Xã Hòa Thắng của tỉnh Lâm Đồng, nơi có khu du lịch Bàu Trắng, được xem như ‘trái tim’ của Khu du lịch quốc gia Mũi Né, đang đứng trước nhiều cơ hội ‘cất cánh’, nhưng cũng còn lắm thách thức.
Vùng lõi Khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ bứt phá
Xã Hòa Thắng, tỉnh Lâm Đồng là xã vùng lõi Khu du lịch quốc gia Mũi Né, được sáp nhập bởi một phần xã Hòa Thắng và xã Hồng Phong (thuộc H.Bắc Bình, Bình Thuận cũ) có diện tích tự nhiên 328 km2, dân số là 11.558 người.
Xã Hòa Thắng không chỉ là khu căn cứ cách mạng nổi tiếng của Bình Thuận (cũ), nơi đây còn có Khu du lịch Bàu Trắng với hai hồ nước ngọt “khổng lồ” còn gọi là bàu Ông, bàu Bà nằm sát đồi cát Trinh Nữ. Đây là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, được Bộ VH-TT-DL công nhận từ ngày 3.9.2019.

Du khách thích thú trải nghiệm ở Bàu Trắng, thuộc xã Hòa Thắng, tỉnh Lâm Đồng
ẢNH: QUỐC HANH
Ven biển Hòa Thắng còn có đảo nhỏ sát bờ, gọi là Hòn Nghè và Mũi Yến (mũi đất liền nhô ra biển) rất độc đáo.
Nhờ có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, mỗi năm Hòa Thắng đón trên 200.000 lượt du khách đến tham quan, trong đó có khoảng 15% là du khách quốc tế.

Hòn Nghè ở ven biển Hòa Thắng
ẢNH: QUỐC HANH
Hai năm qua, ngành du lịch Bình Thuận (cũ) đã tổ chức nhiều hoạt động nhân dịp Năm du lịch quốc gia 2023, “Bình Thuận hội tụ xanh”, với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo tại Hòa Thắng. Trong đó phải kể đến hoạt động chạy xe địa hình trên đồi cát Trinh Nữ, thi bơi trên bàu Bà, trải nghiệm du lịch canh nông, đặc biệt là trải nghiệm ở tuyến đường ven biển kết nối từ Bàu Trắng đi Phan Rí Cửa, được mệnh danh là tuyến đường ven biển “đẹp nhất Việt Nam”.
Cùng với P.Mũi Né, xã Hòa Thắng được xem là vùng lõi, hay “trái tim” của Khu du lịch quốc gia Mũi Né, đang đứng trước cơ hội phát triển kinh tế trong những năm tới.

Từ trên cao nhìn xuống, đồi cát Trinh Nữ ở Hòa Thắng như tiểu vùng sa mạc
ẢNH: QUỐC HANH
Nhiều dự án du lịch vướng “nút thắt” đất đai
Theo báo cáo của Đảng bộ xã Hòa Thắng, toàn xã hiện có 33 dự án du lịch đã được UBND tỉnh Bình Thuận (cũ) chấp thuận chủ trương đầu tư, hiện còn hiệu lực. Trong đó, riêng xã Hòa Thắng (cũ) có tới 20 dự án, diện tích hơn 730 ha, tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỉ đồng.
Trong số đó, chỉ có 8 dự án đã hoàn tất thủ tục pháp lý về đất đai và đang triển khai thực hiện theo giấy chứng nhận đầu tư. Số còn lại đang làm thủ tục dở dang, các dự án khác đang làm thủ tục giải phóng mặt bằng để thuê đất.

Đất thuộc dự án chưa triển khai, phía xa là dự án biệt thự ven biển xây dựng dở dang rồi bỏ hoang ở xã Hòa Thắng
ẢNH: QUỐC HANH
Mặc dù có nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng, nhưng phần lớn các dự án ở Hòa Thắng (bao gồm cả Hòa Thắng và Hồng Phong cũ) hiện đang vướng vào khó khăn giải phóng mặt bằng, tính tiền giá đất cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Hòa Thắng và Hồng Phong (tên 2 xã cũ) đều là nơi có nhiều dự án năng lượng tái tạo. Cụ thể, xã Hòa Thắng cũ có 4 dự án điện gió, trong đó có 2 dự án đã đi vào hoạt động (2 dự án điện gió còn lại đang triển khai); 2 dự án điện năng lượng mặt trời được phát điện từ năm 2022, đến nay đạt 650 MWh, tổng doanh thu đạt 1.291 tỉ đồng. Bên cạnh đó, còn có 2 dự án khai thác khoáng sản, 3 nhà máy tuyển quặng thô titan.
Tại xã Hồng Phong cũ, có 1 nhà máy điện gió, 4 nhà máy điện năng lượng mặt trời, đã đi vào hoạt động với công suất đạt 400 MWp.

Dự án điện mặt trời ở xã Hồng Phong cũ, nay thuộc xã Hòa Thắng, tỉnh Lâm Đồng
ẢNH: QUỐC HANH
Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai đang là “vấn đề nóng” của địa phương. Trong 5 năm qua, chỉ riêng xã Hòa Thắng cũ đã tiến hành xử phạt 77 trường hợp vi phạm pháp luật về lấn chiếm, tái lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép.
Áp lực chỉ tiêu thu ngân sách xếp thứ 3 tỉnh Lâm Đồng
Về thu ngân sách, riêng đối với xã Hòa Thắng cũ, năm 2023 thu đạt 31,3 tỉ đồng/kế hoạch giao 27 tỉ đồng, đạt 116,05% kế hoạch; năm 2024 thu đạt 49 tỉ đồng/24 tỉ đồng, tăng 84% so với năm 2023. Kết quả thu ngân sách trong cả nhiệm kỳ (2020-2025) ước thực hiện 288,5 tỉ đồng/78,7 tỉ đồng, đạt 366,5%. Trong khi đó, xã Hồng Phong cũ, tính cả nhiệm kỳ 5 năm qua, thu ngân sách đạt 399,6 tỉ đồng/246.6 tỉ đồng, đạt 162%.
Theo ông Nguyễn Đức Hải Tùng – Bí thư Đảng ủy xã Hòa Thắng (mới), nghị quyết của HĐND tỉnh Lâm Đồng (ban hành ngày 16.7) về dự toán thu ngân sách đã giao cho xã năm 2025 là 166,4 tỉ đồng – xếp thứ 3 tỉnh Lâm Đồng, chỉ sau P.Phan Thiết (197 tỉ đồng), P.Phú Thủy (168 tỉ đồng) và cao hơn cả P.Mũi Né (127 tỉ đồng).

Các dự án năng lượng tái tạo có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của xã Hòa Thắng
ẢNH: QUỐC HANH
Theo Bí thư Đảng ủy xã Hòa Thắng, tiềm năng phát triển của xã khá đa dạng, song thời gian qua, các dự án trên địa bàn triển khai rất chậm, trong khi các mô hình sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, cơ cấu kinh tế dịch vụ còn thấp. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản còn nhiều yếu kém, tình trạng lấn, chiếm đất đai trái phép còn diễn ra phức tạp.
Trước thực trạng đó, Đảng bộ xã xác định phải chủ động xây dựng kế hoạch cho từng lĩnh vực; phát huy tối đa tiềm năng lợi thế, tinh thần, trách nhiệm của công chức trong thi hành công vụ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, quyết tâm thực hiện đạt chỉ tiêu, kế hoạch được giao, góp phần đưa “trái tim” của Khu du lịch quốc gia Mũi Né bứt phá trong những năm tới.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.