Bộ Quốc phòng phản hồi kiến nghị mở rộng đối tượng tạm hoãn tham gia nghĩa vụ quân sự

Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội đã chuyển Bộ Quốc phòng ý kiến của cử tri với nội dung ‘giáo dục quốc phòng, an ninh cho sinh viên để không tham gia nghĩa vụ quân sự’.

Cử tri tỉnh Quảng Bình cũ, nay là tỉnh Quảng Trị, kiến nghị theo quy định của pháp luật, hiện nay sinh viên cao đẳng, đại học bắt buộc phải học môn giáo dục quốc phòng và an ninh. Vì vậy, cử tri đề nghị xem xét, có thể chuyển đổi hình thức học môn học này thành khóa huấn luyện về quốc phòng, an ninh cho sinh viên tương tự như huấn luyện nghĩa vụ quân sự nhưng thời gian rút ngắn trong vòng 9 tháng đến 1 năm để sinh viên sau khi tốt nghiệp không phải tham gia nghĩa vụ quân sự.

Điều này, theo cử tri, nhằm tạo điều kiện cho các em sớm có cơ hội tìm kiếm việc làm và sự ổn định công việc do không bị gián đoạn bởi việc tham gia nghĩa vụ quân sự.

Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị giúp 'sinh viên không tham gia nghĩa vụ quân sự' - Ảnh 1.

Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị của cử tri về mở rộng đối tượng tạm hoãn tham gia nghĩa vụ quân sự

ẢNH: NHẬT THỊNH

“Đồng thời, cần nghiên cứu để có quy định cho phép tạm hoãn nghĩa vụ quân sự đối với trường hợp sau khi tốt nghiệp THPT có nguyện vọng lao động ở nước ngoài hoặc tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước nhưng phải có cam kết tham gia nghĩa vụ trước 25 tuổi; kèm với đó cần có chế tài cụ thể để ràng buộc trách nhiệm, nhất là quy định mức xử phạt cao đối với hành vi vi phạm, trốn tránh nghĩa vụ quân sự”, cử tri nêu trong kiến nghị.

Mở rộng đối tượng tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự là chưa phù hợp

Trả lời ý kiến cử tri, Bộ Quốc phòng cho biết, mục tiêu giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên được quy định tại khoản 2 điều 12 luật Giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2013.

Việc này nhằm bảo đảm cho người học có kiến thức cơ bản về quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; bổ sung kiến thức về phòng thủ dân sự và kỹ năng quân sự, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.

Về việc thực hiện tạm hoãn, miễn nghĩa vụ quân sự được căn cứ điều 45 Hiến pháp năm 2013; điều 4 luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; điều 41 luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định tạm hoãn và miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong đó, không quy định việc tạm hoãn đối với các trường hợp tốt nghiệp THPT có nguyện vọng đi lao động ở nước ngoài hoặc tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.

Bộ Quốc phòng nêu rõ, hiến pháp và pháp luật hiện nay đã quy định rõ ràng việc thực hiện, tạm hoãn, miễn nghĩa vụ quân sự; các quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Các quy định hiện nay bảo đảm công bằng xã hội, thuận tiện trong công tác quản lý và tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ.

“Trên phạm vi cả nước, công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ bình quân hơn 55%, riêng tỉnh Quảng Bình (cũ) là 64% so với tổng số thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ. Việc mở rộng thêm đối tượng tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự như kiến nghị của cử tri là chưa phù hợp với tình hình hiện nay bởi sẽ làm giảm nguồn tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hằng năm.

Cạnh đó, phát sinh thủ tục hành chính trong lĩnh vực nghĩa vụ quân sự, tạo kẽ hở để nhiều đối tượng lợi dụng trốn tránh, nảy sinh tiêu cực trong triển khai thực hiện và gây mất công bằng xã hội”, Bộ Quốc phòng thông tin.

Từ những quy định của pháp luật nêu trên, Bộ Quốc phòng cho rằng, việc chuyển đổi hình thức môn học giáo dục quốc phòng và an ninh thành khóa huấn luyện về quốc phòng và an ninh cho sinh viên tương tự như huấn luyện nghĩa vụ quân sự là “không phù hợp”.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.