Bộ Công an kiến nghị bổ sung quy định về cơ chế can thiệp vào giá mua, bán vàng miếng khi cần thiết.
Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, Bộ Công an cho rằng dự thảo có quy định việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không đề cập cụ thể về cơ chế quản lý, biện pháp quản lý giá mua, giá bán vàng miếng (đặc biệt cần tính toán trường hợp có một thương hiệu mạnh chiếm thị phần lớn chủ chốt như SJC).

Bộ Công an đề xuất có quy định cơ chế can thiệp giá mua bán vàng miếng
ẢNH: NGỌC THẮNG
Do đó, Bộ Công an kiến nghị cần nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định về cơ chế quản lý, biện pháp quản lý giá mua bán vàng miếng để tạo hành lang pháp lý can thiệp, tránh tạo ra độc quyền và lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá. Cơ quan này kiến nghị bổ sung ba nội dung chính.
Thứ nhất, các đơn vị phải có quy định và giải trình được cơ chế thiết lập giá, thay đổi giá trong ngày; lưu trữ các chứng từ, tài liệu liên quan đến việc tạo giá và thay đổi giá (bao gồm dữ liệu thông tin điện tử).
Thứ hai, xây dựng cơ chế can thiệp của cơ quan quản lý vào thị trường vàng khi cần thiết (cơ chế can thiệp vào giá mua, bán; cơ chế can thiệp vào cung, cầu thị trường vàng miếng…).
Thứ ba, bổ sung quy định về biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán vàng miếng.
Giải trình đối với các kiến nghị trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết căn cứ theo luật Giá năm 2012 (sửa đổi năm 2023), vàng không phải là mặt hàng thiết yếu và không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá hoặc do nhà nước định giá. Giá mua, bán vàng do các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được phép kinh doanh vàng miếng quyết định trên cơ sở cung, cầu thị trường và quy định của pháp luật.
Về cơ chế can thiệp, Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 50/2014 ngày 20.5.2014 về quản lý dự trữ ngoại hối. Theo đó, căn cứ mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia và tình hình biến động tỷ giá và giá vàng trên thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế can thiệp thị trường trong nước trong từng thời kỳ. Như vậy, Nghị định 50/2014 đã quy định cơ chế Ngân hàng Nhà nước can thiệp vào thị trường vàng trong nước khi cần thiết (Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2014 (đã được sửa đổi, bổ sung) hướng dẫn thi hành Nghị định 50/2014 của Chính phủ).
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.