Mộ cổ 129 năm ở TP.HCM, của đại gia giàu thứ 3 Sài Gòn xưa

Ở TP.HCM, mộ cổ 129 tuổi của bá hộ Xường, đại gia giàu thứ 3 trong tứ đại phú hộ là chứng tích quý giá về di sản Sài Gòn – Chợ Lớn xưa.

Ở TP.HCM, ít ai ngờ rằng vẫn còn mộ cổ hơn 100 tuổi tồn tại trong con hẻm nhỏ trên đường Phú Thọ Hòa (phường Phú Thọ Hòa, TP.HCM). Mộ cổ hiện ra với vẻ trầm mặc, phủ rêu phong, như một dấu lặng hoài niệm giữa dòng chảy hiện đại.

Đó là mộ phần của ông Lý Tường Quang, người từng được biết đến với danh xưng bá hộ Xường (người đứng thứ 3 trong tứ đại hào phú Nam Kỳ xưa: “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” – PV) và vợ là bà Nguyễn Thị Lâu.

Mộ cổ 129 năm ở TP.HCM, của đại gia giàu thứ 3 Sài Gòn xưa- Ảnh 1.

Mộ cổ bá hộ Xường trên phường Phú Thọ Hòa, TP.HCM mang đậm văn hóa Việt – Hoa

ẢNH: CTV

Mộ cổ bá hộ Xường, di tích hơn 100 năm ở TP.HCM

Ngôi mộ cổ của ông Lý Tường Quang được lập từ năm 1896, còn mộ bà Nguyễn Thị Lâu được xây năm 1913.

Khác với sự hào nhoáng của các lăng tẩm, mộ cổ của bá hộ Xường không quá đồ sộ, tọa lạc sát mép hẻm, chỉ cách vài bước chân là những mái nhà san sát của cư dân. Toàn bộ mái lợp ngói âm dương xanh lưu ly, 4 góc mái uốn cong có tượng chim đại bàng dang cánh.

Qua cánh cổng sắt đen tuyền, khu mộ hiện ra với hoa văn đắp nổi, đậm sắc màu văn hóa Việt – Hoa giao thoa.

Mộ cổ 129 năm ở TP.HCM, của đại gia giàu thứ 3 Sài Gòn xưa- Ảnh 2.

Bia mộ bá hộ Xường với 2 tượng đá đứng hầu, chi tiết hiếm gặp thể hiện vị thế đặc biệt của gia tộc họ Lý

ẢNH: UYỂN NHI

Trên vòm cổng khắc chữ “Phúc” bằng chữ Hán màu đỏ, bao quanh là vòng nguyệt quế thể hiện phúc khí viên mãn; 2 bên là chùm trái phật thủ vàng óng. Các ô tam giác 2 bên mái trang trí bằng phù điêu sơn thủy, sơn màu nâu – xanh – trắng hài hòa, gợi nhớ phong cách nhà giàu gốc Hoa vùng Chợ Lớn cuối thế kỷ 19.

2 cột trụ đá hoa cương lớn đặt đối xứng khắc liễn câu đối sắc đỏ nổi bật trên nền xám thanh nhã. Câu đối ca ngợi vị thế và phong thủy của ngôi mộ. Ngay chính giữa mặt tiền là tấm bảng công nhận di tích cấp thành phố do UBND TP.HCM trao tặng.

Mộ cổ 129 năm ở TP.HCM, của đại gia giàu thứ 3 Sài Gòn xưa- Ảnh 3.
Mộ cổ 129 năm ở TP.HCM, của đại gia giàu thứ 3 Sài Gòn xưa- Ảnh 4.
Mộ cổ 129 năm ở TP.HCM, của đại gia giàu thứ 3 Sài Gòn xưa- Ảnh 5.

