Bỏ thanh tra y tế, ai kiểm tra, xử phạt cơ sở y tế vi phạm?

Theo quy định của luật Thanh tra năm 2025, từ ngày 1.7, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM chính thức ngưng hoạt động. Vậy việc kiểm tra, xử lý các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân và tiếp nhận phản ánh từ người dân sẽ được thực hiện như thế nào?

Lập Phòng Kiểm tra – pháp chế thay thanh tra y tế

Căn cứ vào quyết định của UBND TP.HCM về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế TP.HCM, hiện tại sở này có 9 phòng chuyên môn và 2 chi cục trực thuộc.

Trong bối cảnh không còn lực lượng thanh tra chuyên ngành cấp sở, UBND TP.HCM đã cho phép Sở Y tế TP.HCM thành lập Phòng Kiểm tra – pháp chế. Bà Trần Thị Xuân Phượng được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng điều hành.

Ngày 15.7, Ban Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã chủ trì cuộc họp với Tổ công tác đặc biệt cùng các lãnh đạo phòng: Kiểm tra – pháp chế, Nghiệp vụ y, Nghiệp vụ dược, Kế hoạch – tài chính, Công nghệ thông tin và Văn phòng. Cuộc họp tập trung giải quyết các vấn đề nóng trong công tác quản lý y tế.

Chia sẻ với PV Báo Thanh Niên, Phó giáo sư – tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết phòng Kiểm tra – pháp chế chính thức được thành lập và đi vào hoạt động với 31 thành viên, chủ yếu là lực lượng chuyển tiếp từ đội ngũ thanh tra của sở trước đây. Tất cả các hoạt động của Thanh tra Sở Y tế TP.HCM trước đây vẫn được duy trì và phát huy ngay sau khi phòng mới thành lập.

Phòng Kiểm tra – pháp chế là phòng chuyên môn trực thuộc Sở Y tế, chịu sự điều hành trực tiếp của giám đốc sở. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của phòng là thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực y tế. Nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện vi phạm, phòng sẽ tham mưu cho giám đốc sở ban hành quyết định xử phạt hành chính theo đúng thẩm quyền quy định tại Nghị định số 189/2025 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết luật Xử lý vi phạm hành chính.

Bỏ thanh tra y tế, ai kiểm tra, xử phạt cơ sở y tế vi phạm? - Ảnh 1.

Phòng Kiểm tra – pháp chế của Sở Y tế TP.HCM mới có 31 thành viên, chủ yếu là lực lượng chuyển tiếp từ đội ngũ Thanh tra Sở Y tế trước đây

ẢNH: DUY TÍNH

Xử lý hằng ngày những khiếu nại, tố cáo của người dân về y tế

Hệ thống y tế TP.HCM mới 164 bệnh viện (công, tư và của bộ, ngành), 38 trung tâm y tế khu vực, 164 trạm y tế (298 điểm y tế), 11 trung tâm không giường bệnh, 110 trung tâm bảo trợ xã hội (15 cơ sở công), 10.627 phòng khám chuyên khoa, 417 phòng khám đa khoa, 15.611 cơ sở kinh doanh dược và nhà thuốc.

Vì vậy, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo Phòng Kiểm tra – pháp chế tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được của thanh tra cũ trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, đồng thời nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành nhiệm vụ trong bối cảnh quản lý địa bàn rộng lớn, nhiều thách thức.

Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế TP.HCM tiếp tục được duy trì với vai trò “kiểm tra nhanh – phản ứng nhanh – xử lý điểm nóng”. Phòng Kiểm tra – pháp chế là thành viên thường trực của tổ này, bên cạnh các lãnh đạo phòng chuyên môn khác.

“Hiện nay, Tổ công tác đặc biệt vẫn họp giao ban nhanh mỗi ngày tại trụ sở chính Sở Y tế TP.HCM. Đồng thời kết nối trực tuyến với 2 điểm cầu tại trụ sở 2 (Sở Y tế Bình Dương cũ) và trụ sở 3 (Sở Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu cũ). Tất cả các phản ánh, khiếu nại, tố cáo từ người dân, các vấn đề liên quan đến quảng cáo sai sự thật trên mạng đều được thảo luận, đánh giá và xử lý trong các cuộc họp giao ban hằng ngày.

Bỏ thanh tra y tế, ai kiểm tra, xử phạt cơ sở y tế vi phạm? - Ảnh 2.

Phòng Kiểm tra – pháp chế của Sở Y tế TP.HCM tiếp tục phối hợp với Công an TP.HCM và UBND các xã, phương trên địa bàn để quản lý nhà nước về y tế

ẢNH: D.T

Tăng cường phối hợp, mở rộng kênh tiếp nhận thông tin

Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với Công an TP.HCM và các sở, ngành liên quan để kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở khám, chữa bệnh không phép; các cơ sở có biểu hiện chống đối, vi phạm nhiều lần, ảnh hưởng đến trật tự an ninh và sức khỏe người dân.

Song song đó, việc phối hợp với UBND các phường, xã và đặc khu trong quản lý y tế được xem là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách. Sở Y tế đang tích cực kết nối với lãnh đạo địa phương để triển khai công tác phối hợp hiệu quả hơn.

“Ngoài ra, Sở Y tế mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân để kịp thời xử lý các vi phạm trong lĩnh vực y tế. Trong đó, sự đồng hành của các cơ quan báo chí là một kênh quan trọng, giúp phát hiện và xử lý triệt để các đối tượng vi phạm, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn TP.HCM”, ông Tăng Chí Thượng nói.

Các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh về y tế của Sở Y tế TP.HCM:

  • Đường dây nóng Sở Y tế TP.HCM – 096.777.101: Phản ánh chất lượng khám chữa bệnh, thái độ nhân viên y tế.
  • Hotline chống “vẽ bệnh, moi tiền” – 0989.401.155: Phản ánh hành vi trục lợi, tư vấn sai chuyên môn, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
  • Tổng đài dịch vụ công trực tuyến – 1900.638.563: Hỗ trợ thủ tục hành chính y tế: cấp phép hành nghề, đăng ký cơ sở…
  • Cổng thông tin 1022 TP.HCM – cong1022.tphcm.gov.vn – app “1022 TP.HCM”: Phản ánh tổng hợp, chuyển đúng cơ quan chuyên trách xử lý.
  • Ứng dụng “Y tế trực tuyến”: Gửi phản ánh liên quan đến khám chữa bệnh và dịch vụ y tế.
  • Tổng đài cấp cứu 115 nâng cấp: Hỗ trợ cấp cứu tại TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu (khu vực sáp nhập).


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.