Mạng xã hội là một trong những ‘kênh’ tốt giúp VĐV cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, không ít VĐV chưa thể khai thác thương mại tương xứng với giá trị của mình, vì nhiều lý do khác nhau.
RÀO CẢN TÂM LÝ
Với các ngôi sao giải trí, những người vốn quen xuất hiện trước ống kính, việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội là điều khá đơn giản. Nhưng VĐV thì khác. Thứ họ đối diện mỗi ngày là môi trường tập luyện và thi đấu đơn thuần… Không phải VĐV nào cũng có thể ăn nói lưu loát, diễn xuất, tạo dáng và cho thấy sự tự tin, phong thái như một ngôi sao biểu diễn. Đó là rào cản đầu tiên.
Nhiều VĐV lo ngại bị đánh giá là “làm màu”, không tập trung vào chuyên môn. Tay vợt cầu lông số 1 VN Lê Đức Phát bộc bạch: “Nếu thi đấu không tốt, trong khi trước đó tôi đăng ảnh quảng cáo hoặc cuộc sống đời thường, dư luận sẽ chỉ trích rằng tôi bỏ bê tập luyện, không còn chuyên tâm phát triển sự nghiệp và mải mê kiếm tiền. Những VĐV không có tâm lý vững vàng sẽ rất dễ nản và từ bỏ việc xây dựng thương hiệu. Tôi nghĩ đây là vấn đề, là nỗi lo của hầu hết VĐV”.

Đức Phát từng chịu nhiều áp lực khi nhận những lời công kích từ CĐV
ẢNH: NVCC
Một Social Media Executive (chuyên viên mạng xã hội), chuyên xây dựng, phát triển fanpage cho các VĐV chuyên nghiệp, chia sẻ với Báo Thanh Niên: “Khán giả VN yêu thì rất yêu VĐV, cổ vũ rất nhiệt tình. Nhưng nếu không hài lòng, một bộ phận khán giả trở nên cực kỳ khắt khe, thậm chí là cay nghiệt với VĐV. Không ít lần tôi phải khóa bình luận, xóa bớt các phản hồi tiêu cực để tránh VĐV đọc được, dẫn đến ảnh hưởng tâm lý thi đấu”. Vì lẽ đó, một số VĐV chọn cách “ở ẩn” hoàn toàn để tránh gây tranh cãi. Điều này có thể giúp họ tập trung chuyên môn, nhưng đồng thời cũng bỏ lỡ cơ hội xây dựng kết nối lâu dài với người hâm mộ và các nhãn hàng.
THIẾU Ê KÍP HỖ TRỢ
Không dễ để một VĐV “tự thân vận động” trong thời đại mạng xã hội bùng nổ. Khi người người, nhà nhà đều có thể trở thành “nhà sáng tạo nội dung”, sự cạnh tranh cũng lớn hơn. Để có thể trở nên nổi bật và “lên xu hướng”, các VĐV cần đầu tư nhiều vào mặt hình ảnh, dựng video, viết tiêu đề, tương tác cùng người hâm mộ. Trong khi phần lớn thời gian dành cho việc tập luyện và thi đấu, việc phải tự làm mọi thứ vốn không phải là sở trường gần như là điều bất khả thi với các VĐV.
Do đó, VĐV tại VN vẫn đang hoạt động một cách tự phát, làm theo bản năng hoặc “có gì đăng nấy”. Nhiều người chỉ đăng lại hình ảnh được phóng viên hoặc ban tổ chức chụp, không đầu tư nội dung riêng, không tạo dấu ấn cá nhân rõ nét. Cũng không ít VĐV nỗ lực học hỏi, cải thiện kỹ năng quay dựng clip, kể chuyện, nhưng để duy trì chất lượng và số lượng ổn định vẫn là thách thức quá lớn. Rõ ràng, các VĐV cũng cần có ê kíp hỗ trợ. Nhưng lúc này, một vấn đề nữa lại xuất hiện. Đa số VĐV được các ê kíp để mắt đến chỉ khi trở thành ngôi sao, có tầm ảnh hưởng nhất định. Phần còn lại đều phải “làm tất ăn cả”.
CHƯA THẤY LỢI ÍCH NGAY
Một lý do nữa khiến nhiều VĐV chưa mặn mà với mạng xã hội là chưa thấy lợi ích ngay trước mắt. Không giống các ngôi sao giải trí thường nhanh chóng nhận hợp đồng quảng cáo nếu có tương tác tốt, VĐV, đặc biệt là ở các môn ít được quan tâm, phải mất nhiều thời gian hơn để thu hút nhà tài trợ.
Thậm chí, không ít VĐV sở hữu vài chục nghìn lượt theo dõi trên trang cá nhân, vẫn không có hợp đồng thương mại, vì thiếu định hướng nội dung phù hợp với thương hiệu. Những khoảnh khắc thi đấu, đời thường là không đủ thu hút. Các VĐV cần phải xây dựng được “màu sắc” riêng cho bản thân, kể được câu chuyện, qua đó làm nổi bật cá tính. Đó mới là những giá trị lớn nhất mà các nhãn hàng nhìn vào, chứ không chỉ là các con số khô khan như lượt theo dõi, lượng tương tác. VĐV cần có chiến lược dài hạn, cần sự bền bỉ thì sẽ xây dựng được hình ảnh đẹp, độc đáo và lúc này, hợp đồng sẽ tự tìm đến. Đương nhiên, đây là quá trình đòi hỏi rất nhiều thời gian, chất xám lẫn tiền bạc và không phải VĐV nào cũng đủ sự kiên trì.
Ngoài ra, một số VĐV vẫn giữ tâm lý “phải có kết quả thi đấu tốt rồi mới làm truyền thông”. Tuy nhiên, trong môi trường thể thao hiện đại, kết quả chỉ là một phần. Hình ảnh, thái độ, cách giao tiếp, sự truyền cảm hứng… là những giá trị lâu dài mà mạng xã hội có thể giúp VĐV lan tỏa. Từ đó, họ không chỉ nâng cao giá trị bản thân mà còn tạo thêm nguồn thu nhập, phát triển nghề nghiệp, ngay cả sau khi giải nghệ.
Từ những câu chuyện thành công đến những trường hợp “đánh mất cơ hội” vì e ngại, có thể thấy mạng xã hội là một con dao hai lưỡi với các VĐV. Nhưng nếu biết khai thác đúng cách, đây chắc chắn là một kênh xây dựng thương hiệu và kiếm thu nhập hiệu quả, nhất là trong bối cảnh thể thao ngày càng gắn liền với truyền thông và giải trí.
Người hâm mộ không chỉ yêu mến VĐV vì thành tích, mà còn bởi cá tính, thái độ sống và sự chân thật mà họ thể hiện. Mạng xã hội chính là “sân chơi” để kết nối những điều đó. Khi VĐV chủ động cởi mở, kể câu chuyện của mình một cách chân thành và chuyên nghiệp, họ không chỉ thu hút được tình cảm của khán giả mà còn mở ra những cơ hội hợp tác dài hạn với các thương hiệu uy tín và giúp họ mang về nguồn thu nhập rất đáng kể.
Mạng xã hội không phải là gánh nặng, nếu VĐV biết biến nó thành một phần hành trình phát triển sự nghiệp. Dù vậy, cũng phải thừa nhận rằng đây là việc không hề đơn giản. VĐV cần tự nghiên cứu, học hỏi, đồng thời có thêm sự hỗ trợ từ nhiều nguồn như các CLB chủ quản, liên đoàn, đơn vị truyền thông… (còn tiếp)
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.