'Siêu' phường Bình Dương ở TP.HCM

Với 7 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, phường Bình Dương (TP.HCM mới) hiện nay đang là địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước.

Phường Bình Dương (TP.HCM) được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các phường: Hòa Phú, Phú Mỹ, Phú Tân (thuộc thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương trước đây) và phường Phú Chánh (thuộc thành phố Tân Uyên cũ), với diện tích tự nhiên là 58,157 km², dân số 107.576 người.

'Siêu' phường Bình Dương ở TP.HCM- Ảnh 1.

Trung tâm của phường Bình Dương hiện nay

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Phường Bình Dương hiện có 7 khu công nghiệp đang hoạt động gồm: Đại Đăng (quy mô hơn 274 ha, thành lập năm 2005); Sóng Thần 3 (quy mô 533 ha, thành lập năm 2008); Kim Huy (quy mô 213 ha, thành lập năm 2006); VSIP 2 (thành lập năm 2006, diện tích 345 ha); Đồng An 2 (quy mô 158 ha, thành lập năm 2006), Phú Tân (quy mô 107 ha, thành lập năm 2006) và Khu công nghiệp công nghệ cao Mapletree Việt Nam (quy mô gần 75 ha, thành lập năm 2008).

'Siêu' phường Bình Dương ở TP.HCM- Ảnh 2.

Khu công nghiệp VSIP 2 ở phường Bình Dương

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Lịch sử tên gọi Bình Dương

Theo Hội Khoa học lịch sử Bình Dương, tên gọi Bình Dương có từ rất lâu đời (trên 300 năm), xuất hiện vào khoảng năm 1692 khi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được vua Lê Hiển Tông cử đi kinh lược, thiết lập hệ thống quản lý hành chính vùng đất phương Nam.

'Siêu' phường Bình Dương ở TP.HCM- Ảnh 3.

Thủ phủ tỉnh Bình Dương (cũ) thuộc địa phận phường Bình Dương hiện nay

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Sau đó, ông Nguyễn Hữu Cảnh đã lấy vùng đất Nông Nại đặt tên là Gia Định phủ; lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long và dựng dinh Trấn Biên; lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn chia làm 2 tổng là Tân Bình và Bình Dương. Tên gọi Bình Dương cũng xuất phát từ đây.

Đến năm 1997, tỉnh Sông Bé cũ được chia tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước (nay là tỉnh Đồng Nam mới).

'Siêu' phường Bình Dương ở TP.HCM- Ảnh 4.

Trụ sở UBND phường Bình Dương hiện nay

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Ông Nguyễn Văn Đông, Bí thư Đảng ủy phường Bình Dương cho biết, Bình Dương mang tên gợi nhớ sự quan thuộc, dễ nhớ, sau 25 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Bình Dương đã có được một diện mạo mới với tiềm lực, vị thế và uy tín, trở thành một động lực phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Ông Đông cho rằng phường Bình Dương hiện nay nằm tại vị trí chiến lược, không chỉ thừa hưởng nền tảng vững chắc (của tỉnh Bình Dương cũ) mà còn là một địa phương mang đậm dấu ấn sự phát triển vượt bậc và vươn mình mạnh mẽ.

'Siêu' phường Bình Dương ở TP.HCM- Ảnh 5.

Khu công nghiệp công nghệ cao Mapletree

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

“Bình Dương không chỉ là tên gọi của một vùng đất, mà còn là biểu tượng của sự hiện đại, với sự kế thừa và phát huy, sự năng động, tầm nhìn chiến lược, quyết tâm nâng cao chất lượng đô thị, cùng sự khởi đầu ấn tượng và những nỗ lực không ngừng, phường Bình Dương mới là một đô thị tiên phong trong sự phát triển mạnh mẽ và bền vững”, ông Đông cho hay.

Trụ sở và lãnh đạo phường Bình Dương

Ông Nguyễn Văn Đông, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND.

  • Trụ sở Đảng ủy: số 814 Huỳnh Văn Lũy (trụ sở UBND phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một cũ), phường Bình Dương (TP.HCM).

Ông Võ Chí Thành, Chủ tịch UBND. Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó chủ tịch UBND kiêm Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Bình Dương.

  • Trụ sở UBND và Trung tâm phục vụ hành chính công: số 357 Võ Nguyên Giáp (trụ sở UBND phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một cũ), phường Bình Dương (TP.HCM).


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.