Những người mẹ trăm tuổi đón con 'trở về'

Họ đã chờ đợi mỏi mòn trong vô vọng. Và khi người con liệt sĩ trở về trong chiếc quan tài phủ cờ đỏ sao vàng, những giọt nước mắt tưởng chừng đã khô cạn của các bậc cha mẹ ‘gần đất xa trời’ lại lặng lẽ rơi.

Theo thống kê, cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ. Hiện nay, vẫn còn hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa xác định được danh tính, và khoảng 180.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm kiếm, quy tập được.

Có nhiều đấng sinh thành của liệt sĩ, tuổi đã già yếu vẫn mòn mỏi chờ đợi một ngày được đón đứa con của mình trong vòng tay, dù đó chỉ là phần hài cốt nằm lặng câm trong chiếc quan tài. Rất may cũng có những cuộc “đoàn viên” cảm động như thế.

Mẹ ngoài trăm tuổi trùng phùng với người con liệt sĩ

Ngày 15.3.2024, tại xã Hiệp Cường (tỉnh Hưng Yên), cụ Phạm Thị Hòa, 101 tuổi, ngồi giữa gian thờ, ánh mắt mờ đục nhìn chăm chăm vào chiếc quan tài phủ Quốc kỳ. Đó là ngày cụ được ở bên người con trai liệt sĩ Lê Văn Khi sau hơn 51 năm đằng đẵng đợi chờ.

Những người mẹ trăm tuổi đón con 'trở về'- Ảnh 1.

Cụ Phạm Thị Hòa, mẹ của liệt sĩ Lê Văn Khi ôm tấm bằng ghi công chuẩn bị đón hài cốt người con trai hy sinh tại chiến trường phía Nam trở về

ẢNH: TÌNH NGUYỆN VIÊN LÊ QUANG MÙA CUNG CẤP

Trung sĩ, tiểu đội phó Lê Văn Khi hy sinh ngày 19.1.1973, được an táng tại một nghĩa trang liệt sĩ thuộc tỉnh Tiền Giang (nay là tỉnh Đồng Tháp). Nhưng vì phần mộ còn thiếu thông tin thực chứng nên gia đình không thể đưa về quê hương. Hơn nửa thế kỷ qua, cụ Hòa lặng lẽ chờ đợi trong héo hon, và những giấc mơ thấy bóng con về đứt quãng trong nhiều đêm khó ngủ.

Mọi thứ thay đổi khi ông Nguyễn Sỹ Hồ, anh Lê Quang Mùa, những thành viên nhóm thiện nguyện tìm mộ liệt sĩ, lặng lẽ vào cuộc. Từng hồ sơ, từng bia mộ, từng dòng ký ức của liệt sĩ Khi được họ cẩn trọng đối chiếu, thực chứng…

Khi thông tin đã được xác định chính xác, nhóm của ông Sỹ Hồ phối hợp gia đình chọn ngày lành tháng tốt đưa hài cốt liệt sĩ Lê Văn Khi về với gia đình mẹ Hòa. Trong buổi lễ truy điệu trước lúc tái an táng liệt sĩ Khi, đôi mắt người mẹ trên 100 tuổi này nhòa lệ, tay run run vuốt lên chiếc quan tài, như vỗ về đứa con trở về trong im lặng.

Những người mẹ trăm tuổi đón con 'trở về'- Ảnh 2.

Cụ Phạm Thị Nít khóc nấc bên quan tài liệt sĩ Phạm Văn Tưởng

ẢNH: TÌNH NGUYỆN VIÊN NGUYỄN MẠNH HÙNG CUNG CẤP

Tại xã Nguyên Giáp, TP.Hải Phòng, cụ Phạm Thị Nít, mẹ của liệt sĩ Phạm Văn Tưởng, cũng trải qua những giây phút gần như không tưởng. 105 tuổi, cụ Nít chẳng còn đi vững, tai lãng, mắt mờ. Thế nhưng, khi quan tài của con trai được đưa từ Long An (nay là tỉnh Tây Ninh) về quê ngày 18.5.2025, cụ như hồi sinh. “Tưởng ơi, mẹ đây. Mẹ chờ con về từ ngày ấy đến nay, con ơi!”, cụ Nít úp mặt lên nắp quan tài, thút thít khóc.

Hạ sĩ Phạm Văn Tưởng, sinh 1950, chiến đấu trong Tiểu đoàn 22, Sư đoàn 5, hy sinh tại chiến trường Campuchia ngày 25.5.1974. Gia đình nhận được giấy báo tử năm 1976, nhưng không biết nơi chôn cất chính xác. Mãi đến năm 2025, nhóm thiện nguyện tìm mộ liệt sĩ của ông Nguyễn Sỹ Hồ xác định mộ anh Tưởng nằm tại nghĩa trang liệt sĩ liên huyện Vĩnh Hưng – Tân Hưng, tỉnh Long An (tỉnh Tây Ninh mới).

“Hành trình tìm mộ liệt sĩ Phạm Văn Tưởng, con của cụ Nít, là hành trình tưởng như không đến đích. Nhưng khi có hồ sơ thực chứng đủ cơ sở để làm thủ tục đưa anh về đoàn tụ với mẹ già trên 100 tuổi, thì nhóm chúng tôi hạnh phúc vô cùng”, ông Nguyễn Sỹ Hồ tâm tình.

Những người mẹ trăm tuổi đón con 'trở về'- Ảnh 3.

