Kháng nghị thay đổi án 9/13 bị cáo đường dây chuyển hơn 5.700 tỉ đồng ra nước ngoài

Trong vụ án mua bán hóa đơn và vận chuyển tiền trái phép xuyên biên giới gây thất thu ngân sách hàng nghìn tỉ đồng, Viện kiểm sát kháng nghị tăng hình phạt, và không áp dụng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ đối với 9/13 bị cáo.

Vận chuyển trái phép hơn 246 triệu USD qua biên giới

Viện trưởng Viện Công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại TP.HCM (gọi tắt Viện phúc thẩm 3, Viện KSND tối cao) vừa ký quyết định kháng nghị phúc thẩm, tăng nặng hình phạt, không áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số bị cáo trong vụ án mua bán hóa đơn khống trị giá hơn 15.000 tỉ đồng, vận chuyển trái phép hơn 5.700 tỉ đồng qua biên giới xảy ra trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Ngày 23.6.2025, TAND tỉnh Tây Ninh đã xét xử sơ thẩm vụ án “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, và “mua bán trái phép hóa đơn”, liên quan đến 13 bị cáo do Nguyễn Phi Hùng và Nguyễn Văn Quân cầm đầu. Đường dây này được phát hiện sử dụng hàng loạt pháp nhân để phát hành hóa đơn khống, làm thủ tục hải quan giả, và vận chuyển một lượng lớn ngoại tệ ra nước ngoài.

 - Ảnh 1.

Minh họa: DAD

Cụ thể, từ năm 2019 đến ngày 31.12.2023, Hùng và Quân chủ mưu mua giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Campuchia (giấy C/O) về Việt Nam để được hưởng thuế suất ưu đãi đối với hàng nông sản là 0%; đồng thời thuê một số bị cáo mở tờ khai hải quan, thành lập các công ty nhập khẩu nông sản, mua bán trái phép hóa đơn lòng vòng. Sau đó, Hùng và Quân tiếp tục mua bán sử dụng các tờ khai hải quan đã thông quan để vận chuyển tiền tệ (USD) trái phép từ Việt Nam sang Campuchia hưởng lợi.

Tổng cộng, các bị cáo đã vận chuyển trái phép hơn 246 triệu USD (tương đương hơn 5.700 tỉ đồng) sang Campuchia, thông qua hệ thống 12 công ty được thành lập để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu hàng nông sản, nhưng thực chất là để rút tiền mặt và chuyển ngoại tệ trái phép.

HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Hùng 8 năm tù, và phạt bổ sung 100 triệu đồng. Bị cáo Quân bị phạt 1 tỉ đồng tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, 11 tháng 9 ngày tù (đã chấp hành xong) tội mua bán trái phép hóa đơn. Đáng chú ý, nhiều bị cáo khác trong vụ án đều được tuyên phạt tiền, và cải tạo không giam giữ.

Ngay sau khi bản án được tuyên, ngày 7.7, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã có quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với một phần bản án hình sự sơ thẩm, tăng nặng hình phạt đối với Hùng và Quân.

Không cho phạt tiền, cải tạo không giam giữ

Bên cạnh đó, ngày 17.7, Viện trưởng Viện phúc thẩm 3 Viện KSND tối cao cũng kháng nghị, đề nghị tăng hình phạt tù với 3 bị cáo Trần Hiếu Quang, Đỗ Như Diễn, Nguyễn Thanh Hiền; không áp dụng hình phạt tiền với 3 bị cáo Nguyễn Tiến Hùng, Phạm Văn Sương, Nguyễn Ngọc Châu; không áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ với bị cáo Võ Thị Thu Hồng.

Viện phúc thẩm 3 đánh giá việc chỉ áp dụng hình phạt tiền với các bị cáo Nguyễn Tiến Hùng, Phạm Văn Sương, Nguyễn Ngọc Châu là không tương xứng với vai trò và hậu quả từ hành vi phạm tội.

Nguyễn Tiến Hùng được xác định đã trực tiếp mở tờ khai hải quan để giúp đường dây chuyển hơn 234 triệu USD ra nước ngoài. Tuy nhiên, bị cáo chỉ bị xử phạt 1 tỉ đồng thay vì bị tuyên án tù giam. Bị cáo Sương cũng giúp chuyển gần 300.000 USD, hưởng lợi 60 triệu đồng, nhưng cũng chỉ bị phạt tiền.

Theo Viện phúc thẩm 3, các bị cáo này không chỉ là người giúp sức đơn lẻ, mà còn tham gia có tổ chức, liên tục trong thời gian dài. Hành vi của các bị cáo góp phần làm trôi dòng tiền bất hợp pháp ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Việc chỉ xử phạt tiền không đủ để răn đe tội phạm, không phản ánh đúng tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi.

Mặt khác, theo quy định tại điều 35 bộ luật Hình sự, hình phạt tiền chỉ nên được áp dụng trong các trường hợp hành vi có tính chất ít nghiêm trọng, thiệt hại thấp, hoặc người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ đặc biệt. Trong khi đó, Nguyễn Tiến Hùng và Phạm Văn Sương đều có hành vi tiếp tay cho tổ chức tội phạm hoạt động xuyên biên giới, mang tính chuyên nghiệp.

Tương tự, việc áp dụng cải tạo không giam giữ với bị cáo như Võ Thị Thu Hồng là không tương xứng. Bởi bị cáo này đều thành lập hoặc sử dụng pháp nhân để phát hành hóa đơn giá trị gia tăng khống, hợp thức hóa các giao dịch giả nhằm giúp nhóm chủ mưu vận chuyển tiền ra nước ngoài. Bị cáo Hồng sử dụng Công ty Hồng Thiên Phát phát hành 13 hóa đơn khống trị giá hơn 446 tỉ đồng, hưởng lợi 500 triệu đồng; hành vi của bị cáo diễn ra có hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, với mục đích trốn thuế, rút tiền bất hợp pháp và tiếp tay cho hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài. Việc tuyên xử bị cáo hình phạt cải tạo không giam giữ sẽ tạo tiền lệ xấu, không bảo đảm tính công bằng và nghiêm minh trong xử lý tội phạm kinh tế.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.