Đến chiều 24.7, nước đã rút ở nhiều xã bị ngập lụt tại Nghệ An, để lại cảnh hoang tàn với những căn nhà đổ sập, nhiều tài sản vùi trong bùn đất…
Nhà sập, chỉ kịp chạy thoát thân
Chiều 24.7, PV Thanh Niên tiếp cận được bản Cò Hạ, xã biên giới Nhôn Mai, Nghệ An. Để vào được bản này, phải đi bộ nhiều cây số từ xã Tri Lễ sang vì tuyến QL16 đang bị sạt lở nghiêm trọng ở nhiều điểm, giao thông hoàn toàn tê liệt. QL16 là tuyến đường duy nhất nối các xã miền tây nằm dọc biên giới Nghệ An với Lào. Mưa lũ đã khiến đất đá từ trên núi đổ ập xuống tuyến đường này, nhiều đoạn bị nước lũ cuốn mất đường.

QL16 sạt lở khiến giao thông bị tê liệt
ẢNH: PHẠM ĐỨC
Cò Hạ có hơn 30 hộ dân, nằm cách trung tâm xã Nhôn Mai khoảng 10 km. Lũ ồ ạt đổ về chiều 22.7 khiến người dân phải tháo chạy, không kịp di chuyển tài sản. Có 5 căn nhà trong bản bị lũ đánh sập. Chị Seo Thị Tuyết, cư trú ở bản này, cho biết chiều 22.7 mưa rất to. Chồng đi vắng, chị và con trai đang ở trong nhà thì nghe tiếng hàng xóm hô hoán: “Tuyết ơi chạy đi, sập nhà rồi”. Chị Tuyết cầm tay con vừa ra khỏi nhà thì một khối đất đá từ trên núi đổ xuống, đánh sập căn nhà ngay trước mắt mẹ con chị.
Ngày 24.7, Phó thủ tướng Mai Văn Chính đã đến xã Con Cuông, Nghệ An để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả trận lũ. Phó thủ tướng đã thăm hỏi, động viên, tặng quà những gia đình có nhà bị ngập sâu, và hàng trăm hộ dân đang phải sơ tán; đề nghị tỉnh Nghệ An chủ động rà soát các khu vực xung yếu để không bị động trong các tình huống có thể xảy ra.
Hàng xóm của chị Tuyết là chị Hà Thị Hoa cũng đang thất thần vì tài sản trong nhà bị lũ cuốn trôi, căn nhà hư hỏng nặng, bùn đất phủ dày sàn nhà vẫn chưa kịp dọn dẹp. Bà Moong Thị Hòa, một người dân địa phương, bật khóc: “Trôi hết cả rồi! Nhà cửa, đồ đạc, không có chi để mà dùng nữa”.
Người dân cần được hỗ trợ để tái thiết cuộc sống
Ông Lê Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, cho biết xã bị cô lập từ 3 ngày qua vì QL16 đã bị chia cắt do sạt lở. Lũ đã cuốn trôi hoàn toàn 28 căn nhà, 15 căn nhà bị hư hại nặng và 12 căn nhà khác đang có nguy cơ bị sạt lở, 1 người tử vong, nhiều công trình hạ tầng bị phá hủy. “Trước mắt, người dân cần nhu yếu phẩm, về lâu dài rất cần có tiền để tái thiết cuộc sống vì rất nhiều gia đình đã trắng tay”, ông Thái cho hay.

Chị Seo Thị Tuyết nhặt nhạnh những thứ còn sót lại sau khi căn nhà bị đánh sập
ẢNH: PHẠM ĐỨC
Tại xã Mỹ Lý (giáp ranh xã Nhôn Mai), đến chiều tối qua (24.7) vẫn đang bị cô lập. Cơn lũ quá lớn đã nhấn chìm hàng trăm căn nhà và cuốn trôi nhiều căn nhà xuống sông Nậm Nơn. Đến chiều qua, các số điện thoại của lãnh đạo xã này vẫn chưa thể liên lạc được.
Chiều 24.7, các xã dọc hai bên sông Lam (Mường Xén, Tam Quang, Tương Dương, Con Cuông) nước đã rút, trơ lại cảnh hoang tàn với nhiều tài sản bị vùi trong bùn đất. Ông Lê Văn Lương, Bí thư Đảng ủy xã Tương Dương, cho biết lũ đã nhấn chìm 2.210 căn nhà của xã, có 11 căn bị cuốn trôi hoàn toàn. Có 3 cầu treo bắc qua sông Lam bị lũ cuốn khiến 427 hộ dân ở 3 bản bên kia sông Lam bị cô lập.
Báo cáo của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết tính đến chiều 24.7, một số xã bị thiệt hại nặng nề vẫn chưa thể gửi báo cáo vì mất điện và mất sóng điện thoại. Thống kê chưa đầy đủ đã có 3 người chết, 1 người mất tích; 30 xã bị cô lập; số hộ dân phải di dời là 3.440 hộ; 495 căn nhà bị cuốn trôi và hư hỏng.
Sáng 24.7, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Trung đoàn Không quân 916 triển khai tổ bay vào Nghệ An thực hiện nhiệm vụ cứu trợ. Trực thăng đã đáp xuống sân bay Vinh (Nghệ An) nhận lương thực thực phẩm tiếp tế từ Quân khu 4, sau đó bay đến thả hàng tại các xã Tương Dương, Mường Xén, Mường Típ, Nhôn Mai, Mỹ Lý, Bắc Lý…
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.