Khoảng trống đáng lo ngại trong kho tên lửa Mỹ sau cuộc chiến 12 ngày ở Iran

Mức tiêu hao tên lửa khi hỗ trợ Israel trong cuộc chiến 12 ngày với Iran hồi tháng trước khiến Mỹ phải tính toán lại việc bổ sung cũng như hiệu quả các tên lửa đánh chặn.

Khoảng trống đáng lo ngại trong kho tên lửa Mỹ sau cuộc chiến 12 ngày ở Iran - Ảnh 1.

Một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở Israel

ẢNH: AFP

Việc Mỹ can thiệp quân sự trong cuộc chiến 12 ngày giữa Israel và Iran hồi tháng trước khiến kho dự trữ tên lửa phòng không của Mỹ thâm hụt đáng kể và buộc nước này phải tính toán lại về vũ khí này, theo phân tích mới đây trên tờ The Wall Street Journal.

Mỹ có 7 hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), nhưng đã đưa 2 hệ thống đến Israel vào tháng 6 mà vẫn không đủ.

Khi phối hợp tác chiến với các hệ thống của Israel, lực lượng vận hành THAAD đã tiêu hao đạn dược với tốc độ chóng mặt, bắn hơn 150 tên lửa để đánh chặn các đợt tên lửa đạn đạo dồn dập từ Iran. Con số này tương đương gần một phần tư tổng số tên lửa đánh chặn mà Lầu Năm Góc từng mua.

Hé lộ thiệt hại ở căn cứ Mỹ khi tên lửa Iran vượt lưới phòng không

Phòng thủ chưa đủ?

Theo một quan chức Mỹ, nhu cầu lớn đến mức, Lầu Năm Góc từng cân nhắc kế hoạch điều chuyển các tên lửa đánh chặn mà Ả Rập Xê Út đã mua sang hỗ trợ cho các hệ thống tại Israel.

Không chỉ THAAD, Mỹ còn tiêu hao số lượng lớn tên lửa đánh chặn phóng từ tàu chiến, trong khi kho dự trữ của Israel cũng nhanh chóng hao hụt. Hàng chục tên lửa của Iran đã lọt qua hệ thống phòng thủ.

Trong khi các quan chức Israel ghi nhận rằng các hệ thống của Mỹ đã cứu sống hàng ngàn người, cuộc chiến cũng cho thấy một khoảng trống đáng lo ngại trong nguồn cung vũ khí của Mỹ.

Bên cạnh đó, giới quan sát cho rằng Mỹ cũng phát hiện ra những điểm thiếu hiệu quả trong cách vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa và hiện đang xem xét kỹ lưỡng hiệu suất của một số tên lửa đánh chặn.

Một số nhà hoạch định tại Lầu Năm Góc cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ – vốn được thiết kế để bảo vệ binh sĩ và tài sản trước các cuộc tấn công có chủ đích từ các đối thủ – là không đủ trong bối cảnh hiện nay, khi các loại tên lửa đạn đạo giá rẻ và số lượng lớn đã trở thành vũ khí tấn công đường không chủ lực.

Chi phí cao

Trong khi đó, những tên lửa đánh chặn của Mỹ có chi phí cao. Theo các tài liệu ngân sách, mỗi tên lửa đánh chặn THAAD có giá khoảng 13 triệu USD, và Lầu Năm Góc đã mua khoảng 650 quả kể từ năm 2010. Các quan chức hiện đang đề xuất mua thêm 37 quả trong tài khóa tới.

Hãng Lockheed Martin, nhà sản xuất hệ thống này, cho biết họ có thể chế tạo khoảng 100 tên lửa đánh chặn trong năm nay và đang phối hợp với chính phủ để tìm phương án tăng sản lượng nhằm đáp ứng các đơn hàng mới.

Trong khi đó, phần lớn các tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của Mỹ được trang bị nhiều loại tên lửa đánh chặn Standard Missile, được biết đến với các phiên bản SM-2, SM-3 và SM-6, có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo cũng như các mối đe dọa từ trên không khác.

Các tàu chiến này cũng tiêu hao tên lửa đánh chặn với tốc độ đáng báo động, quyền Tư lệnh tác chiến Hải quân Mỹ James Kilby phát biểu tại Quốc hội Mỹ hồi tháng trước.

Trong suốt cuộc chiến kéo dài 12 ngày, các tàu này đã phóng khoảng 80 quả SM-3 để đối phó với các mối đe dọa từ Iran, theo một quan chức Mỹ.

Tên lửa SM-3, do nhà thầu quốc phòng RTX sản xuất, có giá từ 8 triệu đến 25 triệu USD tùy theo phiên bản.

Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc cũng bày tỏ lo ngại rằng SM-3 đã không diệt được nhiều mục tiêu như kỳ vọng.

Theo ông Tom Karako, Giám đốc Dự án phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS-Mỹ), nhận định rằng vấn đề lớn nhất hiện nay vẫn là số lượng.

Chuyên gia này cho rằng cuộc chiến 12 ngày vừa qua cùng với khả năng bùng phát các xung đột khác cho thấy Mỹ cần một lượng tên lửa đánh chặn bổ sung khổng lồ. “Điều đáng lo ngại khác là Iran có thể sẽ làm điều này một lần nữa. Và chúng ta thì không đủ khả năng để lặp lại chuyện đó”, ông cảnh báo.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.