Những ngày đầu triển khai chính quyền địa phương 2 cấp ở Gia Lai, bộ máy mới đã tạo ấn tượng tích cực với người dân thông qua thái độ làm việc nghiêm túc và khả năng giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn.
Từ ngày 1.7, các đơn vị hành chính cấp xã, phường trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chính thức đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sau quá trình sáp nhập, sắp xếp.
Nhiệt tình, nhanh chóng
Chị Hoàng Thị Tố Phan (cư dân tổ 6, P.Pleiku, tỉnh Gia Lai) đến P.An Phú làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào sáng 2.7, cho biết: “Ngay trong những ngày đầu vận hành chính quyền mới, tôi thấy cán bộ, nhân viên ở đây rất vui vẻ, nhiệt tình, xử lý hồ sơ nhanh chóng, gọn gàng”.
Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó chủ tịch UBND P.An Phú kiêm Giám đốc Trung tâm hành chính công phường, cho biết: “Cán bộ công chức của phường đã được quán triệt từ đầu, phải có tinh thần phục vụ nhân dân hết mình cho nên đã sát sao, nhiệt tình và hướng dẫn một cách cụ thể với từng trường hợp, đảm bảo giải quyết nhanh, đúng để tạo niềm tin của nhân dân với chính quyền”.
Tương tự, ông Nguyễn Bường (ở tổ 2, P.An Khê) cũng bày tỏ sự hài lòng khi được hỗ trợ tận tình trong việc làm thủ tục chuyển đổi sổ đỏ sang sổ hồng, tách thửa và chuyển đổi đất trồng cây lâu năm sang đất ở tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường. “Tôi không rành về công nghệ, hồ sơ thủ tục lại nhiều nhưng được cán bộ phường hướng dẫn tận tình nên mọi thủ tục được giải quyết nhanh gọn”, ông Bường nhận xét.

Dù mới nhưng việc vận hành Trung tâm hành chính công ở P.An Phú, tỉnh Gia Lai đã diễn ra khá suôn sẻ
ẢNH: TRẦN HIẾU
Theo kết quả sắp xếp, tỉnh Gia Lai có 110 xã và 25 phường. Để đảm bảo ngày đầu vận hành diễn ra suôn sẻ, các xã, phường trên địa bàn tỉnh đã chủ động lên phương án chuẩn bị từ trước. Các biện pháp chuẩn bị bao gồm tổ chức vận hành thử, rà soát trang thiết bị và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, công chức.
Rút ngắn thời gian, chi phí đi lại
Để đảm bảo cho các trung tâm phục vụ hành chính công hoạt động suôn sẻ, không bị gián đoạn, từ ngày 20 đến 25.6, toàn bộ 135 trung tâm tại 135 xã, phường trên toàn tỉnh Gia Lai đã được vận hành thử nghiệm, qua đó xử lý hàng trăm hồ sơ mà không phát sinh ách tắc hay chậm trễ.
Ông Trần Ngọc Phận, Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom, cho biết với cơ chế phân cấp, phân quyền mới, xã sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, nâng cao đời sống người dân miền núi.
Còn xã biên giới Ia Mơ có diện tích hơn 400 km² với 3.500 dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND xã cho biết, lực lượng công an xã đã được tăng cường từ 10 lên 29 người để đảm bảo công tác gần dân, sát dân.
“Triển khai chính quyền địa phương 2 cấp, mọi hồ sơ, thủ tục giấy tờ của người dân đến xã làm việc thuận lợi hơn, rút ngắn thời gian, chi phí đi lại”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Giao dịch bất động sản diễn ra trong những ngày đầu tại trung tâm hành chính công ở xã, phường tại Gia Lai
ẢNH: TRẦN HIẾU
Liên quan công tác triển khai chính quyền địa phương 2 cấp, Tỉnh ủy Gia Lai đã yêu cầu tăng cường công tác tư tưởng, nắm chắc tình hình cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, cần kịp thời giải quyết các kiến nghị chính đáng, không để xảy ra điểm nóng, khiếu kiện kéo dài.
Đặc biệt, tỉnh Gia Lai yêu cầu đảm bảo quốc phòng, an ninh, an toàn tuyệt đối trong giai đoạn chuyển tiếp, nhất là tại các khu vực trọng điểm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới. Điều này thể hiện sự chuẩn bị chu đáo và quyết tâm của tỉnh trong việc triển khai thành công mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.