Bị lừa tiền khi đăng ký chạy bộ qua fanpage giả mạo: Người trong cuộc bất lực

Với ý tốt muốn đóng góp một phần sức và của cho những mảnh đời thiếu may mắn, một người hưu trí sống tại Hà Nội đã bị lừa 20 triệu đồng khi đăng ký tham gia một giải cộng đồng, thông qua trang fanpage lấy tên giải đi bộ – chạy bộ vì nạn nhân chất độc màu da cam 2025.

“Chiêu trò” quá hấp dẫn

Trên Facebook, trang fanpage “GIẢI ĐI BỘ – CHẠY BỘ VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC MÀU DA CAM 2025” có hơn 3.000 lượt thích, 3.500 người theo dõi. Trang này tự giới thiệu là “Tổ chức cộng đồng, tổ chức từ thiện”. Mới đây, trang này có đăng tải bài viết, với nội dung giới thiệu sự kiện giải đi bộ – chạy bộ vì nạn nhân chất độc màu da cam 2025 mang ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 64 năm Ngày thảm họa da cam Việt Nam (10.8.1961 – 10.8.2025), do Hội Nạn nhân chất độc da cam tổ chức.

Báo Thanh Niên đã liên hệ với đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và được phản hồi rằng, hội này hiện không có trang fanpage đăng tải về việc tổ chức bất cứ sự kiện chạy bộ nào như trên.

Bị lừa tiền khi đăng ký chạy bộ qua fanpage giả mạo: Người trong cuộc bất lực- Ảnh 1.

Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam xác nhận, hội này hiện không tổ chức bất kỳ giải chạy nào

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Theo đó, để thu hút nhiều người tham gia, trang fanpage “GIẢI ĐI BỘ – CHẠY BỘ VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC MÀU DA CAM 2025” đăng tải bài viết với “lời mời chào” đầy ấn tượng. Mong muốn của ban tổ chức (BTC) giải là gây quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam; lan tỏa thông điệp nhân ái, kêu gọi cộng đồng cùng hành động vì những mảnh đời kém may mắn; khơi dậy tinh thần thể thao, lối sống tích cực, gắn kết cộng đồng. Thông tin giải chạy: dành cho mọi đối tượng, từ cá nhân, gia đình, tập thể, doanh nghiệp; hình thức tổ chức trực tuyến; khi tham gia đăng ký thành công mỗi VĐV sẽ nhận được 1 đôi giày gắn chíp tích hợp công nghệ kết nối với ứng dụng của BTC để tích lũy quãng đường; mỗi km hoàn thành sẽ nhận được 5.000 đồng để xây dựng Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam.

Quyền lợi người tham gia: nhận giấy chứng nhận hoàn thành đường chạy; có cơ hội tham gia bốc thăm may mắn và nhận các phần quà ý nghĩa từ các nhà tài trợ như áo thun, nón, giày, tai nghe bluetooth và quà lưu niệm từ BTC; phiếu khám sức khỏe dành cho cả gia đình; tham gia các hoạt động chung tay cộng đồng cùng với BTC trên toàn quốc.

Với cách thức đăng ký và tham dự dễ dàng (trực tuyến), quyền lợi hấp dẫn, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, fanpage này đã nhận được sự chú ý. Bên dưới phần bình luận, rất nhiều người khen ngợi về nghĩa của sự kiện và ngỏ ý muốn được tham gia.

Thủ đoạn tinh vi, khéo léo tạo dựng niềm tin

Khi nhận được yêu cầu đăng ký giải chạy, admin (quản trị nhóm) sẽ gửi một liên kết để người muốn tham gia điền thông tin. Sau đó, người tham gia được đề nghị tải ứng dụng Lotus về và liên hệ với nhân viên tư vấn, nhằm hoàn tất bước xét duyệt cuối cùng (tức tham gia khảo sát) để được tham dự giải chạy bộ thiện nguyện kể trên. Đây mới là lúc chiêu trò lừa đảo xuất hiện!

