Vấn đề đặt ra hiện nay là khi các dòng sông tắt nghẽn thì rất nhiều giải pháp xử lý lục bình được bàn đến mà chưa có nhiều công trình đào sâu tìm hiểu lục bình có công dụng gì với đời sống con người, và lý giải tại sao ngày nay lan nhanh như một thứ ‘giặc’ gây phiền phức.
Trên internet hiện tồn tại nhiều thông tin liên quan đến lục bình, nhưng phần nhiều là thông tin cũ. Đáng chú ý, có những tài liệu trước đây các nguồn chính thống đăng tải giúp nhiều người biết và coi lục bình như một dược liệu quý tốt cho sức khỏe nên ở nhiều địa phương người dân đã tin dùng làm món ăn bài thuốc.
Tuy nhiên trong tình hình môi trường nước ô nhiễm ở nhiều địa phương, việc nghiên cứu thêm cũng cần được bàn đến để có câu trả lời thỏa đáng cho cộng đồng.
Xanh tốt nhờ… ô nhiễm?
Có nhiều thông tin về lục bình nhưng bài đăng trên website của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) năm 2023 rất đáng lưu ý vì cho thấy sự xanh tốt của lục bình liên quan mật thiết đến môi trường sống của con người. Nghịch lý là trong lúc phù sa cạn kiệt, vật nuôi cây trồng miền Tây ngày càng lệ thuộc nhiều vào dinh dưỡng bổ sung thì lục bình lại vươn lên xanh tốt mạnh mẽ và gây phiền phức.Ai lớn lên ở miền Tây cũng đều biết lục bình

Ai lớn lên ở miền Tây cũng đều biết lục bình
ẢNH: THANH QUÂN
Ai lớn lên ở miền Tây cũng đều biết lục bình. Tuy nhiên điều ít được biết đến là tài liệu nghiên cứu trước đây đã nhắc nhở trong quá trình sử dụng lục bình để chế biến món ăn hoặc làm thuốc chữa bệnh, cần hết sức lưu ý vì lục bình ở dạng tự nhiên có khả năng hấp thu kim loại nặng như thủy ngân, chì hoặc strontium. Vì thế, chúng thường được sử dụng để khử trừ ô nhiễm môi trường.
Khi hỏi thủy ngân độc hại như thế nào? Các bác sĩ đều trả lời thứ kim loại nặng ấy chủ yếu tấn công hệ thần kinh trung ương và ngoại biên. Hàng loạt triệu chứng phá hủy sức khỏe bình thường của con người như đau đầu, rối loạn chức năng nhận thức, mất ngủ, suy giảm trí nhớ… đều có thể có nguyên nhân từ việc tích lũy lâu dài thứ kim loại nặng khó đào thải ấy trong cơ thể.
Tương tự, khi nhiễm chì, cơ thể cũng không thể mạnh khỏe tự nhiên nữa. Chì gây tổn thương tế bào, giết chết tế bào thần kinh đồng thời ức chế tổng hợp hồng cầu kéo dài gây ra thiếu máu.

Công ty cổ phần nghiên cứu – bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười đặt mua 300 bánh lục bình làm phân bón thay thế phân rơm
ẢNH: V.K
Có thể nói, trên tổng thể các bệnh được coi là mạn tính mà con người ngày nay thường phải mang gánh và được bệnh viện chỉ định “uống thuốc suốt đời” đều có thể có nguyên nhân sâu xa từ tác hại của chì.
Chì làm giảm thải trừ axit uric qua nước tiểu gây ra bệnh gout. Chì gây tăng huyết áp do làm tăng co bóp thành mạc, làm giảm khả năng sinh sản ở cả nam và nữ giới; suy giảm chức năng tuyến giáp, chức năng nội tiết tuyến yên, tuyến thượng thận…
Trong khi đó, strontium dù là nguyên tố hóa học có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của xương, nhưng cũng được cảnh báo gây hại nếu tích tụ nhiều hoặc tiếp xúc trực tiếp trong môi trường công nghiệp. Cụ thể là hại gan, tim, thận.
Cảnh báo nguồn nước hay tìm diệt lục bình?
Những ngày gần đây, ai cũng biết chuyện sầu riêng Việt Nam đang yên đang lành thì bị phát hiện hàm lượng cadimi vượt chuẩn cho phép và bị các nhà nhập khẩu trả về hàng loạt.
Thực ra mọi chuyện đã bắt đầu từ tháng 3 năm ngoái, khi hải quan Trung Quốc chặn lại và yêu cầu điều tra nguyên nhân 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam nhiễm cadimi vượt ngưỡng cho phép.
Theo các chuyên gia, đó là một kim loại nặng có trong photpho và có thể không được loại bỏ trong quy trình sản xuất phân lân cũng như các loại phân có nguồn gốc photpho. Cây sầu riêng xanh tốt, trĩu quả nhờ các loại phân ấy và có thể cũng vô tình hấp thu luôn chất độc vào trái.

Kiểm tra trọng lượng bánh lục bình do thiết bị tự cuốn
ẢNH: V.K
Quay lại vấn đề của lục bình, dân gian xưa nay đều xem đây là vốn quý môi trường tự nhiên đem lại, “từ rau cho gia súc đến vị thuốc nhiều công dụng”. Tài liệu khoa học cũng cho biết, hoa lục bình đã được nghiên cứu và sử dụng trong các bài thuốc chữa bệnh viêm tinh hoàn, viêm hạch bạch huyết, viêm khớp ngón tay, chín mé… bởi tác dụng lợi niệu, sơ phong, giải độc, chữa sưng tấy…
Ngoài ra, hoa lục bình còn có thể giúp an thần. Thân và lá lục bình có tính mát, không độc, vị ngọt và hơi cay. Thường được tận dụng để tiêu viêm, chữa ung nhọt, giảm sưng và giải độc. Khi được kết hợp với các phương thuốc khác có thể hỗ trợ chữa hạch cổ tràng nhạc.
Ngoài hoa, lá và thân, quả lục bình còn được sử dụng trong điều trị giun sán đường ruột ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Bổ sung dược liệu này vào bài thuốc dùng cho trẻ giúp cải thiện tình trạng gầy còm…
Còn một bài đăng từ cổng internet khác thì cho biết lục bình có tên gọi nữa là bèo Nhật Bản, “thuộc họ bèo tây, tên khoa học là Eichhornia crassipes solms”, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được du nhập vào Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20 và gắn liền với đời sống con người.
Cũng có tài liệu hướng dẫn rõ bộ phận của lục bình có thể dùng cho đời sống là lá, hoa và thân. Hoa thì thu hoạch mùa hè, còn lá và thân có thể thu hái quanh năm. Hoa thường dùng tươi còn lá và thân thì rửa sạch phơi khô, “bảo quản nơi khô ráo”.
Đặc biệt, thành phần hóa học của lục bình ngoài 92,3% là nước thì còn có 1,4% xenlulose; 0,3% lipid; 0,8% protein; 5,08% dẫn xuất không protein và 1,4% khoáng toàn phần. Hoa lục bình có tính mát và vị nhạt. Thân và lá thì tính mát, vị ngọt và hơi cay, không chứa độc…
Điều đáng nói, thông tin về lục bình giờ đây cũng giống như… loạn, thậm chí kênh thông tin điện tử của Bác Hóa Xanh cũng nói về “nét đẹp dân dã miền quê” này. Và không chỉ đông y mà tây y cũng cho rằng lục bình là dược liệu quý.
Do vậy rất cần những nghiên cứu mới, nhất là khi nguồn nước sông rạch miền Tây có dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng độc hại.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.