Sau sáp nhập, phường Tân Định không chỉ sầm uất mà còn lưu giữ ‘chợ nhà giàu’ trăm tuổi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định…
Phường Tân Định, TP.HCM được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ phường Tân Định và một phần phường Đa Kao (quận 1 cũ). Diện tích phường Tân Định mới là 1,23 km², dân số 48.524 người.
Phường Tân Định – truyền thống cách mạng hào hùng
Ngày trước, phường Tân Định có tên là phường Trần Quang Khải – địa phương giàu truyền thống cách mạng với nhiều cơ sở hoạt động của lực lượng biệt động Sài Gòn.

Bia lịch sử do Đảng bộ và chính quyền phường Tân Định lập, đánh dấu sự kiện ngày 30.4.1975 ngay tại nơi xưa kia là bốt cảnh sát Tân Định. Trên bia có đề nội dung “Đây là cuộc nổi dậy giành chính quyền sớm nhất ở quận 1”
ẢNH: THÚY LIỄU
Theo Lịch sử Đảng bộ phường Tân Định 1930 – 2010, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, nhân dân phường Trần Quang Khải đã cùng các lực lượng vũ trang từ bên ngoài chuẩn bị mọi mặt, bảo đảm cho trận đánh cuối cùng giành thắng lợi trọn vẹn.
Ngày 30.4.1975, khi các mũi tiến công của quân giải phóng từ các ngả tiến vào thành phố, vào lúc 7 giờ sáng, tại phường Trần Quang Khải, lá cờ đầu tiên được treo tại trụ sở khóm 6 của ngụy.
Cùng lúc đó, các cán bộ bám chốt tại các cơ sở trong phường Trần Quang Khải phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, phường, khóm, chiếm bốt cảnh sát Tân Định, buộc chúng đầu hàng và tước đoạt 1.400 súng các loại.
Sau giải phóng, phường Trần Quang Khải được chia thành các phường 1, 2, 3, 4. Năm 1989, quận 1 chia lại địa giới hành chính cấp phường, trong đó, sáp nhập phường 1, 3, 4 thành phường Tân Định.
Dấu ấn qua những địa danh lịch sử
Sau sáp nhập, phường Tân Định không chỉ là vùng đất sầm uất mà còn là nơi lưu giữ nhiều địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử.
Nằm trên tuyến đường Hai Bà Trưng tấp nập, chợ Tân Định là một biểu tượng lâu đời, chứng kiến biết bao thăng trầm của TP.HCM.
Theo sách Khám phá Sài Gòn – Chợ Lớn – Di sản của TP.HCM, tác giả Tim Doling có viết, vào thập niên 1880, chợ Phú Hòa được hình thành trên mảnh đất của làng Phú Hòa, thuộc vùng Tân Định. Đây là một chợ làng trù phú của vùng bắc Sài Gòn. Nhưng sau đó, có lẽ do nằm gần Nhà thờ Tân Định nên được đổi tên thành chợ Tân Định.
Năm 1926, chợ được xây dựng lại theo kiến trúc Pháp với mái vòm cao, ba tháp chuông vươn lên giữa trời và mặt tiền sơn vàng nổi bật. Vào thời điểm ấy, chợ Tân Định nổi danh là “chợ nhà giàu” với hàng hóa phong phú, giá cả cao hơn mặt bằng chung.


Chợ Tân Định – ngôi chợ cổ gắn liền với bao thăng trầm tọa lạc tại phường Tân Định, TP.HCM (ẢNH: TƯ LIỆU – THÚY LIỄU)
Không chỉ là nơi buôn bán sầm uất, chợ từng là nơi ẩn náu của các chiến sĩ cách mạng trong chiến tranh. Năm 2003, chợ được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Một điểm độc đáo của chợ Tân Định xưa là phía sau có con đường mang tên “Mã Lộ” (đường ngựa), nơi các xe ngựa thường đậu chờ khách. Cách đó khoảng 500 m, khu vực bờ kênh Nhiêu Lộc, trước đình Xuân Hòa (129 Lý Chính Thắng, phường Xuân Hòa, TP.HCM) là bến tắm ngựa.
Cách chợ Tân Định chừng 400 m, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định nằm trong một ngôi nhà ba tầng xây từ năm 1963 tại 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, TP.HCM. Nơi đây từng là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn do ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai) phụ trách.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định là nơi lưu giữ những ký ức hào hùng một thời
ẢNH: THÚY LIỄU
Sau năm 1975, căn nhà được chia nhỏ để bán, nhưng gia đình ông Lai đã mua lại phần trệt và hai tầng trên để phục dựng thành bảo tàng.
Từ cuối năm 2019, bảo tàng bắt đầu được sưu tập hiện vật, đến nay đã có khoảng 300 hiện vật liên quan đến quá trình hình thành, chiến đấu và hoạt động nội thành của lực lượng biệt động.
Kiến trúc ngôi nhà vẫn được giữ nguyên với nhiều hầm bí mật và vật dụng gắn liền những nhiệm vụ đặc biệt như chuyển thư từ, vàng bạc, vũ khí vào chiến khu.
Bảo tàng trưng bày theo các nhóm chủ đề: vũ khí, xe cộ, thiết bị liên lạc và vật dụng sinh hoạt. Đáng chú ý là nhiều mẫu bom, súng, hình ảnh các trận tập kích từng làm đối phương khiếp sợ giữa lòng Sài Gòn.


