Hàng chục hộ dân tại P.Bồng Sơn và xã Hoài Ân (tỉnh Gia Lai) đang sống trong lo âu khi nhà cửa nứt toác, xuống cấp nghiêm trọng do ảnh hưởng từ quá trình thi công cao tốc Bắc – Nam, đoạn Hoài Nhơn – Quy Nhơn. Dù đã kiến nghị từ lâu, nhưng việc đền bù vẫn còn bỏ ngỏ.
Nhà cửa nứt nẻ, người dân bất an
Có mặt tại khu phố Lại Khánh Tây (P.Bồng Sơn, trước đây thuộc TX.Hoài Nhơn, Bình Định), PV Thanh Niên ghi nhận nhiều ngôi nhà nứt nẻ nghiêm trọng. Vết nứt kéo dài từ móng lên mái, nhiều chỗ bê tông rơi ra từng mảng. Một số nhà phải dùng cây gỗ chống đỡ trần vì sợ sập.

Tường nhà nứt toác, nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào khiến người dân lo lắng
ẢNH: CẨM ÁI
Cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn dài hơn 70 km, tổng vốn đầu tư hơn 12.400 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư. Dự án đi qua tỉnh Gia Lai (trước đây là Bình Định), được khởi công ngày 1.1.2023, dự kiến hoàn thành vào 30.9 theo tiến độ điều chỉnh. Dự án gồm 2 gói thầu: Gói 11XL do Tổng công ty xây dựng Trường Sơn thi công; gói 12XL do liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc, Tổng công ty xây dựng CTGT 8, Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh, Công ty CP 471 thi công.
Bà Phan Thị Âu (70 tuổi) lo lắng chỉ tay lên trần nhà đã được chống tạm: “Hồi mới thi công thì nhà vẫn bình thường. Nhưng từ lúc xe lu, xe tải, máy móc chạy rầm rầm thì tường bắt đầu nứt. Lúc đầu chỉ là vết nhỏ, giờ thì rạn toang hoác, có nơi rơi cả mảng bê tông. Mỗi ngày đều sống trong sợ hãi”. Cách đó không xa, nhà bà Nguyễn Thị Minh (57 tuổi) cũng chịu chung cảnh ngộ. Những vết nứt chạy dài từ nền lên tận mái. “Trước khi thi công, họ có tới kiểm tra, xác nhận nhà không bị nứt. Giờ thì nứt rõ ràng, luồn cả ngón tay qua được. Tôi báo rồi, họ tới coi nhưng không ai nói gì đến chuyện bồi thường. Mưa xuống thì dột, nước rỉ vào ổ điện, nguy hiểm lắm”, bà Minh chia sẻ.
Ngay cả những công trình mới cũng không tránh khỏi hư hại. Ông Nguyễn Minh Tèo (50 tuổi) bức xúc: “Nhà tôi mới xây được 4 năm mà giờ tường, hàng rào nứt hết. Hàng rào gạch mới mà giờ rụng từng viên”. Theo thống kê sơ bộ, có ít nhất 40 hộ dân tại P.Bồng Sơn và xã Hoài Ân bị ảnh hưởng bởi thi công tuyến cao tốc Bắc – Nam và tuyến ĐT630.
Ông Trương Nam Phong, Chủ tịch UBND P.Bồng Sơn, xác nhận có 28 hộ dân bị ảnh hưởng do thi công dự án. Sau phản ánh của người dân, địa phương đã phối hợp với Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Xây dựng) và đơn vị bảo hiểm đến từng hộ kiểm tra hiện trạng vết nứt. “Phường đã yêu cầu các khu phố theo dõi sát tình hình. Khi phát hiện có vết nứt mới, người dân cần báo cho tổ dân phố để tổng hợp và mời nhà thầu cùng bảo hiểm xuống kiểm tra, lập hồ sơ bồi thường”, ông Phong nói.
Ông Hoàng Anh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Hoài Ân, cũng cho biết đã kiểm tra và xử lý bước đầu đa số trường hợp, chỉ còn 2 hộ chưa thống nhất phương án hỗ trợ vì nằm ngoài phạm vi thi công. “Chúng tôi sẽ tổ chức đối thoại để làm rõ quyền lợi và trách nhiệm của các bên, không để người dân chịu thiệt”, ông Ngọc khẳng định.
Đơn vị thi công sẽ bồi thường thiệt hại
Ông Hồ Sỹ Biên, Phó giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 5 (Tổng công ty xây dựng Trường Sơn), đơn vị thi công gói thầu 11XL, cho biết đã phối hợp chủ đầu tư và bảo hiểm lập biên bản hiện trạng từng hộ dân trước thi công. “Sau khi nhận phản ánh, chúng tôi cùng bảo hiểm tiến hành xác minh, lập phương án bồi thường. Tuy nhiên, theo quy định, bảo hiểm chỉ chi trả một lần duy nhất. Người dân có hai lựa chọn: hoặc nhận bồi thường ngay, hoặc đợi đến khi công trình hoàn thành để được giám định thiệt hại và chi trả một lần”, ông Biên nói.
Ông Biên cũng cho rằng nếu bồi thường sớm khi công trình còn thi công thì sau này phát sinh thiệt hại mới sẽ gây khó khăn trong xử lý.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc Ban điều hành cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn (Ban Quản lý dự án 85), cho biết đơn vị đã nắm được các phản ánh và sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật. “Chúng tôi cam kết đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân bị ảnh hưởng. Tất cả hiện trạng đã được ghi nhận đầy đủ và sẽ được đối chiếu khi giám định. Sau khi dự án hoàn thành, việc bồi thường sẽ được triển khai dựa trên mức độ thiệt hại thực tế”, ông Hưng khẳng định.
Tuy nhiên, trong khi chờ phương án đền bù chính thức, người dân đang sống trong tâm trạng bất an. “Tôi sống trong căn nhà nứt toác hơn một năm rồi. Giờ mà mưa bão nữa thì không biết chuyện gì xảy ra. Chúng tôi chỉ mong được sửa lại nhà để sống an toàn thôi, đâu có đòi hỏi gì quá đáng”, bà Phan Thị Âu nói.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.