‘Gia đình cha mẹ tôi có sổ hộ nghèo’, câu nói tưởng nhẹ tênh đó chính là tâm tư trĩu nặng về cái nghèo đeo đuổi suốt quãng đời của chàng trai ‘sinh ra từ gốc rạ’. Và từ đó, anh đã vượt lên số phận để thành công.
Đó là hành trình lập nghiệp ấn tượng của anh Nguyễn Trường Tiến (41 tuổi), chủ một xưởng sản xuất những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng từ gỗ lũa, đoạt nhiều giải thưởng lớn và xác lập kỷ lục quốc gia.
Hành trình từ quê nghèo lên phố
Trong ký ức của anh Tiến, tuổi thơ là chuỗi ngày ngai ngái mùi bùn, mặn chát mồ hôi, gắn liền với cụm từ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” của cha mẹ và bản thân anh tại một xã nghèo thuộc tỉnh Đồng Tháp (Tiền Giang cũ). “Cha mẹ tôi làm việc quần quật mà nghèo cũng hoàn nghèo”, anh trải lòng.
Là anh cả trong gia đình có 3 anh em, Tiến sớm biết lao động để đỡ đần cha mẹ. Những năm học cấp 2, anh đã biết ươm cây giống bán kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. “Có lúc tôi muốn nghỉ học để đi làm kiếm tiền, nhưng rồi nghĩ lại, không học thì làm sao thoát nghèo”, anh tâm tình.
Có một nỗi buồn âm thầm trôi qua cuộc đời của chàng trai miền Tây này, đó là khi cha mẹ chia tay lúc anh mới học lớp 10. Từ đó, anh phải về sống với bà nội, chỗ dựa tinh thần còn lại.

Ngồi trong xưởng trưng bày những tác phẩm nghệ thuật làm từ gốc cây, anh Nguyễn Trường Tiến kể lại quá khứ nghèo khó của mình
Ảnh: Quang Viên
Học xong THPT, anh rời vùng quê nghèo khó lên TP.HCM. Anh xin vào lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) với mong muốn vừa đóng góp được cho xã hội, vừa có thể có chút tiền lương để tự nuôi sống mình và theo đuổi giấc mơ học ĐH.
Tiến học ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Hồng Bàng, nhưng vẫn tiếp tục dành thời gian sau giờ học tham gia lực lượng TNXP. Anh nhớ như in những ngày đi giám sát học viên cai nghiện, đưa họ đi lao động hay đi gom kim tiêm của những người nghiện vứt ở các công viên… “Có những cái tết một mình trong phòng trọ, nấu cơm ăn với nước tương trong nỗi nhớ bà nội, nỗi thèm sum họp gia đình, nhưng vì việc học, vì trách nhiệm của một TNXP nên tôi vẫn cố gắng vượt qua tất cả”, anh kể.
Tốt nghiệp ĐH, ban ngày anh làm nhân viên tiếp thị, ban đêm vẫn tham gia lực lượng TNXP. Thời gian công tác TNXP của anh gần 10 năm. Theo anh đó là những tháng ngày đáng nhớ và thật ý nghĩa.

Kỷ lục gia Nguyễn Trường Tiến giới thiệu tác phẩm Đất nước yêu thương
Ảnh: Quang Viên
Cái duyên kỳ lạ với gỗ bỏ đi
Công việc tiếp thị đã đưa anh Tiến đi khắp nơi, nhất là những tỉnh ở vùng rừng núi. Nhờ đó, anh phát hiện ra có những khúc gỗ, rễ cây mà người dân đem làm hàng rào hoặc bỏ lăn lóc có thể biến thành tác phẩm nghệ thuật, mở ra cho anh lối đi khác. “Tôi thấy những hình thù kỳ lạ của gốc cây, rễ cây đều mang linh hồn”, anh nói.
Ban đầu, cách đây khoảng 6 năm, anh Tiến xin hoặc mua loại gỗ đó với giá rẻ như củi rồi đem về chế tác những tác phẩm nghệ thuật nhỏ để xem cho vui. Nhưng mỗi tác phẩm ra đời đã cuốn chàng trai trẻ vào sâu hơn trong lĩnh vực này. “Gỗ lũa gốc cây, rễ cây khiến tôi ngày càng bị quấn lấy chặt hơn, rồi không thể dứt ra được nữa”, anh thổ lộ.
Được cất nhắc lên vị trí giám đốc kinh doanh vùng của một công ty yến, Tiến bắt đầu có điều kiện đầu tư cho niềm đam mê. Anh đặt mục tiêu cao hơn, tạo ra các tác phẩm lớn, mang đậm hồn Việt và có giá trị nghệ thuật thực sự. “Tôi muốn làm được những tác phẩm để đời từ những phôi gỗ lớn, biến nó thành những tuyệt tác nghệ thuật hoàn toàn thủ công chứ không can thiệp bằng máy móc như nhiều người đang làm”, anh cho biết.

