Đại biểu Quốc hội bất an trước tình trạng văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo khi không biết rõ đó là hàng giả nhưng có người biết rõ nhưng vẫn tham gia vì lợi nhuận.
Sáng 22.7, đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội làm việc với UBND TP.HCM về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống thuốc giả, thực phẩm giả. Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội làm trưởng đoàn.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội nhấn mạnh thực phẩm giả, thuốc giả không chỉ làm xói mòn lòng tin mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Dự kiến tháng 8.2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên giải trình về vấn đề này nên rất cần những giải pháp ngay và luôn và những giải pháp lâu dài.
Bà Cầm cho rằng cần quan tâm đến việc nâng cao nhận thức người dân và nhà sản xuất. Nhận thức người sản xuất muốn siêu lợi nhuận nên làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Giải pháp quan trọng là nâng cao nhận thức người tiêu dùng đến nhà sản xuất. “Khi người dân đã nhận thức được rồi thì có sản xuất hàng giả cũng không tiêu thụ được”, bà Cầm nhận định.
Đại biểu Cầm cũng đề nghị cần làm rõ nhận định “sự phối hợp thiếu đồng bộ” cụ thể là gì, cũng như công tác trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng. Khi tổ chức chính quyền 2 cấp thì cần hoàn thiện như thế nào, cần kiến nghị ngay để có thể hoàn thiện.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM lo ngại tình trạng văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng không đảm bảo yêu cầu
ẢNH: SỸ ĐÔNG
Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đặt vấn đề vai trò quản lý địa bàn trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sẽ ra sao.
Bên cạnh đó, bà Phúc lo ngại trước tình trạng văn nghệ sĩ, người có sức ảnh hưởng tham gia quảng cáo trên mạng xã hội không đảm bảo yêu cầu. Có người tham gia quảng cáo không rõ đó là hàng giả nhưng có người biết rõ nhưng vẫn tham gia vì lợi nhuận.
“Vậy Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM có định hướng gì để họ nhận thức rằng nếu vi phạm vì lợi nhuận, do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin thì bị xử lý như thế nào”, bà Phúc đề nghị.
Riêng kinh doanh trên nền tảng số, bà Phúc cho biết hoạt động này mang tính toàn cầu, Bộ Công an tích cực triệt phá thời gian qua nhưng vẫn có những việc ngoài tầm với. Bà Phúc đặt câu hỏi với Công an TP.HCM rằng các quy định hiện hành đã đủ để tạo điều kiện cho lực lượng công an ngăn chặn, triệt phá việc mua bán thuốc giả hay chưa?
Cũng liên quan đến việc quảng cáo, bà Trịnh Thị Diệu Thường, Phó cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) nêu thực trạng nhiều dược sĩ, bác sĩ trực tiếp tham gia quảng cáo, bán thuốc khá nhiều, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng cần tập huấn kiến thức cho những người này.
Đề xuất mở phiên tòa lưu động với hành vi buôn bán thuốc giả
Giải đáp các câu hỏi mà đoàn khảo sát đặt ra, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết một cơ sở kinh doanh thuốc trước khi hoạt động phải được Sở Y tế thẩm định, cấp phép.
Tuy nhiên, ông Nam băn khoăn trước thực trạng dược sĩ nộp hồ sơ cấp phép hoạt động kinh doanh nhà thuốc ở nhiều tỉnh, thành phố nhưng hiện nay chưa có dữ liệu để rà soát.
“Có những dược sĩ ở tỉnh thành khác mở nhà thuốc ở TP.HCM, nhưng khi kiểm tra thì không có mặt mà chỉ dược sĩ phụ trách chuyên môn”, ông Nam nói, và cho biết luật cho phép ủy quyền dược sĩ khác trong vòng 1 tháng. Phó giám đốc Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế sớm xây dựng có phần mềm liên thông để biết dược sĩ mở nhà thuốc, chứng chỉ hành nghề trên toàn quốc.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát biểu
ẢNH: SỸ ĐÔNG
Trước câu hỏi kiểm tra nhà thuốc khi tổ chức chính quyền 2 cấp có gặp khó khăn gì không, ông Nam cho biết Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM có chủ trương cho phép thành lập phòng kiểm tra – pháp chế ở các sở nên hoạt động kiểm tra vẫn tổ chức bình thường như trước đây.
Đối với cấp xã, hiện cơ cấu UBND cấp xã có Phòng Văn hóa – xã hội thực hiện chức năng kiểm tra địa bàn.
Về truyền thông, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết các hoạt động kiểm tra, xử lý được báo đài thông tin kịp thời, nhưng thông tin các vụ xét xử tội phạm sản xuất, mua bán thuốc giả lại không nhiều. Do vậy, ông Nam đề xuất tổ chức các phiên xét xử lưu động, công khai, có thể tổ chức ở chợ thuốc quận 10 (cũ) để các tiểu thương thấy.

Đại diện Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM giải đáp câu hỏi về xử lý văn nghệ sĩ quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng
ẢNH: SỸ ĐÔNG
Liên quan đến hoạt động quảng cáo, đại diện Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM cho biết hiện chưa có quy định riêng về hoạt động quảng cáo của văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, với góc độ là công dân thì phải tuân thủ luật quảng cáo, tức là quảng cáo phải đúng sự thật.
Tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thông qua sửa đổi, bổ sung luật Quảng cáo, có hiệu lực từ 1.2026, trong đó quy định người có sức ảnh hưởng (bao gồm văn nghệ sĩ) nếu chưa sử dụng, chưa hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ thì không được phép quảng cáo. Do đó, Sở Văn hóa – Thể thao kiến nghị Chính phủ và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch sớm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn để địa phương áp dụng.
Ngoài ra, Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM cũng cho biết sẽ đẩy mạnh tuyên truyền văn nghệ sĩ thông qua các đoàn, hội, câu lạc bộ để họ tham gia quảng cáo cho đúng.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.