Hà Nội ưu tiên đầu tư cho chuyển đổi phương tiện giao thông xanh

Đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, trạm sạc xe điện trên địa bàn TP.Hà Nội hiện phân bổ không đều tại các quận, huyện cũ nhưng nguồn điện thì đáp ứng tốt nhu cầu sạc điện của người dân.

Thông tin nêu trên được đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) đưa ra ngày 16.7, tại buổi làm việc về triển khai chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội về chuyển đổi xanh phương tiện giao thông. Đại diện EVNHANOI cho biết, số trạm sạc xe điện đang phân bổ không đều tại các quận, huyện cũ.

EVNHANOI: Trạm sạc xe điện ở Hà Nội đang nơi thừa, nơi thiếu - Ảnh 1.

EVNHANOI cho biết, hiện tại nguồn điện đáp ứng tốt nhu cầu sạc điện của người dân

ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG

Cụ thể, Q.Bắc Từ Liêm 11 trạm, Q.Thanh Xuân 2 trạm, Q.Cầu Giấy 5 trạm, Q.Hoàng Mai 13 trạm, Q.Long Biên 21 trạm, Q.Hà Đông 9 trạm, TX.Sơn Tây 4 trạm, H.Chương Mỹ 16 trạm, H.Thạch Thất 7 trạm, H.Thường Tín 1 trạm, H.Ba Vì 16 trạm, H.Hoài Đức 7 trạm, H.Mỹ Đức 10 trạm, H.Phú Xuyên 4 trạm, H.Phúc Thọ 1 trạm, H.Quốc Oai 3 trạm, H.Thanh Oai 7 trạm, H.Ứng Hòa 2 trạm, H.Đông Anh có 13 trạm, H.Sóc Sơn 9 trạm, H.Mê Linh 11 trạm.

Đại diện EVNHANOI bày tỏ, với lộ trình chuyển đổi phương tiện đến năm 2030, thành phố cần có quy hoạch trạm sạc theo từng khu vực để việc điều phối điện được đảm bảo.

“Hiện nay, các trạm sạc trên địa bàn Hà Nội áp dụng theo giá điện kinh doanh trong 3 năm theo chỉ đạo của Thủ tướng. Thời điểm hiện tại, nguồn điện vẫn đáp ứng tốt nhu cầu sạc điện của người dân”, đại diện EVNHANOI cho biết thêm.

Tại cuộc họp, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đào Việt Long cho biết, đơn vị đang xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi; biện pháp hạn chế và điều tiết phương tiện gây ô nhiễm; chính sách phát triển và hỗ trợ hạ tầng năng lượng sạch… Tuy nhiên, việc triển khai gặp khó khăn về chi phí đầu tư cũng như hạ tầng trạm sạc, cơ chế tài chính cùng với tâm lý xã hội và thói quen tiêu dùng.

Riêng ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), thì kiến nghị TP.Hà Nội đẩy nhanh tiến độ ban hành đơn giá định mức cho xe điện. Cạnh đó cần có cơ chế hỗ trợ chính sách vay vốn và tiếp cận nguồn vốn vay trong việc chuyển đổi phương tiện xanh cho doanh nghiệp.

EVNHANOI: Trạm sạc xe điện ở Hà Nội đang nơi thừa, nơi thiếu - Ảnh 2.

Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại buổi làm việc

ẢNH: KHẮC HIẾU

Kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết việc phát triển, xây dựng trạm sạc cần được thống nhất có quy hoạch cụ thể, xây dựng theo nhu cầu thực tế. Ngoài ra, bên cạnh việc chuyển đổi xe buýt thì cũng cần khẩn trương chuyển đổi xe taxi và xe máy.

“Để thực hiện được mục tiêu, cần có lộ trình chi tiết, trước tiên cần thực hiện xây dựng hạ tầng, đặc biệt là trạm sạc phải đi trước một bước, phân nhóm sử dụng đất để triển khai… Ngân sách thành phố còn nhiều khó khăn, tuy nhiên Hà Nội luôn sẵn sàng ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực chuyển đổi phương tiện giao thông xanh”, ông Quyền khẳng định.

Theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng, từ ngày 1.7.2026, xe mô tô và xe gắn máy chạy xăng dầu sẽ không lưu thông trong khu vực Vành đai 1 Hà Nội. Từ ngày 1.1.2028, phạm vi hạn chế mở rộng sang Vành đai 2, bao gồm cấm xe máy và hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2030, lộ trình tiếp tục được mở rộng đến khu vực Vành đai 3.

Tính đến hết tháng 4.2024, Hà Nội có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó trên 1,1 triệu ô tô và hơn 6,9 triệu xe máy với gần 73% xe đã sử dụng trên 10 năm.

Riêng trong phạm vi Vành đai 1 có khoảng 450.000 xe máy chạy xăng dầu, TP.Hà Nội đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thu đổi cho người dân.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.