Xã Hồ Tràm – 'Thủ phủ' du lịch mới của TP.HCM

Xã Hồ Tràm, hình thành trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính xã Phước Tân, xã Phước Thuận và TT.Phước Bửu (H.Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu cũ) đã trở thành “thủ phủ” du lịch mới của TP.HCM.

“Thủ phủ” du lịch biển

Ông Huỳnh Phi Khánh, Chủ tịch UBND xã Hồ Tràm cho biết, sau khi sáp nhập, địa phương này có diện tích tự nhiên hơn 94 km², với dân số gần 52.000 người; trụ cột kinh tế chính là dịch vụ – du lịch chất lượng cao và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch.

Xã Hồ Tràm được xem là “thủ phủ” du lịch biển, với 41 dự án du lịch trên địa bàn hiện được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó có 12 dự án du lịch đã đưa vào hoạt động với diện tích khoảng 295ha; tổng mức đầu tư hơn 5.489 tỉ đồng và 4.230 triệu USD.

Xã Hồ Tràm - 'Thủ phủ' du lịch mới của TP.HCM - Ảnh 1.

Xã Hồ Tràm có khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu

ẢNH: NGUYỄN LONG

Ngoài ra, còn có 11 dự án đang triển khai xây dựng với diện tích hơn 93ha; tổng mức đầu tư dự kiến gần 6.000 tỉ đồng và 6,8 triệu USD. Ngoài ra, có 13 dự án đang rà soát thủ tục pháp lý với diện tích hơn 89ha; tổng mức đầu tư dự kiến hơn 516 tỉ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, có khoảng 3 triệu lượt khách đến tham quan, tắm biển và nghỉ dưỡng tại các khu, điểm tham quan du lịch và bãi tắm công cộng; trong đó khách quốc tế hơn 915.000 lượt. Doanh thu ước đạt hơn 3.340 tỉ đồng.

Hạ tầng giao thông: đòn bẩy phát triển du lịch

Ông Huỳnh Phi Khánh cho biết: “Hạ tầng giao thông được đánh giá là đòn bẩy quan trọng cho du lịch xã Hồ Tràm trong tương lai. Đặc biệt sân bay quốc tế Long Thành, khi đi vào vận hành sẽ tạo cơ hội cho vùng biển phía Nam tiếp cận với lượng khách dồi dào đặc biệt khách quốc tế, dự kiến lên đến 25 triệu lượt mỗi năm”.

Cao tốc đô thị Hồ Tràm – sân bay quốc tế Long Thành được khởi công, khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đối ngoại, giúp phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, dịch vụ theo hướng đẳng cấp quốc tế cho khu vực Hồ Tràm. “Việc đầu tư xây dựng mới tuyến đường cao tốc này sẽ mở ra không gian phát triển đô thị mới, dịch vụ, công nghiệp, góp phần thực hiện tốt quy hoạch du lịch quốc gia, phát huy tối đa lợi thế về tiềm năng kinh tế du lịch biển của xã Hồ Tràm cũng như các địa phương ven biển…”, ông Khánh cho biết thêm.

Xã Hồ Tràm - 'Thủ phủ' du lịch mới của TP.HCM - Ảnh 2.

Đường ven biển đi qua địa bàn xã Hồ Tràm

ẢNH: NGUYỄN LONG

Ngoài ra, dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành hoàn thành giúp kết nối khu vực Hồ Tràm với các tỉnh thuộc ĐBSCL, sẵn sàng đón luồng khách nội địa từ khu vực Tây Nam bộ.

Hiện nay, xã Hồ Tràm đã có hàng loạt tập đoàn bất động sản lớn như Charm Group, Novaland, Hưng Thịnh đầu tư dự án; trong đó dự án Grand Hồ Tràm, nơi nghỉ dưỡng tiên phong kết hợp với sân golf tại bãi biển.

Bên cạnh đó, xã Hồ Tràm còn có Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu rộng hơn 11.000 ha, một trong số ít những khu rừng nguyên sinh ven biển còn tương đối nguyên vẹn ở Việt Nam. Với khí hậu ấm áp quanh năm cùng nhiệt độ ổn định từ 25°C – 30°C, xã Hồ Tràm là lựa chọn lý tưởng cho du khách.

Tiếp tục phát triển du lịch

Ông Huỳnh Phi Khánh, Chủ tịch UBND xã Hồ Tràm cho biết thời gian tới, về phát triển di lịch, địa phương tiếp tục kêu gọi 5 khu đất để đầu tư với diện tích đất gần 183 ha, với tổng vốn dự kiến khoảng 8.712 tỉ đồng.

Xã Hồ Tràm - 'Thủ phủ' du lịch mới của TP.HCM - Ảnh 3.

Sân golf nằm trên địa bàn xã Hồ Tràm đẳng cấp quốc tế

ẢNH: NGUYỄN LONG

“Bên cạnh đó, chúng tôi còn xây dựng, công khai số điện thoại đường dây nóng; cơ chế tiếp nhận và xử lý phản hồi của khách du lịch tại khu du lịch, điểm du lịch qua đường dây nóng nhằm giải quyết kịp thời những phản ánh của du khách. Quảng bá hình ảnh du lịch địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giới thiệu các hình ảnh, điểm đến, sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch”, ông Khánh cho hay.

Kiểm tra hoạt động du lịch nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh tại các khách sạn, resort, các điểm tham quan, bãi tắm; yêu cầu các cơ sở có phương án bảo đảm an toàn cho du khách tắm biển tại các khu du lịch, đổi mới các loại hình dịch vụ du lịch, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch…

Phát triển hệ thống điểm đến đa dạng, đặc trưng. Khôi phục và nâng cấp điểm đến hiện có (di tích, danh thắng, bãi biển, khu bảo tồn…); khai thác điểm đến mới gắn với thiên nhiên, văn hóa bản địa, như làng nghề, nông trại, chợ quê, tuyến đi bộ, trải nghiệm nông thôn; phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch nông nghiệp; Gắn kết các điểm thành chuỗi – tuyến – cụm sản phẩm du lịch đặc thù.

Xã Hồ Tràm - 'Thủ phủ' du lịch mới của TP.HCM - Ảnh 4.

Một dự án BĐS ở xã Hồ Tràm

ẢNH: NGUYỄN LONG

Vận động các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia chương trình kích cầu du lịch; phối hợp với các xã Xuyên Mộc, xã Bình Châu để khảo sát các khu vực có tiềm năng để phát triển du lịch như Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu, công viên biển Hồ Tràm và công viên biển Bưng Riềng.

Ứng dụng chuyển đổi số và quản lý bền vững, số hóa thông tin điểm đến, xây dựng bản đồ số, app chỉ đường du lịch; Quản lý, giám sát chất lượng điểm đến và dịch vụ theo tiêu chuẩn; Khuyến khích mô hình du lịch xanh – sạch – thân thiện môi trường…

Theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13.6.2024 của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ khu vực Long Hải – Bình Châu sẽ trở thành khu du lịch quốc gia, trong đó khu vực Hồ Tràm là “thủ phủ” của khu du lịch quốc gia này. Khu vực phát triển du lịch Hồ Tràm có diện tích khoảng 824ha, dự báo nhu cầu phòng khách sạn đến năm 2030 khoảng 4.600 – 5.200 phòng và đến năm 2045 lên tới 10.500 – 15.000 phòng.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.