Mỗi năm, vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27.7), cả nước lặng mình tưởng nhớ và tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Hàng loạt hoạt động ý nghĩa diễn ra như một lời nhắc nhở sâu sắc về đạo lý ‘uống nước nhớ nguồn’ – truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc.
Đời đời ghi nhớ, khắc sâu ân nghĩa liệt sĩ
Khi còn giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Bí thư Tô Lâm từng khẳng định Đảng và Nhà nước luôn trân trọng, ghi nhận và tri ân những tấm gương cán bộ, chiến sĩ đã xả thân vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Đất nước mãi không quên sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân
ẢNH: TRẦN CƯỜNG
Tiếp nối tinh thần ấy, Bộ Công an và toàn lực lượng công an nhân dân luôn đặc biệt quan tâm công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, thông qua nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hằng năm.
Ngày 20.7 vừa qua, đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ủy Công an T.Ư, Bộ Công an tới dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích lịch sử Công an nhân dân tại xã Minh Thanh (Tuyên Quang), tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ Công an nhân dân; thăm hỏi, tặng quà Mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Nhớn; khánh thành nhà tình nghĩa, tặng quà cho các gia đình chính sách và thương binh công an nhân dân cùng nhiều hoạt động tri ân sâu sắc khác. Ngày 21.7, Bộ trưởng Bộ Công an cùng đoàn đại biểu tiếp tục đến thăm và tặng quà tại Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ.

Bộ trưởng Lương Tam Quang thăm hỏi Mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Nhớn
ẢNH: BỘ CÔNG AN

Đại tướng Lương Tam Quang thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Văn Chung, con trai Mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Nhớn
ẢNH: BỘ CÔNG AN
Trong chuyến đi đầy ý nghĩa, Bộ trưởng Lương Tam Quang khẳng định, công tác “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” không chỉ là một chính sách lớn, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, trách nhiệm chính trị, đạo lý cao đẹp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, nhân dân và lực lượng Công an nhân dân luôn ghi nhớ, biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, Mẹ VN anh hùng, các thương bệnh binh, đã chiến đấu, hy sinh tính mạng, một phần xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc và vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Những tấm gương ấy sẽ mãi là ánh sáng soi đường cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ học tập, noi theo.
Theo đại tướng Lương Tam Quang, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chế độ, chính sách ưu đãi, nhằm đảm bảo người có công với cách mạng và thân nhân được tiếp cận, thụ hưởng những dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Để tiếp tục chăm lo tốt hơn nữa đời sống người có công với cách mạng trong thời gian tới, đại tướng Lương Tam Quang đề nghị các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tập trung quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đối với người có công và thân nhân.
Đồng thời, Bộ trưởng mong muốn các thương, bệnh binh tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, sống vui, sống khỏe cho con cháu noi theo. Mỗi người là một biểu tượng sinh động của ý chí, nghị lực VN – minh chứng sống động về tinh thần yêu nước, bất khuất, kiên trung, tiếp tục là ngọn lửa truyền cảm hứng cách mạng cho các thế hệ mai sau. Bộ trưởng cũng gửi lời chúc Mẹ VN anh hùng luôn mạnh khỏe, trường thọ, tiếp tục là chỗ dựa tinh thần, là nguồn động viên để con cháu giữ vững truyền thống cách mạng, xứng đáng với truyền thống của các thế hệ cha anh.
Những con số không thể lãng quên
Theo thống kê của Cục Tổ chức cán bộ (Bộ Công an), qua các thời kỳ, lực lượng Công an nhân dân có 14.841 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, được công nhận là liệt sĩ. Trong đó, 3.699 người hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, 9.769 người trong kháng chiến chống Mỹ, 826 người trong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc, 347 người trong thời kỳ đổi mới, và 230 trường hợp chưa xác định thời kỳ. Bên cạnh đó, có 6.892 thương binh công an nhân dân kể từ thời kháng chiến chống Pháp đến nay. Những con số không chỉ là thống kê, mà là biểu tượng của lòng quả cảm và sự hy sinh thầm lặng, kể cả trong thời bình.

