Nhiều người dân cho rằng phương tiện giao thông công cộng ở Hà Nội đa dạng các loại nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu đi lại hằng ngày.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 20, yêu cầu đến năm 2030 phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, ưu tiên xe buýt điện, tàu điện và không lưu thông xe máy xăng trong Vành đai trước 1.7.2026.
Cùng nhìn lại hệ thống giao thông công cộng ở Hà Nội đáp ứng ra sao nhu cầu đi lại của người dân thủ đô.

Tháng 8.2024, Hà Nội chính thức vận hành tuyến metro thứ 2: Nhổn – ga Hà Nội (đoạn từ Nhổn đến Trường ĐH Giao thông vận tải). Đây là một trong những trục đường chính, kết nối khu vực phía tây của thành phố với tuyến Vành đai 1.
ẢNH: TUẤN MINH




Dù phần nào phát huy được hiệu quả, nhưng nhiều người dân cho rằng hệ thống giao thông công cộng chưa kết nối tốt giữa các loại hình như xe buýt, metro, BRT, xe đạp cho thuê…, gây khó khăn trong việc chuyển đổi phương tiện và di chuyển
ẢNH: TUẤN MINH

Ông V.T.H (P.Phú Diễn) hằng ngày di chuyển 10 km từ nhà tới nơi làm việc. “Hết ngày, tôi lại đi tàu về đến ga Nhổn rồi đạp xe tiếp 3 km để về nhà. Đi metro thì rất thích, nhưng nhiều hôm nắng mưa, đạp xe từ ga về cũng ngại. Quãng đường từ ga về nhà tôi lại không có tuyến buýt nào cả. Hệ thống giao thông công cộng ở Hà Nội tôi thấy đa dạng nhưng chưa tiện”, ông cho biết.
ẢNH: TUẤN MINH



Là một trong những loại hình phương tiện công cộng lâu đời nhất hiện vẫn vận hành, mạng lưới xe buýt thủ đô có tổng cộng 154 tuyến, tổng chiều dài ước tính khoảng 3.850 km. Năm 2024, các tuyến này đã phục vụ hơn 227,6 triệu lượt khách. Dù vậy, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ xe buýt chỉ đạt khoảng 60 – 70%. Nguyên nhân, tần suất hoạt động của một số tuyến xe buýt còn thấp, thời gian chờ đợi lâu, thông tin về lịch trình và lộ trình chưa được cung cấp đầy đủ và thuận tiện…
ẢNH: TUẤN MINH

Chị Nguyễn Thị Thu Phương (22 tuổi) trọ tại Hồ Tùng Mậu, đi xe buýt đến nơi làm việc ở Ngã Tư Sở mỗi ngày. Thông thường, nếu không tắc đường chị mất 40 phút để đến cơ quan, tuy nhiên những ngày mưa thì mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. “Mình thấy phương tiện công cộng an toàn, giá rẻ. Tuy nhiên, vì đi làm vào giờ cao điểm nên thường xuyên gặp cảnh ùn tắc. Xe buýt to nên không luồn lách được như xe máy”, chị chia sẻ.
ẢNH: TUẤN MINH


Mặc dù được kỳ vọng sẽ kết nối các phương tiện giao thông công cộng và giảm thiểu phương tiện cá nhân, dịch vụ xe đạp đô thị ở Hà Nội sau một thời gian thí điểm vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
ẢNH: TUẤN MINH

Chị Vân Anh (P.Tây Hồ) sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng mỗi ngày để tập thể dục. “Dù rất thích đạp xe, nhưng bình thường tôi vẫn sử dụng ô tô cá nhân để đi làm. Do tính chất công việc liên tục phải gặp gỡ khách hàng nên tôi không thể đạp xe quá xa”, chị Vân Anh nói.
ẢNH: TUẤN MINH
Theo ông Lê Trung Hiếu, nguyên Phó giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, thủ đô đã vận hành 2 tuyến metro Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội, vận chuyển 36,8 triệu lượt khách tính từ cuối 2021 đến đầu 2025, cùng 154 tuyến buýt phục vụ 227,6 triệu lượt riêng trong năm 2024 (650 nghìn lượt/ngày).
Dù vậy, tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng mới đạt 19,5%, vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 30 – 35% giai đoạn 2021 – 2025.
https://thanhnien.vn/thach-thuc-…
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.