Báo chí phát huy vai trò phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM kỳ vọng báo chí tiếp tục phát huy vai trò là diễn đàn phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, nhất là những vấn đề bức xúc kéo dài chưa được giải quyết.

Chiều 14.7, Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức hội nghị trao đổi thông tin về công tác phối hợp giữa Đoàn ĐBQH TP.HCM với cơ quan truyền thông, báo chí trong tuyên truyền hoạt động.

Kỳ vọng báo chí là diễn đàn phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân- Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị trao đổi thông tin về công tác phối hợp giữa Đoàn ĐBQH TP.HCM với cơ quan truyền thông, báo chí

ẢNH: DƯƠNG TRANG

Tại hội nghị, bà Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV TP.HCM, cho biết Đoàn ĐBQH TP.HCM hiện có 44 đại biểu và dự kiến kia thành 15 nhóm đại biểu. Như vậy, khi tiếp xúc cử tri trước và sau phiên họp sẽ trải rộng trên địa bàn 168 xã, phường. Có thể trên dưới 80 điểm tiếp xúc cử tri.

Bà Phúc mong muốn báo chí cùng đồng hành, tạo điều kiện cho Đoàn ĐBQH, các ĐBQH có thể chia sẻ thông tin của mình một cách chuyên nghiệp hơn. Vừa phát huy tinh thần tuyên truyền trên nền tảng số cũng như công nghệ thông tin nhằm giúp lan tỏa và thông tin tuyên truyền về các thông tin kinh tế, chính trị cũng như các hoạt động Quốc hội.

“Mong báo chí cùng với Đoàn ĐBQH sẽ có những bước phát triển tốt hơn trong các công tác truyền thông về cơ quan dân cử, về hoạt động của Quốc hội, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố, thực hiện các nhiệm vụ mà Trung ương đã giao cho TP.HCM”, bà Phúc nói.

Báo chí TP.HCM phản ánh rõ nét các hoạt động của Đoàn ĐBQH

Góp ý tại hội nghị, ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, nhận định báo chí TP.HCM thời gian qua đã phản ánh rõ nét các hoạt động của Đoàn ĐBQH TP.HCM. Song song đó, nhiều đại biểu cũng tích cực phối hợp với báo chí để cùng lên tiếng về những vấn đề mà cử tri và người dân quan tâm, bức xúc.

Kỳ vọng báo chí là diễn đàn phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân- Ảnh 2.

Ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM

ẢNH: DƯƠNG TRANG

Theo ông Phước, bên cạnh việc đưa tin về hoạt động của TP.HCM nói chung và Đoàn ĐBQH TP.HCM nói riêng, báo chí còn đóng vai trò là cầu nối, truyền tải tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Ông Phước kỳ vọng các đại biểu sẽ lắng nghe, tiếp nhận những phản ánh đó và có phản hồi trở lại thông qua báo chí, để người dân thấy tiếng nói của mình được lắng nghe.

Ông Phước nhấn mạnh, báo chí TP.HCM không chỉ phản ánh, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phản biện, góp ý xây dựng chủ trương, chính sách.

“Một số đại biểu từng chia sẻ với tôi rằng nhiều nội dung được đăng tải trên các báo Pháp luật TP.HCM, Thanh Niên, Tuổi Trẻ… đã được tiếp thu và mang ra thảo luận tại nghị trường”, Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM nói và bày tỏ thời gian tới, mong các đại biểu sẽ tiếp tục đồng hành, tham gia cùng báo chí trong các buổi tọa đàm, hội thảo, góp ý chính sách, để những chủ trương, quy định ban hành sát với thực tiễn cuộc sống.

Ông Phước cũng đề xuất Đoàn ĐBQH TP.HCM tăng cường trao đổi định kỳ với báo chí, chủ động chia sẻ thông tin về hoạt động, định hướng công tác để các cơ quan truyền thông kịp thời cập nhật, lan tỏa đến cử tri và người dân TP.HCM.

Tương tự, đại tá Phan Tùng Sơn, Trưởng đại diện Báo Quân đội Nhân dân tại TP.HCM, cho rằng công tác truyền thông về hoạt động của Đoàn ĐBQH cần được nâng lên tầm cao mới, chuyển từ tư duy phản ánh sang tư duy kiến tạo.

