Hàng loạt ‘ổ nhóm hàng gian, hàng giả’ tại tỉnh Tây Ninh bị triệt phá, qua đó lộ rõ những mánh khóe buôn bán tinh vi, có tổ chức và xuyên biên giới.
Công xưởng mỹ phẩm giả giữa phố Tây Ninh
Trưa 13.6, lực lượng Quản lý thị trường (thuộc Sở Công thương Tây Ninh) phối hợp Công an tỉnh Tây Ninh kiểm tra kho mỹ phẩm có quy mô lớn của Lư Thị Mỹ Dung (35 tuổi) ở P.Ninh Sơn, Tây Ninh.
Theo kết quả công bố công bố của Sở Công thương Tây Ninh, kho của Lư Thị Mỹ Dung chứa hơn 12 tấn mỹ phẩm thành phẩm và nguyên liệu, trị giá ước tính 3,5 tỉ đồng. Đặc biệt, các sản phẩm đều mang nhãn mác nước ngoài, được quảng bá trên các nền tảng thương mại điện tử với hình thức giao hàng thu hộ tiền (COD) nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan thuế và bảo vệ người tiêu dùng.

Trong tháng cao điểm vừa qua, ngành chức năng tỉnh Long An phát hiện nhiều hàng giả, lậu được tuồn từ Campuchia qua Việt Nam bằng đường biên giới tại tỉnh Tây Ninh
ẢNH: B.B
Theo Sở Công thương Tây Ninh, từ ngày 15.5 đến ngày 15.6, các lực lượng chức năng Tây Ninh còn phát hiện hàng loạt vụ vi phạm nghiêm trọng khác. Cụ thể, ngày 23.5, Đội Quản lý thị trường Cơ động (thuộc Sở Công thương tỉnh Long An cũ) phối hợp Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh kiểm tra kho sữa của ông Hồ Văn Tú tại ấp Xóm Mới, xã Tân Lân, H.Cần Đước, nay là xã Tân Lân, tỉnh Tây Ninh. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 963 thùng sữa các loại (tương đương 11.856 hộp) không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đáng chú ý, ông Tú không hợp tác để làm rõ nguồn hàng.
Một trong những vụ nổi cộm được dư luận đặc biệt chú ý là vào ngày 2.6, tại khu vực mốc 170/4, xã Lợi Thuận (H.Bến Cầu), lực lượng Biên phòng Tây Ninh (cũ) phối hợp với Hải quan và công an phát hiện Nguyễn Xuân Nam (quê TP.HCM) nhập cảnh trái phép từ Campuchia, vận chuyển 5,237 kg bạc khai báo mua từ Malaysia. Đây là đường dây buôn lậu xuyên quốc gia, được che giấu bằng thủ đoạn đi vòng qua Phnom Pênh (Campuchia) rồi lén lút nhập cảnh bằng đường mòn.

Mặc dù ngành chức năng của tỉnh Tây Ninh đã dùng nhiều biện pháp ngăn chặn hàng lậu từ Campuchia về Việt Nam nhưng tình hình buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi
ẢNH: B.B
Cũng trong đợt cao điểm, Công an tỉnh phối hợp các đơn vị kiểm tra đột xuất nhiều cơ sở kinh doanh không phép, kinh doanh hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc như tại shop HOLA (huyện Bến Lức cũ) với gần 4,5 tấn quần áo, giày dép, nón, túi xách không hóa đơn; hộ kinh doanh Dương Bằng LUXURY (TP.Tân An) với hàng loạt sản phẩm làm giả các thương hiệu Gucci, Hermes, Louis Vuitton…
Và chỉ trong 1 tháng cao điểm này, Sở Công thương Tây Ninh ghi nhận đến 71 vụ vi phạm với trị giá hàng hóa vi phạm lên đến 26,4 tỉ đồng – con số vượt xa nhiều địa phương lân cận. Trong đó, đã xử lý hành chính 29 vụ, khởi tố hình sự 9 vụ, và hàng chục vụ đang tiếp tục xác minh, điều tra…
Sữa giả – hiểm họa cho sức khỏe con người
Ngày 12.7, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Quang Hùng, Giám đốc Sở Công thương Tây Ninh, khẳng định những ổ nhóm, đường dây tội phạm bị triệt phá triệt phá trong thời gian gần đây không chỉ là hành vi sản xuất hàng giả, mà còn là hành vi trốn thuế, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Bộ đội Biên phòng đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh, ngăn chặn buôn lậu ở tỉnh Tây Ninh
ẢNH: B.B
Những con số thực tế ghi nhận trong tháng cao điểm kiểm tra trên đã thể hiện một thực tế rằng hàng giả, hàng nhái và hoạt động gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang hiện diện và len lỏi vào từng ngóc ngách của thị trường; từ các shop thời trang đến sàn thương mại điện tử, từ đường mòn biên giới đến nội đô thành phố của tỉnh Tây Ninh hiện nay.
Theo ông Hùng, đáng lên án nhất là hành vi buôn bán hành vi buôn sữa giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bởi, hành vi không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là trẻ nhỏ – đối tượng sử dụng sữa thường xuyên. Nếu là sữa giả, kém chất lượng, hậu quả về dinh dưỡng và an toàn sức khỏe là rất lớn.