Bộ trưởng Lương Tam Quang cùng các đại biểu dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích lịch sử Công an nhân dân tại xã Minh Thanh (Tuyên Quang)
ẢNH: BỘ CÔNG AN
Những năm gần đây, không ít cán bộ, chiến sĩ công an đã anh dũng hy sinh khi chữa cháy, cứu hộ, ứng cứu thiên tai, truy bắt tội phạm, góp phần mang lại bình yên cho từng khu phố, mái nhà. Trong đó, thượng tá Đặng Anh Quân, đội trưởng; thượng úy Đỗ Đức Việt, hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc của Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an Q.Cầu Giấy (cũ), Hà Nội đã hy sinh anh dũng ngày 1.8.2022, sau khi hướng dẫn được 8 người dân thoát ra khỏi đám cháy quán karaoke và tiếp tục quay lên làm nhiệm vụ. Trung tá Nguyễn Khắc Thường, thiếu tá Lê Quang Anh và đại úy Lê Ánh Sáng, cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng, hy sinh ngày 30.7.2023 tại đèo Bảo Lộc khi tham gia cứu nạn, cứu hộ, ứng cứu thảm họa thiên tai; thiếu tá Nguyễn Đăng Khải, cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ninh, hy sinh trong lúc truy bắt tội phạm vào ngày 17.4…

Kỷ vật của liệt sĩ Đỗ Đức Việt được trưng bày tại Bảo tàng Công an nhân dân
ẢNH: NGUYỄN BÍCH
Để tưởng nhớ và tôn vinh những người anh hùng thời bình, Bảo tàng Công an nhân dân đã tiếp nhận, trưng bày nhiều kỷ vật thiêng liêng của các liệt sĩ. Đây là những minh chứng sống động để giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần quả cảm và trách nhiệm thiêng liêng của người chiến sĩ công an. Bộ trưởng Bộ Công an đã phát động phong trào thi đua học tập, noi gương liệt sĩ Nguyễn Đăng Khải trong toàn lực lượng, với quyết tâm biến đau thương thành hành động, đẩy lùi tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Trong lễ phát động tại Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) – Bộ Công an, trung tướng Nguyễn Văn Viện, nguyên Cục trưởng C04, khẳng định sự hy sinh anh dũng của thiếu tá Khải là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời bình, thể hiện lòng quả cảm, tinh thần kiên trung, trách nhiệm thiêng liêng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Hình ảnh thiếu tá Khải nằm xuống giữa lằn ranh sinh – tử sẽ mãi là ngọn lửa thiêng liêng, thắp sáng ý chí và lòng trung thành của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy sau này.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (C07) – Bộ Công an, cho rằng khó có lời nào mô tả được hết sự dấn thân và quả cảm của những chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Dẫu biết có thể gặp nguy hiểm, có thể phải hy sinh nhưng họ vẫn thực hiện nhiệm vụ và luôn nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn đặt mục tiêu cứu người, cứu tài sản trong đám cháy nhanh nhất, ngăn đám cháy lan rộng để giảm thiểu thiệt hại xảy ra.
“Sự hy sinh của lực lượng cảnh sát PCCC đều là sự hy sinh cao cả, dũng cảm và họ đều là những người anh hùng. Những hy sinh này vô cùng ý nghĩa, thể hiện sự cống hiến, sự sẵn sàng hy sinh thân mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao, để có thể cứu được người và tài sản của nhân dân”, đại tá Khương nhấn mạnh.
Những chiến công, hy sinh của lực lượng công an nhân dân từ khói lửa chiến tranh đến giữa thời bình là bản hùng ca bất tận về lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng vì nhân dân phục vụ. Dù thời gian trôi qua, tên tuổi các anh sẽ còn được nhắc mãi, khắc sâu trong lòng Tổ quốc.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.