Anh Tiến xác lập Kỷ lục VN với tác phẩm Cửu Long
Ảnh: Quang Viên
Nhưng hành trình đó không hề êm đềm. Bài học đầu tiên là việc mua gốc gỗ lớn khiến anh lâm cảnh “cười đau khóc hận”. Lúc đó, anh nghĩ gốc cây là phế phẩm nên không cần xin giấy tờ. Chủ bán cũng chắc chắn vận chuyển gốc cây bình thường, nhưng sau đó bị lực lượng kiểm lâm bắt. “Trăm triệu đồng tan thành mây khói, tôi cười như mếu”, anh kể. Rút kinh nghiệm, sau này trước khi mua phôi gỗ, anh đều xin đầy đủ giấy tờ.
Chuyện mua được những gốc cây lớn nặng 5 – 7 tấn để đem về xưởng chế tác rất ly kỳ. Có những gốc muốn khai thác được phải mở đường tạm, đền bù tiền hoa màu. Có gốc bị chôn vùi dưới lòng sông, phải gian khổ trần ai mới lấy được.
“Những gốc cây như vậy đều phải mất rất nhiều thời gian để khai thác và tốn hàng trăm triệu đồng mới sở hữu được”, anh Tiến cho hay. Chẳng hạn, gốc cây mà anh làm tác phẩm Cửu Long 2 chu vi 7,4 m, cao 3,1 m phải mất nửa tháng đào bằng tay để đảm bảo sự toàn vẹn của gốc. “Đây là tác phẩm chuẩn bị tham gia kỷ lục châu Á”, anh hào hứng cho biết.

Khách tham quan thích thú với những tác phẩm nghệ thuật từ gỗ lũa của anh Tiến được mời trưng bày tại hội hoa xuân hằng năm ở TP.HCM
Ảnh: Quang Viên
Với độ khủng của những gốc cây, đội ngũ nghệ nhân tài hoa khắp vùng miền mà anh Tiến thuê về phải mất hàng tháng, thậm chí cả năm trời mới có thể hoàn thành một tác phẩm. Hầu hết các tác phẩm lớn phải bắc giàn giáo mới làm được.
Đến thăm xưởng chế tác các tác phẩm nghệ thuật từ gốc cây của anh Tiến, có lẽ bất kỳ ai cũng choáng ngợp trước bộ sưu tập khủng được anh lên ý tưởng để các nghệ nhân thực hiện. Tiêu biểu là tác phẩm Cửu Long nặng 3 tấn, rộng 6 m, cao 3,1 m, với 9 rồng vây quanh trái châu. Tác phẩm này đã xác lập Kỷ lục VN. “Tôi làm tác phẩm này để cảm ơn thiên nhiên, vùng đất 9 rồng đã nuôi sống người dân miền Tây”, anh nói.

Nhiều nghệ nhân tài hoa được anh Tiến mời về để thực hiện những tác phẩm gỗ lũa khủng do anh lên ý tưởng
Ảnh: Quang Viên
Một tuyệt phẩm khác là Đất nước yêu thương cao 3,4 m, nặng gần 6 tấn, với hình rồng ôm bản đồ Việt Nam và hai quả châu tượng trưng cho hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Phía còn lại là 4 loại cây (mai, cúc, trúc, tùng) đại diện cho 4 mùa, kèm theo đàn cá chép hóa rồng – biểu trưng cho tinh thần vượt khó.
Anh Tiến đoạt nhiều giải thưởng, xác lập kỷ lục với các tác phẩm gỗ nghệ thuật, nhưng đó là cuộc chơi không dành cho người tiếc tiền. Chỉ riêng phôi gỗ, anh đã “đốt” hàng chục tỉ đồng, chưa kể tiền thuê nghệ nhân tài giỏi chế tác…

Trong nhiều tác phẩm của anh Tiến có hình ảnh rồng và cá chép
Ảnh: Quang Viên
Để nuôi niềm đam mê, anh Tiến phải làm tiếp thị cho nhiều nhãn hàng, từ mì Gấu đỏ, Yến Việt, trầm hương cho đến nước mắm Phú Quốc đạt chuẩn châu Âu. Với anh, “đã đam mê thì phải đi cho đến cùng”.
Ký ức nghèo khó vẫn như nốt trầm trong bản nhạc đời của Nguyễn Trường Tiến, nhưng bên trên là những giai điệu vút cao từ tình yêu nghệ thuật, tình yêu đất nước. Người nghệ nhân thổi hồn vào gỗ này đã và đang biến những gốc cây, phôi gỗ tưởng như vô tri trở thành những biểu tượng nghệ thuật mang hồn Việt, bền vững với thời gian.
(còn tiếp)
“Dân tộc Việt Nam là con rồng cháu tiên và tinh thần vượt khó, nên nhiều tác phẩm gỗ nghệ thuật trong bộ sưu tập của tôi có hình ảnh rồng, cá chép. Rồng không chỉ đẹp, mà còn mang hồn thiêng của đất nước. Trong khi đó, cá chép là biểu tượng của tinh thần vượt khó”.
Kỷ lục gia Nguyễn Trường Tiến
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.