xe buýt bị quá tải do dung lượng chuyên chở có giới hạn.

“Để đáp ứng khối lượng lớn thì phải có đường sắt đô thị, nhưng 1 – 2 năm tới chỉ thêm được đoạn ngầm của đường sắt Kim Mã đến ga Hà Nội. Hà Nội mới có 2 tuyến đường sắt đô thị, chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu đi lại của người dân”, ông Bình nói. Hà Nội dự kiến sắp triển khai thêm 2 tuyến metro trong thời gian tới, nhưng theo ông, các dự án trước đây mất 15 – 17 năm để hoàn thành, với các tuyến mới dù rút ngắn nhưng cũng sẽ mất tới 7 – 8 năm.

Phó giám đốc Sở Tài chính Lê Trung Hiếu cho rằng những tồn tại trong phát triển GTCC Hà Nội đặt ra yêu cầu cấp bách về việc quy hoạch toàn diện, bền vững và dài hạn hơn. Quy hoạch cần bảo đảm sự kết nối liền mạch giữa các loại hình GTCC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi phương tiện. Cần xây dựng các đầu mối trung chuyển hiện đại, tích hợp tiện ích như bãi đỗ xe cá nhân, khu thương mại dịch vụ…

Khi mạng lưới metro hoàn chỉnh theo quy hoạch, tỷ lệ đảm nhận của GTCC có thể tăng mạnh. Đến năm 2035, nếu Hà Nội hoàn thành 205 km metro, hệ thống GTCC có thể đảm nhận từ 50 – 55% thị phần vận tải hành khách. Bên cạnh mạng lưới xe buýt rộng khắp, cần chú trọng đến giao thông phi cơ giới, tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ và xe đạp, khuyến khích sử dụng các phương thức di chuyển thân thiện với môi trường. Cần xây dựng vỉa hè rộng rãi, an toàn; làn đường dành riêng cho xe đạp và các điểm trông giữ xe đạp công cộng…


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.