Duy Mạnh: Tôi là người đầu tiên ở Việt Nam viết bài hát về cờ bạc

Trong chương trình Storii-Tellers, ca sĩ Duy Mạnh có những chia sẻ về chặng đường sự nghiệp, đặc biệt là ca khúc ‘Kiếp đỏ đen’.

Trong talkshow Storii-Tellers, Duy Mạnh gây bất ngờ khi tiết lộ chuyện học nhảy và khẳng định con gái là động lực lớn nhất để anh không ngừng làm mới bản thân. Nam ca sĩ cũng bật mí chuyện từng không thích con gái nhuộm tóc hồng khi mới ra mắt nhưng sau đó đã hiểu cho việc tạo dấu ấn của Cầm nên ủng hộ. Theo giọng ca 7X, sự “quậy” xuất phát từ tâm hồn chứ không do cơ thể vật lý, nên có nhiều người lớn tuổi vẫn mang tâm hồn vô cùng trẻ trung.

Duy Mạnh: Tôi là người đầu tiên ở Việt Nam viết bài hát về cờ bạc- Ảnh 1.

Duy Mạnh và rapper Duy Khôi chia sẻ về chặng đường làm nghề trong chương trình Storii-Tellers

Ảnh: BTC

Duy Mạnh chia sẻ: “Tôi là người đầu tiên ở Việt Nam viết về cờ bạc. Sau này, tôi có bài đầu tiên trên thế giới là Tôi không sao kê đâu. Và gần đây, tôi viết bài hát về con chuột cắn xe”. 

Khi nói thêm về Kiếp đỏ đen, Duy Mạnh bật mí: “Chúng ta thường có câu “cờ gian bạc lận”. Nếu mình không biết điểm dừng, không biết thế nào là đủ thì mình sẽ phải trả giá. Điều tâm đắc nhất trong bài hát này là câu “Đời bạc gian lắm phũ phàng/Tiền có kiếm như nước rồi cũng sẽ trôi hết”, tức là khi bước vào cuộc chơi mà mình gian lận, sẽ có lúc mình phải trả giá”.

Mang những điều “đỏ đen” ấy trở lại vào năm 2024 với diện mạo hiện đại và cụ thể hơn, Duy Mạnh từng gây sốc khi đề cập đến bóng đá, cá độ, đá gà… “Mình là người nghệ sĩ, mình mang đến nhiều cái đẹp về nghệ thuật cho xã hội. Nhưng đôi khi mình sẽ phải lên án những vấn đề nhức nhối trong xã hội. Mình có quyền, mình không nên nói về cá nhân”, nam ca sĩ cho hay.

Duy Mạnh: Tôi là người đầu tiên ở Việt Nam viết bài hát về cờ bạc- Ảnh 2.

Duy Mạnh từng phản đối con gái nhuộm tóc hồng, biết ơn vì được làm bạn với… bạn của con

Ảnh: BTC

Với Duy Mạnh, âm nhạc không có “level”, còn những bậc tiền bối như anh chỉ đơn giản là người lớn tuổi và bảo thủ hơn. Như cách nhạc điện tử hiện nay vẫn bị đánh giá là thiếu chiều sâu, bài Kiếp đỏ đen trước đây cũng từng là “nhạc thị trường”. Duy Mạnh phân tích: “Âm nhạc điện tử sẽ khác với âm nhạc của tôi. Âm nhạc thời của tôi sẽ giống như kể chuyện, đọc thơ. Còn bây giờ, âm nhạc đòi hỏi hòa âm, cách trình diễn, thời trang, giúp mình biểu diễn hay hơn”.

Cũng trong chương trình, Duy Mạnh thừa nhận thành công của Tình em là đại dương từng khiến anh bối rối vì không kịp đón nhận danh vọng giữa thời đại nghệ sĩ phải chật vật tiếp cận khán giả qua trung tâm băng đĩa và chương trình truyền hình.

Chiêm nghiệm của Duy Mạnh

Cuối chương trình, khi nhận được câu hỏi “Muốn trở thành một hiện tượng, cơn địa chấn âm nhạc hay một dòng sông chảy bền bỉ?”, Duy Mạnh cho rằng nên tham vọng chọn cả ba – mục tiêu hướng tới của những nghệ sĩ yêu nghề và làm nghề nghiêm túc. Anh lý giải: “Thứ nhất, mình trở thành hiện tượng trước. Khán giả thích mình trước đã, sau đó mình sẽ trải nghiệm những va đập rồi làm ra một sản phẩm tạo thành cơn địa chấn khác. Sau khi đã có những trải nghiệm, mình bền bỉ, mình sống bằng nghề của mình”.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.