Lúc này, bà P.L.H (63 tuổi), một cán bộ hưu trí sống tại Hà Nội đã cài đặt thành công ứng dụng Lotus và liên lạc với nhân viên tư vấn. Trước khi tham gia khảo sát, bà H. được khuyến cáo như sau: “Sau khi hoàn thành đợt xét tuyển thứ 2 này, các VĐV sẽ chính thức được xét duyệt trở thành VĐV của giải đi bộ – chạy bộ vì nạn nhân chất độc màu da cam 2025. Trong thời gian tham gia xét tuyển, mình yêu cầu các bạn phải tập trung cao, phải online thường xuyên để nhận thông báo từ hệ thống.

Trước khi vào nhận khảo sát thì mình có vài điều quan trọng cần nhắc các VĐV: không tự ý làm nếu chưa có hướng dẫn của mình; không quá hạn thời gian khảo sát; chú ý nội dung giao dịch, mệnh giá sản phẩm, khảo sát đơn hàng, khảo sát liền đơn hàng tương tác sản phẩm liên kết trong khảo sát; trong quá trình nhận khảo sát có vấn đề nào không hiểu cần giải đáp hãy hỏi ngay lại mình để được hỗ trợ. Đặc biệt lưu ý: khảo sát khi được giao xuống, các bạn có quyền nhận hoặc không nhận. Nhưng khi bạn đã nhận khảo sát thì bạn bắt buộc có trách nhiệm phải hoàn thành khảo sát và không phạm sai sót quá nhiều để ảnh hưởng trực tiếp đến điểm tín nhiệm trên hồ sơ cá nhân của mình (diểm tín nhiệm ban đầu là 100/100 ) thì hệ thống mới xác nhận hoàn thành khảo sát và vượt qua khảo sát đó để tất toán cho các bạn”.

Trao đổi với Thanh Niên, bà H. cho biết đơn hàng đầu tiên là một đôi giày trị giá 2,39 triệu đồng. “Tôi nghĩ đó là đôi giày gắn chíp mà BTC sẽ gửi về để mình tham gia chạy bộ trực tuyến nhằm tính số km”, bà H. nhớ lại. Sau khi nhấn vào đơn hàng, bà H. được hướng dẫn chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng của BTC. Ngay sau khi chuyển tiền thành công, số tiền 2,39 triệu đồng đã lập tức được trả lại cho bà H.

Đây chính là chiêu trò tạo dựng niềm tin, câu kéo người đăng ký tham gia tiếp tục tham gia khảo sát những đơn hàng có giá trị cao hơn.

Bà H. cho biết: “Sau khi thanh toán đơn hàng đầu tiên và được hoàn tiền lại ngay, tôi tiếp tục tham gia giai đoạn khảo sát thứ 2, gọi là giai đoạn liên đơn, tức phải thanh toán 3 sản phẩm liên tiếp. Sản phẩm đầu có giá 5,2 triệu đồng, sản phẩm 2 có giá 15,7 triệu đồng, còn sản phẩm 3 có giá lên đến 39,9 triệu đồng. Tôi đã chuyển khoản xong 2 sản phẩm đầu, hết tổng cộng 20,9 triệu đồng. Đến sản phẩm thứ 3, tài khoản không còn đủ tiền nữa”.

“…do nhẹ dạ cả tin”

Sau khi tài khoản cạn kiệt, bà H. liên hệ nhân viên tư vấn để xin được hoàn lại số tiền thanh toán cho 2 sản phẩm đầu, nhưng nhận lại câu trả lời thờ ơ, rằng người tham gia không được bỏ khảo sát giữa chừng. “Nhân viên tư vấn nói khi nào tôi chuẩn bị đủ tiền thì báo để gia hạn thêm thời gian khảo sát. Còn nếu không an tâm thì cứ báo với cơ quan chức năng”, bà H. bày tỏ trong sự bất lực.

Kể từ đó, bà H. không còn liên lạc được với nhân viên tư vấn và đành ngậm ngùi để mất số tiền hơn 20 triệu đồng. Được biết, đó là số tiền mà bà đã dành dụm từ lương hưu nhận hằng tháng (mỗi tháng được khoảng 6 triệu đồng).

“Chồng và con đã nhiều lần khuyên ngăn tôi không nên tham gia những kiểu chương trình như thế này. Tôi vốn nhẹ dạ cả tin, thấy sự kiện quá nhân văn và cũng rất thích chạy bộ, nên muốn đóng góp một phần nào đó cho những hoàn cảnh thiếu may mắn. Nhưng không ngờ lại mất tiền vô ích”, bà H. bộc bạch.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.