BHXH TP.HCM thông báo quan trọng gì đến doanh nghiệp từ 1.7?

Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) ở TP.HCM có hướng dẫn quan trọng, gửi các đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp… trên địa bàn về đăng ký, kê khai BHXH từ 1.7.2025.

Cơ quan BHXH khu vực XXVII hay BHXH khu vực 27, địa bàn TP.HCM vừa thông báo đến các đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp về việc hướng dẫn đăng ký, kê khai BHXH từ 1.7 với nội dung quan trọng như sau:

Phân cấp quản lý các đơn vị sử dụng lao động

Theo thông báo mới nhất, đơn vị mới thành lập đăng ký tham gia BHXH lần đầu tại BHXH nơi đơn vị đăng ký kinh doanh.

Chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn nào ở TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu cũ thì đăng ký, kê khai BHXH tại địa bàn đó. Trường hợp không thể thực hiện được thì đăng ký, kê khai BHXH tại công ty mẹ và thông báo cho cơ quan BHXH trên địa bàn trụ sở chi nhánh trú đóng.

Trong trường hợp đơn vị thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh sang địa bàn khác thì chậm nhất 3 tháng kể từ ngày đăng ký thay đổi trụ sở kinh doanh phải thông báo với cơ quan BHXH nơi đang tham gia để chuyển địa bàn theo quy định.

Trường hợp đơn vị không thông báo chuyển địa bàn thì cơ quan BHXH nơi đơn vị đang tham gia sẽ giảm thu BHXH và phối hợp với cơ quan BHXH nơi đơn vị có địa chỉ trú đóng theo giấy phép đăng ký kinh doanh mới để lập thủ tục chuyển nơi tham gia.

Doanh nghiệp đăng ký BHXH cho đối tượng nào?

Người lao động đồng thời có từ 2 hợp đồng lao động trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.

Người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên như người lao động làm việc tại các công ty xây dựng, nhà hàng, bảo vệ… thuộc đối tượng tham gia BHXH.

BHXH TP.HCM thông báo thay đổi quan trọng từ ngày 1.7 - Ảnh 1.

Cơ quan BHXH đề nghị các đơn vị sử dụng lao động thực hiện theo đúng nội dung đã hướng dẫn

Ảnh: T.H

Các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d và i khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của luật BHXH mà không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động không phải đóng BHXH tháng đó. Trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận về việc có đóng BHXH cho người lao động tháng đó với căn cứ đóng bằng căn cứ đóng BHXH tháng gần nhất.

Trường hợp trong tháng đầu làm việc hoặc trong tháng đầu trở lại làm việc mà người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên thì vẫn phải đóng BHXH của tháng đó.

Trường hợp thời gian đóng BHXH bắt buộc còn thiếu tối đa 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tuất hằng tháng thì người lao động hoặc thân nhân của người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động trước khi người lao động nghỉ việc hoặc chết vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Trường hợp người lao động chấm dứt đóng BHXH bắt buộc mà thời gian đóng BHXH còn thiếu trên 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì có quyền đóng tiếp BHXH tự nguyện.

BHXH TP.HCM thông báo thay đổi quan trọng từ ngày 1.7 - Ảnh 2.

Người dân đến BHXH khu vực 27 để giải quyết hồ sơ

Ảnh: T.L

Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng từ ngày 1.7.2025 thuộc đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế bắt buộc. Cơ quan BHXH TP.HCM đề nghị đơn vị, doanh nghiệp rà soát, nếu người lao động chưa tham gia thì lập hồ sơ tham gia BHXH, bảo hiểm y tế. Trường hợp đang tham gia BHXH thì đăng ký tham gia thêm bảo hiểm y tế. 

Hướng dẫn kê khai BHXH 

Doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai và nộp hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động theo quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (trừ đối tượng tại điểm m, n khoản 1, điều 2, luật BHXH).

Doanh nghiệp nộp hồ sơ phát sinh điều chỉnh lương, tăng/giảm lao động hằng tháng kịp thời (chậm nhất ngày 28 hằng tháng). Đối với đơn vị lớn, phát sinh tăng giảm trong tháng nhiều thì thực hiện nộp không quá 3 bộ hồ sơ/tháng (trừ trường hợp cần thiết khác), chuyển nộp tiền chậm nhất ngày cuối cùng của tháng.

Đối với hồ sơ giảm lao động của tháng sau, đơn vị có thể nộp ngay khi có quyết định thôi việc, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động. Sau đó, doanh nghiệp vẫn tiếp tục được nộp hồ sơ tăng/giảm, điều chỉnh lương trong tháng khi có phát sinh.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.