Đình cổ Phú Hòa là một trong những ngôi đình lâu đời còn tồn tại giữa lòng đô thị
ẢNH: THÚY LIỄU
Tại phường Tân Định, còn có ngôi đình cổ Phú Hòa (159 Trần Quang Khải) thờ thần thành hoàng bổn cảnh phù hộ cư dân thôn làng. Trong sân đình có bức bình phong, phía trước đặt tượng tượng Ông Hổ uy nghi. Bên phải sân đình, có miếu thờ thần nông cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước
Tại lễ phát động thi đua “Sáng tạo, cùng đồng hành vì phường Tân Định đoàn kết – an toàn – văn minh – phát triển” ngày 20.7, ông Nguyễn Hải Quân, Chủ tịch UBND phường Tân Định, nhấn mạnh phong trào thi đua yêu nước là sức mạnh để phường Tân Định có những bước phát triển trong tương lai.

Lãnh đạo phường Tân Định trao tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn ngày 20.7
ẢNH: THÚY LIỄU
Theo đó, chính quyền và người dân phường Tân Định sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc sắp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp; đảm bảo các cơ quan chuyên môn, giúp việc trong hệ thống chính trị phường hoạt động ổn định, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
“Các cơ quan, đơn vị, khu phố tập trung thi đua triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ đã đề ra, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm đã đăng ký. Người đứng đầu các đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, giao việc cần: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành”, ông Quân chỉ đạo.
Trụ sở và lãnh đạo phường Tân Định
- Trụ sở Đảng ủy, HĐND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội của phường Tân Định sau sáp nhập đặt tại 30 Phùng Khắc Khoan (trước đây là trụ sở Quận ủy quận 1).
- Trụ sở UBND và Trung tâm phục vụ hành chính công phường Tân Định đặt tại 58B Nguyễn Đình Chiểu (trước đây là trụ sở Đảng ủy, UBND phường Đa Kao).
- Trụ sở Công an phường Tân Định đặt tại 162 Bà Lê Chân, phường Tân Định.
- Ông Lê Đức Thanh, Bí thư Đảng ủy phường Tân Định; ông Nguyễn Hải Quân, Chủ tịch UBND phường Tân Định.

Sau sáp nhập, phường Tân Định, TP.HCM có dân số hơn 48.500 người
ĐỒ HỌA: UYỂN NHI
Hôm qua (23.7), tại Đại hội Đảng bộ các cơ quan Đảng phường Tân Định lần thứ 1, nhiệm kỳ 2025 – 2030, Bí thư Đảng ủy phường Tân Định Lê Đức Thanh nhìn nhận, Đảng bộ các cơ quan Đảng là đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ phường, là hạt nhân chính trị, giữ vai trò lãnh đạo tham mưu việc triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Dù mới được thành lập và có không ít khó khăn nhất định trong thời gian đầu vận hành mô hình mới, Đảng bộ đã nhanh chóng lãnh đạo các chi bộ trực thuộc tổ chức thành công Đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2025 – 2030; triển khai kịp thời các hoạt động và nhiệm vụ trọng tâm, bước đầu đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Ban chấp hành Đảng bộ các cơ quan Đảng phường Tân Định nhiệm kỳ 2025 – 2030 ra mắt
ẢNH: THÚY LIỄU
“Để thời gian tới Đảng bộ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, tôi đề nghị tập thể Đảng ủy phải thật sự đoàn kết, trách nhiệm, mỗi cá nhân phải nêu cao vai trò nêu gương, tiên phong, gương mẫu. Đồng thời, thường xuyên nắm tình hình cán bộ, đảng viên và nhân dân, chủ động trong tham mưu, đề xuất các giải pháp, sáng kiến, nhằm triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng phường Tân Định ngày càng đoàn kết, an toàn, văn minh, phát triển”, ông Thanh nói.
Thúy Liễu
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.