Thị trường vàng lặng sóng trước ngày sửa Nghị định 24

Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời hạn Ngân hàng Nhà nước trình dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng lên Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có một điều quan trọng là xóa bỏ độc quyền vàng miếng, độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Giá vàng đứng ở mức cao khi lực mua áp đảo

Giá vàng miếng SJC ngày 11.7 tăng nhẹ, các công ty như SJC, Doji, Bảo Tín Minh Châu… tăng 200.000 đồng mỗi lượng, mua vào với giá 119 triệu đồng, bán ra 121 triệu đồng. Công ty Phú Quý mua vào 118,3 triệu đồng, bán ra 121 triệu đồng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn 4 số 9 tăng từ 200.000 – 500.000 đồng mỗi lượng. Công ty SJC mua vào 114,5 triệu đồng, bán ra 117,1 triệu đồng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 115,7 triệu đồng, bán ra 118,7 triệu đồng. Công ty Phú Quý mua vào 114,7 triệu đồng, bán ra 117,7 triệu đồng. Tập đoàn Doji mua vào 115,5 triệu đồng, bán ra 118,5 triệu đồng… Chênh lệch giá mua và bán vàng miếng SJC ở mức 2 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn lên đến 2,5 – 3 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng lặng sóng trước ngày sửa Nghị định 24- Ảnh 1.

Giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới 15 triệu đồng/lượng

Ảnh: Ngọc Thắng

Trên các diễn đàn mua bán vàng, số lượng người rao bán nhiều hơn mua vào, giá cũng xấp xỉ như của các công ty. Vàng nhẫn Doji được rao bán với mức giá từ 115,5 – 115,6 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn Công ty SJC có giá 115,5 triệu đồng/lượng (cao hơn giá mua của Công ty SJC 1 triệu đồng nhưng thấp hơn giá bán 1,6 triệu đồng)…

Cùng chiều với vàng trong nước, giá kim loại quý thế giới tăng thêm 15 USD (tương đương mức đi lên 0,5% chỉ trong một ngày), lên 3.340 USD/ounce. Giá vàng thế giới hiện nay đang chịu tác động từ những thông tin thuế quan của Mỹ với các nước, quyết định về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cũng như những bất ổn địa chính trị tại các khu vực… Những thông tin này khiến giá USD trên thế giới biến động mạnh, tác động lên giá vàng.

Trong mấy tuần qua, giá vàng trong nước dao động quanh mức 119 – 121 triệu đồng/lượng. Lượng khách hàng đến Công ty SJC mua vàng đông hơn bán ra, có thời điểm khách phải xếp hàng chờ mua. Vì thế, việc bán vàng định mức đã quay lại, mỗi khách chỉ được mua 1 lượng vàng miếng; còn vàng nhẫn có khi 2 chỉ, nhưng có khi được mua 1 lượng. Tương tự, Công ty Bảo Tín Minh Châu hạn chế mỗi khách hàng chỉ được mua 1 chỉ vàng tròn Vàng Rồng Thăng Long, trong khi vàng miếng SJC không có hàng bán. Công ty không nhận đặt hàng trước qua online, thanh toán tiền bán vàng cho khách bằng tiền mặt. Khách hàng đến giao dịch tại công ty cần mang theo CCCD, hình ảnh CCCD, VNeID…

Phập phồng chờ tin

Từ sau khi dự thảo sửa đổi Nghị định 24 được đưa ra, gần 1 tháng trở lại đây, giá vàng trong nước tăng giảm chậm ở mức cao bất chấp sự tăng giảm mạnh của giá thế giới. Tốc độ tăng giảm của giá vàng trong nước chậm hơn thế giới nhưng vàng SJC vẫn đắt hơn 15,1 triệu đồng, vàng nhẫn đắt hơn từ 11 – 13 triệu đồng/lượng, tương đương từ 10,5 – 14%. Trong khi đó, mức chênh lệch giữa vàng trong nước cao và thế giới mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hồi tháng 5 là 1 – 2%. Như vậy, giá vàng trong nước phải giảm từ 9 – 12% so với mức giá hiện nay, tương đương khoảng 10 triệu đồng/lượng. Trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa đến thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 24, giới kinh doanh, đầu tư có tâm lý nghe ngóng, chờ đợi.

