Gen Z nói 'đoàn mình di chuyển lên núi', 'cho xin số tài khoản'… nghĩa là gì?

Ở trên mạng xã hội, những câu như “cho xin số tài khoản”, “đoàn mình di chuyển lên núi”… xuất hiện rất nhiều. Nhưng không phải ai cũng hiểu ý nghĩa những câu đó là gì.

Để giảm nhẹ nỗi buồn, để chọc cười… cả thế giới

Trên Facebook, những câu “cho xin số tài khoản”, “đoàn mình di chuyển lên núi”… hiển hiện ở khắp các bình luận, hình ảnh. Với nhiều người, những tưởng các câu nói này vô nghĩa. Thế nhưng với người trẻ, đây là những cụm từ thuộc “từ điển gen Z”.

Hoàng Nhật Minh, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, kể: “Lên mạng, những câu như: cho mình xin số tài khoản, cái trán phát wifi luôn rồi”… dường như phủ sóng. Ban đầu mình đọc không thể hiểu được. Nhưng hóa ra đó là một cách chơi chữ của gen Z”.

Minh giải thích: “Thay vì nói “quê xệ”, “mắc cỡ quá” thì sẽ nói là “rồi đoàn mình di chuyển lên núi ở dùm em”. Những người trẻ khi được ai đó khen, thay vì cảm ơn, sẽ nói “cho xin số tài khoản”, nghĩa là chuyển khoản để thay lời tri ân. Còn “trán phát wifi”, có nghĩa là đang cau có, bực bội”.

 - Ảnh 1.

Câu “đoàn mình di chuyển lên núi” xuất hiện nhiều trên mạng xã hội

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Lê Đặng Hiền Trân, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho hay: “Gen Z đã và đang định hình một từ điển rất đời thường. Với sự sáng tạo cũng như hài hước, gen Z đã tạo ra “từ điển” khá thú vị”.

Trân cho hay, nếu có những người bạn giống nhau về tính cách, sở thích, sẽ không nói là “sao giống nhau quá vậy”, mà sẽ nói “tụi mình được sản xuất theo lô hả?”, thể hiện sự thân thiết. “Còn trong tình huống khi trang điểm, gương mặt đẹp hơn hoặc trở nên khác lạ so với mặt mộc, sẽ nói “không lo bị người khác phát hiện”, “ra đường dễ gì gặp người quen”, vì có gặp cũng sẽ không được nhận ra”, Trân kể.

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Thuận, chuyên gia truyền thông mạng xã hội (Trường CĐ Quốc tế Kent), nói: “Những câu mà gen Z đang sử dụng, lan truyền là cách đối thoại khá thú vị. Không quá lời nếu nói những ngôn ngữ gen Z này vừa tự trào vừa ẩn chứa kết nối cảm xúc. Nhờ vậy đã trở thành trend trên mạng xã hội”.

Ông Thuận nói: “Đặc điểm của “từ điển gen Z đời thường” không nằm ở nghĩa đen, mà ở khả năng ẩn dụ, dễ gây cười và có khả năng lan truyền mạnh mẽ”.

“Rồi đoàn mình di chuyển lên núi ở dùm em” là kiểu phản ứng trốn chạy đầy hài hước với sự xấu hổ, ngượng ngùng. Bản thân tôi rất thích cách nói này của gen Z. Khi dạy, tôi cũng thường áp dụng và sinh viên nghe cảm thấy thích thú”, ông Thuận cho hay.

 - Ảnh 2.

“Ngôn ngữ gen Z” ngày càng phong phú, đa dạng

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Theo chị Nguyễn Thị Anh Thi, Phó giám đốc kiêm người sáng tạo nội dung tại Công ty TNHH Skill Media, P.Phước Long, TP.HCM (trước đây là P.Phước Bình, TP.Thủ Đức, TP.HCM), những người trẻ không cần từ ngắn gọn, mà cần một câu đủ dài để chèn cảm xúc, chơi chữ, phản ứng. “Sự phủ sóng của những câu như: “Lên núi khỉ đuổi về, xuống biển cá đẩy lên” (có nghĩa là xấu hổ quá – PV), “giảm sức mạnh con tướng này giùm em” (có nghĩa là khen ai đó giỏi quá – PV)… cho thấy người trẻ ngày càng sáng tạo, khi dùng ngôn ngữ để kể chuyện, để thể hiện bản thân, để giảm nhẹ nỗi buồn, để… chọc cười cả thế giới”, chị Thi nói.

Vui thì vui, nhưng…

Chị Thi cho rằng những câu nói đang thịnh hành vừa kể có thể “vui miệng” nhưng cũng có khả năng trở thành rào cản giao tiếp. “Dù mang lại màu sắc tươi mới, ngôn ngữ kiểu “từ điển gen Z” này cũng không tránh khỏi một số hệ lụy nếu bị lạm dụng. Đó là có thể gây khó hiểu với người lớn tuổi. Nếu giao tiếp trong môi trường chuyên nghiệp sẽ bị đánh giá thiếu chuyên nghiệp”, chị Thi nói và nhấn mạnh: “Ngôn ngữ đùa vui giúp người trẻ giải tỏa căng thẳng, thể hiện bản thân. Nhưng nếu dùng sai lúc, sai nơi, sẽ dễ tạo ra hiểu nhầm hoặc rào cản giao tiếp đa thế hệ”.

Ông Thuận thì nói: “Những ai không theo kịp ngôn ngữ này sẽ có cảm giác bị… ra rìa. Đây là dạng giới hạn ngôn ngữ, tuy vô hình nhưng ảnh hưởng đến sự hòa nhập”.

 - Ảnh 3.

Có thể những câu này trên mạng xã hội, nhưng không nên sử dụng khi giao tiếp với người lớn, trong môi trường làm việc…

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Vậy làm sao để hiểu nhau giữa vô vàn câu “chế” như thế? Ông Thuận chia sẻ: “Với phụ huynh, người lớn, hay thầy cô, hãy hỏi nhẹ nhàng: “Câu này nghĩa là gì?” thay vì chê “tụi nhỏ nói kỳ cục quá”. Cần cập nhật theo dõi xu hướng qua TikTok, Threads, Facebook… để hiểu được ngữ cảnh chứ không cần thuộc lòng từ. Cần lắng nghe cách học sinh, sinh viên, người trẻ giải thích. Và những người trẻ sẽ rất vui khi thấy mình được hiểu”.

“Còn với gen Z, nên duy trì vốn ngôn ngữ cơ bản để đảm bảo kỹ năng học thuật, giao tiếp công việc. Cẩn thận với ngôn ngữ có sắc thái tiêu cực, dễ gây hiểu sai. Và chỉ nói những “từ điển gen Z” với bạn bè trong chừng mực”, ông Thuận nói thêm.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.