Tỉnh Tây Ninh mới có hơn 370 km đường biên giới giáp Campuchia với nhiều đường mòn, lối mở… luôn là thách thức rất lớn trong phòng chống buôn lậu
ẢNH: B.B
Giám đốc Sở Công thương Tây Ninh khẳng định, trong thời gian tới, Sở sẽ tích cực hơn nữa trong thực hiện các chỉ đạo từ Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh về trấn áp, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
“Chúng tôi xác định đây không chỉ là nhiệm vụ nhất thời mà là một mặt trận lâu dài, cần sự vào cuộc tổng thể, đồng bộ, chuyên sâu, có trọng tâm và trọng điểm. Không chỉ kiểm tra trên diện rộng các cửa hàng, kho hàng, lực lượng chức năng còn “đánh thẳng” vào các xưởng sản xuất, nơi chế biến, các kênh phân phối online – vốn là nơi dễ bị bỏ qua nhất”, ông Huỳnh Văn Quang Hùng chia sẻ.
Đặc thù và giải pháp đấu tranh buôn lậu, gian lận thương mại tại tỉnh Tây Ninh
Theo ông Huỳnh Văn Quang Hùng, Giám đốc Sở Công thương Tây Ninh, từ tình hình thực tế ghi nhận tại hai địa bàn hợp nhất – Long An và Tây Ninh (cũ), có thể thấy tỉnh Tây Ninh mới đang đối mặt với những thách thức kép trong cuộc chiến chống buôn lậu và gian lận thương mại. Mỗi khu vực có đặc điểm riêng nhưng khi hợp nhất, lại đặt ra yêu cầu cấp thiết về chiến lược tổng hợp, linh hoạt và chuyên sâu.

Ông Huỳnh Văn Quang Hùng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tây Ninh
ẢNH: BẮC BÌNH
Cụ thể, ở địa phận tỉnh Long An cũ, hoạt động buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc chủ yếu diễn ra tại các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô không lớn, nhưng lại len lỏi trong các trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang giữa lòng đô thị. Mặt hàng vi phạm thường là các sản phẩm tiêu dùng như quần áo, túi xách, đồng hồ, ví, nón… gắn nhãn hiệu nổi tiếng để đánh lừa người tiêu dùng. Dù giá trị mỗi vụ không cao nhưng tác động tích lũy và lan rộng trong môi trường thương mại nội địa là đáng kể.
Trong khi khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh cũ với đặc điểm địa hình giáp ranh Campuchia – nơi các nghi phạm, nghi can buôn lậu sử dụng chiến thuật “tàng hình”: tập kết hàng cách xa biên giới, chọn thời điểm đêm khuya, rạng sáng để vận chuyển nhỏ lẻ, tránh bị phát hiện. Hàng hóa chủ yếu là thuốc lá lậu, pháo nổ, xe mô tô không giấy tờ… Sau khi lọt qua biên giới, hàng lậu nhanh chóng được vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.
“Tây Ninh sau sáp nhập đang ở tâm thế “hai mặt trận” – vừa phải kiểm soát biên giới, vừa phải siết chặt thị trường nội địa. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, nhất quán của cả hệ thống chính trị và lực lượng chức năng, với vai trò trung tâm điều phối của Sở Công thương và Ban chỉ đạo 389 tỉnh. Chỉ khi phối hợp nhịp nhàng giữa kiểm soát, tuyên truyền và xử lý nghiêm minh thì mới có thể triệt tiêu dần “đất sống” của hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng”, ông Huỳnh Văn Quang Hùng nhận định.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.