Trương Ngọc Ánh kể chuyện bị đạo diễn dọa đuổi về khi đóng 'Áo lụa Hà Đông'

Là khách mời trong hội thảo ‘Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước’, Trương Ngọc Ánh có những tiết lộ liên quan đến vai Dần trong ‘Áo lụa Hà Đông’.

Hội thảo Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước thuộc khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng diễn ra vào sáng 2.7, thu hút sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhà làm phim như đạo diễn Phi Tiến Sơn, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nghệ sĩ Hoàng Hải, NSND Lan Hương, diễn viên Hồng Ánh, diễn viên Trương Ngọc Ánh…

 - Ảnh 1.

Dàn nghệ sĩ chụp ảnh cùng Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Giám đốc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng

Ảnh: Thạch Anh

Ký ức của Trương Ngọc Ánh về ‘Áo lụa Hà Đông’

Trong dàn nghệ sĩ, Trương Ngọc Ánh từng gây ấn tượng bởi vai Dần phim Áo lụa Hà Đông. Tác phẩm từng làm nên tên tuổi của nữ diễn viên, song để có được màn hóa thân khơi gợi cảm xúc cho khán giả đó là hành trình nỗ lực không ngừng của cô và ê kíp. “Khi nhắc đến chiến tranh, người ta nghĩ đến bom đạn hay nghĩ đến những chiến công. Nhưng ẩn sâu trong đó là những mảnh đời. Tôi đã vào vai người phụ nữ trong thời chiến. Họ không chỉ là nhân chứng mà còn là nạn nhân, là người giữ lửa, giữ ký ức mà đến bây giờ khán giả vẫn còn nhớ”, cô chia sẻ.

Trương Ngọc Ánh cho biết Áo lụa Hà Đông kể về một gia đình nghèo miền Trung với khát khao giữ được tà áo dài. Trong tác phẩm này, nữ diễn viên được yêu cầu phải khắc họa hình ảnh người phụ nữ mộc mạc, kiên cường nhường nhịn. Trương Ngọc Ánh cho biết một nghịch lý ở Áo lụa Hà Đông là việc cô phải vào vai người mẹ có 4 đứa con gái, dù ngoài đời thời điểm đó, nữ diễn viên chưa từng có trải nghiệm này. Chính điều đó khiến sao nữ 7X không khỏi áp lực. “Tôi phải tìm tòi, học hỏi và trao đổi nhiều với đạo diễn, biên kịch và những người đi trước để được hướng dẫn, hiểu thêm kiến thức và nhập vai cho tốt”, cô tâm sự.

Trương Ngọc Ánh kể chuyện bị đạo diễn dọa đuổi về khi đóng 'Áo lụa Hà Đông' - Ảnh 1.

Trương Ngọc Ánh bồi hồi nhớ về vai diễn trong phim Áo lụa Hà Đông

Ảnh: Thạch Anh

Theo Trương Ngọc Ánh, đóng phim về đề tài chiến tranh không tránh khỏi áp lực. Cô kể trong Áo lụa Hà Đông có cảnh quay nhân vật Dần chạy đi tìm xác con, gây xúc động cho khán giả. Song để có được những thước phim “để đời” với Trương Ngọc Ánh là một trải nghiệm ám ảnh, khó quên. Cô lý giải: “Đạo diễn nói rằng tôi chỉ có một lần quay duy nhất vì khi đã nổ rồi thì không có lần thứ 2, nếu quay lại sẽ sai về bối cảnh. Đó là cảnh đắt giá của phim nên “nếu không đóng được thì bắt xe đò đi về”. Tôi mất ngủ mấy đêm. May mắn là phim thành công. Khi hóa thân vào nhân vật nào đó, tôi nghĩ đó là vai diễn cuối cùng nên phải cố gắng hết mình”.

Từ trải nghiệm của mình, Trương Ngọc Ánh lạc quan bày tỏ: “Tôi tin vào sức mạnh của điện ảnh, giúp hình ảnh người phụ nữ sau cuộc chiến không bị lãng quên. Khán giả nhớ đến câu chuyện qua những thước phim về chiến tranh. Trước đó, người ta sợ rằng phim chiến tranh khi làm sẽ khó. Nhưng gần đây, nhiều tác phẩm thành công, trong đó có Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Hy vọng rằng trong tương lai sẽ có sự phát triển hơn nữa về các phim thuộc đề tài này”.

Trương Ngọc Ánh kể chuyện bị đạo diễn dọa đuổi về khi đóng 'Áo lụa Hà Đông' - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Hồng Ánh có được nhiều trải nghiệm đáng nhớ khi đóng phim về đề tài chiến tranh

Ảnh: Thạch Anh

Cũng từng có những trải nghiệm đắt giá khi đóng phim về đề tài chiến tranh như Đồi cát, Người đàn bà mộng du… trong các buổi giao lưu, diễn viên Hồng Ánh từng nhận được nhiều thắc mắc về việc làm sao để hóa thân vào nhân vật khi bản thân chưa có trải nghiệm trong thời chiến. Theo nữ diễn viên, đó cũng là câu hỏi lớn mà cô tự đặt ra khi nhận được lời mời từ ê kíp.

“Với thế hệ nghệ sĩ trẻ, không nhất thiết mình phải sống trong thời chiến nhưng vẫn có cảm xúc rất thật với những điều mình chưa từng trải qua. Những ký ức đó đến từ câu chuyện mà tôi nghe kể từ người thân. Bằng sự nhạy cảm của người nghệ sĩ, bằng sự quan sát thấu hiểu, tôi mang cảm xúc đó vào tác phẩm. Tôi tin điều cuối cùng vẫn là câu chuyện về con người với khát khao, đấu tranh để mang lại hạnh phúc cho gia đình. Với tư cách là một khán giả, khi xem phim về chiến tranh, tôi mong muốn được tìm hiểu ý nghĩa vì sao thế hệ ông cha đã phải hy sinh nhiều đến thế. Từ đó tôi nhận được giá trị là tôi may mắn khi được sống trong thời kỳ hòa bình như hiện nay”, cô chia sẻ.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.