Cụ Phạm Thị Lài 104 trong ngày đón hài cốt anh Nguyễn Công Hòa về quê

ẢNH: TÌNH NGUYỆN VIÊN NGUYỄN MẠNH HÙNG CUNG CẤP

Một buổi sáng đầu tháng 4.2025, ở Nghệ An, cụ Phạm Thị Lài (104 tuổi) lụm cụm ngồi trên chiếc xe lăn để con cháu đẩy ra đầu ngõ đón người con liệt sĩ Nguyễn Công Hòa sau hơn nửa thế kỷ “trở về”. Anh Hòa nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi, chiến đấu và hy sinh tại chiến trường Lào. Năm 1973, gia đình nhận được giấy báo tử của anh Hòa, nhưng giấy báo tử không ghi địa điểm hy sinh, an táng.

Cụ Lài đã khóc đến khô nước mắt, rồi tập làm quen với sự vắng bóng của con, nhưng không ngừng mong mỏi tìm được mộ và đưa hài cốt của người con trai cả của mình về quê. Sau nhiều năm tìm kiếm, thu thập được những thông tin trùng khớp, cùng với việc xác định hài cốt bằng phương pháp thử ADN, liệt sĩ Hòa đã được đưa về với mẹ ngày 3.4.2025.

“Hôm đó, chúng tôi thật cảm động khi nhìn cụ Lài thất thần nhìn quan tài của người con, mắt rưng rưng lệ”, anh Nguyễn Mạnh Hùng, người tình nguyện đưa hài cốt liệt sĩ Hòa về quê, cho biết.

Con trai liệt sĩ trở về xoa dịu nỗi đau của người cha già

Trong căn nhà ở TP.Hải Phòng, ông Nguyễn Tiến Đình ngồi lặng lẽ trước bàn thờ con trai. Ông Đình năm nay 85 tuổi, nhưng ký ức về ngày chia tay con trai Nguyễn Tiến Thuấn vẫn không phai mờ.

Năm1978, khi chuẩn bị vào đại học, anh Thuấn quyết định xếp bút nghiên theo tiếng gọi lên đường. “Hai bố con con gặp nhau ở miền Bắc. Thuấn nói, bố tình nguyện đi bộ đội, nay con cũng theo bố tình nguyện đi bộ đội. Chia tay con vào Nam chiến đấu, từ đó trở đi, hai bố con không còn gặp nhau được nữa”, ông Đình bồi hồi kể.

Những người mẹ trăm tuổi đón con 'trở về'- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Tiến Đình (ngoài cùng) cầm tấm ảnh người con liệt sĩ Nguyễn Tiến Thuấn. Ký ức về người con trai này của ông vẫn không phai mờ

ẢNH: TÌNH NGUYỆN VIÊN NGUYỄN MẠNH HÙNG CUNG CẤP

Bà Nguyễn Thị Thóc, dì ruột của liệt sĩ Nguyễn Tiến Thuấn, cũng nhớ mãi ngày người cháu lên đường nhập ngũ. “Cháu Thuấn hứa sẽ sớm trở về và thường xuyên viết thư về cho tôi, vậy mà nào có ngờ…”, bà Thóc nghẹn ngào.

Anh Thuấn hy sinh ngày 12.5.1980, nhưng đến năm 1981 gia đình mới nhận được giấy báo tử. Cú sốc quá lớn khiến mẹ anh đổ bệnh, rồi qua đời không lâu sau.

Kể từ ngày con trai hy sinh, chưa bao giờ hình ảnh người con trai phai mờ trong tâm trí ông Đình. Suốt 45 năm, ông và các con, các cháu âm thầm tìm kiếm mộ liệt sĩ Thuấn. Có lúc tưởng đã tìm được mộ anh, nhưng thông tin thực chứng vẫn còn mơ hồ.

Cho đến một ngày cuối năm 2024, nhóm thiện nguyện tìm mộ liệt sĩ của anh Lê Quang Mùa báo tin phần mộ anh Thuấn được xác định chính xác nằm tại một nghĩa trang liệt sĩ thuộc tỉnh Kiên Giang (tỉnh An Giang mới).

Những người mẹ trăm tuổi đón con 'trở về'- Ảnh 5.

Một trong những người mẹ của liệt sĩ khi đã trên 100 tuổi mới đón được hài cốt của con

ẢNH: QUANG VIÊN

Ngày 6.12.2024, trong lễ truy điệu liệt sĩ Nguyễn Tiến Thuấn tại quê nhà, ông Đình lặng người đứng bên quan tài người con tình nguyện đi bộ đội năm xưa. Ông cố kìm nén cảm xúc, nhưng ai cũng thấy khóe mắt cụ ông 85 tuổi này đỏ hoe.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau chưa bao giờ vơi cạn. Trong những cuộc trở về muộn màng ấy, có nước mắt, có nụ cười, và có cả sự mãn nguyện đáng thương của những người mẹ, người cha đã sống cả đời trong nỗi chờ đợi hình hài của những người con liệt sĩ, dù những hình hài đó lặng câm, không còn nguyên vẹn.

Nghĩa cử cao đẹp của những tình nguyện viên đi tìm mộ liệt sĩ

Họ là những người đã và đang tình nguyện làm công việc đặc biệt giúp gia đình liệt sĩ. Đó là thầy giáo về hưu Nguyễn Sỹ Hồ, cựu chiến binh Lê Quang Mùa, cựu chiến binh Nguyễn Văn Ý, chị Hoàng Thị Thanh Huế, ông Nguyễn Mạnh Hùng (chủ đoàn xe cấp cứu Hùng Nga)… 

Họ đã bỏ công sức, thời gian, tiền bạc của mình để lần theo từng manh mối, dò từng hồ sơ, đi khắp nghĩa trang… rồi đưa hài cốt liệt sĩ về quê đoàn tụ với người thân.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.