Theo ông Sơn, thông tin hiện tại vẫn chủ yếu dừng ở việc tường thuật, phản ánh bề mặt, trong khi xu thế truyền thông hiện đại đòi hỏi sâu sắc hơn, có góc nhìn phản biện và hàm lượng khoa học rõ rệt.

Ông Sơn đề xuất mỗi phát biểu của đại biểu cần được xây dựng như một đề tài có giá trị lan tỏa trên truyền thông. Ngoài ra, ông Sơn kiến nghị thành lập nhóm kết nối trực tiếp, chẳng hạn như nhóm Zalo giữa lãnh đạo Đoàn ĐBQH và các cơ quan báo chí, để đảm bảo việc chia sẻ thông tin nhanh, chính xác.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc lượng hóa các hoạt động của Đoàn, giúp cử tri và báo chí theo dõi tiến độ giải quyết các kiến nghị, đồng thời tạo điều kiện để truyền thông phản ánh trúng và đúng những bức xúc từ cơ sở.

Kỳ vọng báo chí là diễn đàn phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân- Ảnh 3.

Bà Phạm Thị Vân Anh, Phó tổng biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM

ẢNH: DƯƠNG TRANG

Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Phạm Thị Vân Anh đánh giá cao mối quan hệ phối hợp giữa báo chí và Đoàn ĐBQH. Đồng thời nhấn mạnh đây không đơn thuần là mối quan hệ cung cấp – nhận thông tin, mà là quan hệ cộng sinh, cùng đồng hành để nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội và góp phần hoạch định chính sách từ thực tiễn.

Bà Vân Anh cho rằng báo chí cần được tạo điều kiện tiếp cận thông tin kịp thời, đặc biệt với những vấn đề nhạy cảm, những nội dung cần góp ý thẳng thắn, mang tính xây dựng.

Bên cạnh việc tổ chức họp báo định kỳ, bà đề xuất mở rộng hình thức tiếp xúc chuyên đề, tọa đàm, hội thảo với từng nhóm đối tượng như phụ nữ, doanh nhân, nhà khoa học để thu nhận tiếng nói đa chiều từ xã hội.

“Việc thiết lập đầu mối thông tin rõ ràng, tạo cơ chế linh hoạt cho báo chí tiếp cận sẽ giúp nâng cao chất lượng nội dung, bảo vệ uy tín của đại biểu và cơ quan báo chí trong bối cảnh truyền thông hiện đại đòi hỏi sự chính xác, khách quan và kịp thời”, bà Vân Anh nói.

Báo chí tích cực phản biện, đóng góp ý kiến

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý từ lãnh đạo các cơ quan báo chí truyền thông nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn trong thời gian tới.

Kỳ vọng báo chí là diễn đàn phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM

ẢNH: DƯƠNG TRANG

Ông Lợi cho biết, trọng tâm sắp tới của Đoàn ĐBQH TP.HCM là tham gia xây dựng thể chế, cả ở cấp Trung ương và địa phương. “Hiện Thành ủy đã chỉ đạo, UBND TP.HCM đang xây dựng và đề xuất một số cơ chế đặc thù cho TP.HCM mới. Chúng tôi mong các cơ quan báo chí sẽ tích cực phản biện, đóng góp ý kiến, trở thành diễn đàn để người dân hiến kế cho thành phố”, ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, với địa giới hành chính mở rộng, TP.HCM mới đòi hỏi một phương thức quản trị thông minh hơn, hệ thống thủ tục hành chính cũng phải thông suốt, hiện đại hơn. Do đó, Đoàn ĐBQH TP.HCM dự kiến sẽ tổ chức khảo sát chuyên đề về xây dựng chính quyền số, cải cách thủ tục hành chính…

Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM cũng kỳ vọng báo chí tiếp tục phát huy vai trò là diễn đàn phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, nhất là đối với những vấn đề bức xúc kéo dài, những nội dung “nóng” còn tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết, cũng như góp ý cho những chính sách chưa sát với thực tiễn đời sống của người dân, cử tri.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.