Dù là giám đốc điều hành nhưng giám đốc ‘tập đoàn đòi nợ’ lại khai không biết nhân viên chửi bới, ‘khủng bố điện thoại’ và cắt ghép hình ảnh đồi trụy để gây sức ép với khách vay.
Ngày 22.7, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử 45 bị cáo liên quan đến đường dây đòi nợ bằng cách chửi bới, “khủng bố điện thoại”, cắt ghép hình ảnh đồi trụy để gây sức ép với khách vay.
Một trong 2 người cầm đầu là Trần Hồng Tiến (51 tuổi, trú tại TP.HCM). Người còn lại là Lê Quốc Thống (47 tuổi, trú tại TP.HCM) hiện đang bỏ trốn.

Bị cáo Trần Hồng Tiến tại tòa
ẢNH: PHÚC BÌNH
Không biết nhân viên đòi nợ kiểu “khủng bố”?
Theo cáo buộc, Thống và Tiến thành thành lập hàng loạt doanh nghiệp, mua lại các khoản nợ xấu rồi tổ chức cho nhân viên thu hồi nợ.
Để gây sức ép, nhân viên dưới quyền Thống và Tiến sẽ gọi điện cho khách vay. Nếu không trả, các đối tượng sẽ chửi bới, đe dọa, “khủng bố điện thoại” đến người thân, đồng nghiệp hoặc nơi khách vay làm việc.
Có trường hợp, nhân viên thu hồi nợ hăm dọa sát hại người thân hoặc làm hại cả gia đình khách vay; cắt ghép hình ảnh, xuyên tạc thông tin, đăng tải lên các hội nhóm đồi trụy… để khách vay thấy sợ mà trả tiền.
Từ tháng 7.2018 – tháng 8.2022, Thống cùng đồng phạm đã ký thỏa thuận mua lại hơn 238.000 hợp đồng vay với tổng giá trị hơn 3.555 tỉ đồng. Các bị cáo sử dụng thủ đoạn như đã nêu, đòi nợ được hơn 571 tỉ đồng.
Đến nay, cơ quan tiến hành tố tụng có đủ căn cứ chứng minh 26 bị hại bị nhóm này cưỡng đoạt tổng số tiền hơn 904 triệu đồng.
Khai tại tòa, Tiến thừa nhận việc đăng ký thành lập nhiều công ty, cho nhiều người đứng tên giám đốc. Song, nhân viên các công ty đều ngồi chung một nơi, do Thống và Tiến điều hành.
Với tư cách chủ tịch HĐQT, Thống sẽ triệu tập các lãnh đạo và trưởng nhóm họp mỗi tháng để tổng kết hoạt động. Sau khi Thống xuất cảnh và không về, vào thứ ba hằng tuần, Tiến vẫn họp với Thống để báo cáo và nghe chỉ đạo.
Cáo trạng cho thấy, Thống và Tiến là những người quyết định mọi vấn đề của công ty. Tiến được trả lương giám đốc 40 triệu đồng/tháng. Bị cáo biết rõ nhân viên thu hồi nợ có hành vi chửi bới, đe dọa, cắt ghép hình ảnh để gây áp lực với khách vay, nhưng vẫn đốc thúc thực hiện.
Kiểm sát viên đặt câu hỏi “vì sao nhân viên đòi nợ kiểu giang hồ mà không can thiệp”, Tiến khai rằng đây không phải lĩnh vực phụ trách. Bị cáo “không biết, không chứng kiến” việc nhân viên đòi nợ cắt ghép ảnh đồi trụy, đe dọa hoặc “khủng bố tinh thần” khách vay.
Tiến còn khai thi thoảng đi qua nghe thấy tiếng ồn ào thì được Thống giải thích là nhân viên đang “trao đổi tí thôi, đòi nợ thì phải to tiếng, không có vấn đề gì hết”.

Các bị cáo trong đường dây đòi nợ bằng cách “khủng bố điện thoại”
ẢNH: PHÚC BÌNH
Đòi được nợ sẽ có thưởng, không đạt KPI thì đuổi việc
Vẫn theo cáo trạng, mỗi nhân viên trong “hệ sinh thái” thu hồi nợ sẽ được cấp 400 – 500 hợp đồng vay mỗi tháng, khoán doanh số. Nếu 2 tháng liên tiếp không đòi đủ số tiền theo quy định, nhân viên sẽ bị đuổi việc. Đổi lại, để khuyến khích nhân viên, công ty thưởng phần trăm theo khoản nợ đòi được.
Nguyễn Đức Khoa (34 tuổi) là cấp phó của Thống, thu nhập trung bình mỗi tháng 45 triệu đồng, chịu trách nhiệm về hoạt động của bộ phận thu hồi nợ. Hằng tháng, Khoa được duyệt chi 50 – 60 triệu đồng để mua thông tin cá nhân của khách vay, cung cấp cho nhân viên thu hồi nợ thực hiện hành vi đòi nợ.
Khoa khai các cuộc họp với trưởng nhóm chỉ xoay quanh KPI, số nợ đã thu, nhân sự tuyển dụng, phương hướng đảm bảo chỉ tiêu mà ban lãnh đạo công ty giao. Đến khi bị bắt, bị cáo mới biết cấp dưới đòi nợ kiểu giang hồ.
Một số bị cáo là trưởng các nhóm thu hồi nợ thì khai “tự học hỏi lẫn nhau” về biện pháp đòi nợ. Trưởng nhóm sẽ nhắc nhở, điểm danh, cập nhật số nợ mà nhân viên trong nhóm đã thu được.
Về phía mình, các nhân viên đòi nợ khai quen biết nên rủ nhau cùng vào làm. Một số được bộ phận nhân sự trực tiếp gọi điện mời chào tuyển dụng. Thông thường, lương khởi điểm sẽ là 5 triệu đồng mỗi tháng, có trường hợp khi đòi được khoản nợ khoảng 100 triệu đồng thì công ty thưởng cho 5 triệu đồng.
Với 26 bị hại trong vụ án, họ không có mặt tại tòa, song chung quan điểm đề nghị tòa xử lý các bị cáo theo quy định pháp luật.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.