Không gian thờ cúng bên trong khu mộ được gìn giữ cẩn thận, với lư hương, bình hoa và các vật phẩm trang trí mang nét văn hóa truyền thống

ẢNH: UYỂN NHI

Bên trong, bia mộ được đặt trên bệ cao, phía trước có bàn thờ thấp và các vật phẩm cúng bái như lư hương, lọ hoa… Mặt bia màu xám sẫm, khắc chữ Hán theo lối thư pháp cổ, nét khắc vẫn rõ ràng sau gần 130 năm.

Trước bia là 2 tượng đá đứng hầu, người đàn ông mặc áo dài, đầu đội nón, 2 tay nâng hộp lễ. Đối diện là tượng người phụ nữ tóc búi, mặc áo dài, 2 tay nâng tách nước.

Sau bia là phần mộ xây bằng đá, 4 mặt thành mộ chạm khắc hình dê, khỉ, ngựa… gợi liên tưởng đến điển tích canh tý – tứ linh trong văn hóa Trung Hoa. Cuối khu mộ là tấm bia lớn ghi tiểu sử và công trạng của bá hộ Xường.

Bên cạnh là phần mộ bà Nguyễn Thị Lâu, xây lộ thiên với đầy đủ cấu trúc: bia trước, nấm mộ, bia sau, sân gạch và tường bao. So với ngôi mộ của chồng, khuôn mộ này tuy khiêm tốn hơn nhưng lại mang nét mềm mại, tinh tế.

Mộ cổ 129 năm ở TP.HCM, của đại gia giàu thứ 3 Sài Gòn xưa- Ảnh 6.
Mộ cổ 129 năm ở TP.HCM, của đại gia giàu thứ 3 Sài Gòn xưa- Ảnh 7.

Mộ cổ của bà Nguyễn Thị Lâu, phu nhân bá hộ Xường nằm bên trái nhà mồ, mang phong cách chạm khắc đá tinh xảo

ẢNH: UYỂN NHI

Vị hào phú có ảnh hưởng lớn tại Chợ Lớn xưa

Không chỉ nổi tiếng vì sự giàu có, bá hộ Xường còn là nhân vật có ảnh hưởng lớn về kinh tế và văn hóa Chợ Lớn cuối thế kỷ 19.

Theo sách Sài Gòn – Chợ Lớn: Ký ức đô thị và con người của tác giả Nguyễn Đức Hiệp, ông Lý Tường Quang sinh năm 1842 tại thôn Nhơn Hòa (tỉnh Gia Định), gốc người Quảng Đông; thuộc đời thứ 26 phái Cửu Viễn dòng họ Lý.

Do sinh ra bọc điều nên được đặt tên là Tường Quang, hiệu là Phước Trai. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã nổi tiếng học rộng, sống thanh liêm, cần mẫn, nhờ đó được bầu làm bang trưởng bang Triều Châu, một vị trí danh giá trong cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn xưa.

Mộ cổ 129 năm ở TP.HCM, của đại gia giàu thứ 3 Sài Gòn xưa- Ảnh 8.

Ông Lý Tường Quang và vợ Nguyễn Thị Lâu

ẢNH: TƯ LIỆU

Ông và bà Nguyễn Thị Lâu từng sống trong ngôi nhà 3 gian 2 chái, cột gỗ, mái ngói tại số 292 Hải Thượng Lãn Ông (phường Chợ Lớn, TP.HCM). Ngôi nhà hiện nay vẫn còn, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố từ năm 2009 và trở thành từ đường họ Lý.

Không chỉ là doanh nhân, ông còn là học giả để lại nhiều tác phẩm giáo dục có giá trị như Ấu học thi diễn nghĩa, Thiên tự văn diễn nghĩa…, đều được viết bằng chữ Hán và diễn ra chữ Nôm theo thể thơ, phục vụ mục đích phổ cập tri thức cho thế hệ sau.

Ngôi mộ cổ và từ đường của ông bá hộ Xường không chỉ là chứng tích của một đời người mà còn là ký ức sống động của một giai đoạn lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn không thể lãng quên.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.