Thị trường vàng lặng sóng trước ngày sửa Nghị định 24- Ảnh 2.

Thị trường vàng trong nước thiếu nguyên liệu khiến giá đứng ở mức cao

Ảnh: Ngọc Thắng

Theo đánh giá từ NHNN, sau hơn 10 năm triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24, thị trường vàng diễn biến tương đối ổn định. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, bắt đầu bộc lộ một số vấn đề. Cụ thể, giá vàng miếng cao so với giá quốc tế tại nhiều thời điểm. Hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới diễn ra khá phổ biến, tác động đến tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá chính thức, từ đó ảnh hưởng bất lợi tới việc điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đã bộc lộ một số hạn chế như việc NHNN đã từng phải sử dụng ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối nhà nước để nhập khẩu vàng nhằm can thiệp, bình ổn thị trường khi cần thiết… Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, tổ chức tín dụng lợi dụng chức năng kinh doanh vàng để kinh doanh trái phép, hợp thức hóa vàng lậu/”vàng tặc”, trốn thuế, đầu cơ trục lợi… Nội dung sửa đổi Nghị định 24 lần này gồm xóa bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, phân tích: Giá vàng miếng SJC lập mức cao kỷ lục ở mức 124,4 triệu đồng/lượng hồi tháng 4. Thời điểm đó đã diễn ra tình trạng xếp hàng mua vàng. Nếu bán ra thời điểm này ở mức 119 triệu đồng/lượng thì lỗ từ 1 – 5,4 triệu đồng/lượng. Vì thế nhiều người vẫn giữ vàng không bán. Tuy nhiên, họ đang đối mặt với rủi ro tiếp theo, đó là việc sửa đổi Nghị định 24 theo hướng cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Trong trường hợp nhà nước can thiệp thị trường để rút ngắn mức chênh lệch thì lúc này khả năng giá vàng giảm mạnh. Chính vì vậy, thị trường vàng hiện nay đang chờ đợi những thông tin liên quan đến Nghị định 24. Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cũng đánh giá thị trường vàng hiện nay đang chờ những thông tin mới, còn nguồn cung trên thị trường vẫn chưa có gì thay đổi. Việc tăng cung chỉ có mấy biện pháp như bán vàng miếng SJC như năm 2024 và cho nhập khẩu vàng nguyên liệu. Còn một nguồn cung nguyên liệu khác là các công ty thu mua vàng trong dân về phân kim nhưng cách này tốn chi phí hơn và khối lượng cũng không cao. Chính vì vậy, giá vàng bất động trong thời gian qua dù giá thế giới có tăng giảm mạnh với biên độ từ 40 – 50 USD/ounce.

Theo tính toán của Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, vàng trang sức trung bình khoảng 50 tấn/năm, tương đương khoảng 5 tỉ USD/năm (khoảng 416 triệu USD/tháng). Sau khi đưa vào sản xuất, chế tác một nửa để đáp ứng nhu cầu trong nước, một nửa để xuất khẩu, tức 25 tấn để xuất khẩu vàng trang sức có thể thu về từ 3,5 – 4 tỉ USD. Như vậy khi doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu về để sản xuất, chế tác thì không những đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước mà còn xuất khẩu, tái tạo được nguồn ngoại tệ cho đất nước. “NHNN cân nhắc về cơ chế nên khuyến khích nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, vàng trang sức đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu, tái tạo ngoại tệ (trong đó có tới hơn 25% là giá trị sức lao động), không nên tạo cơ chế về hoạt động mang tính thương mại (nhập khẩu và xuất khẩu vàng miếng)”, Hiệp hội nhấn mạnh. 

Kiến nghị phân bổ hạn mức nhập vàng từ đầu năm

Hiệp hội Kinh doanh vàng VN đề nghị NHNN cấp hạn mức xuất nhập khẩu vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu hằng năm, phân bổ cho từng doanh nghiệp ngay từ quý 1 đầu năm theo nguyên tắc công khai, minh bạch; không phát sinh giấy phép con. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp chủ động lựa chọn thời điểm và khối lượng (trong hạn mức) để nhập khẩu hoặc xuất khẩu nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Doanh nghiệp thực hiện báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện hạn mức xuất nhập khẩu vàng với NHNN; việc điều chỉnh bổ sung hạn mức do NHNN xem xét, quyết định.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.