USD chịu nhiều áp lực tăng giá bất chấp lãi suất tiền đồng ở mức cao cũng như nguồn ngoại tệ dồi dào.
USD và nhiều ngoại tệ đồng loạt tăng
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố liên tục tăng cao và đã lập kỷ lục mới trong tuần qua. Vào cuối tuần, tỷ giá trung tâm ở mức đỉnh 25.185 đồng/USD, tăng 850 đồng so với cuối năm 2024, tương đương tăng 3,5%. Các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng tăng giá USD lên mức cao, Vietcombank mua vào 25.950 – 25.980 đồng, bán ra 26.340 đồng; ACB mua vào 25.950 – 25.980 đồng, bán ra 26.330 đồng… Giá USD của các NHTM hiện chỉ còn cách mức cao kỷ lục vài chục đồng. So với đầu năm, các NHTM đã tăng giá USD gần 800 đồng, tương đương 3%. USD trong nước tăng giá bất chấp đà đi xuống trên thị trường quốc tế. Chỉ số USD-Index cuối tuần qua giảm 0,2 điểm, xuống 98,46 điểm. So với đầu năm, chỉ số USD đã giảm 11,5 điểm, tương đương mất 12%.

Giá USD tăng dù lãi suất tiền đồng liên ngân hàng tăng cao
Ảnh: Ngọc Thắng
Ngoài ra, tiền đồng cũng mất giá liên tục so với các ngoại tệ khác. Tại Vietcombank, giá EUR tăng 14,5% so với đầu năm (hơn 3.900 đồng), mua vào lên 29.612 đồng, bán ra 31.173 đồng; bảng Anh tăng 9,7%, thêm 3.150 đồng, giá mua vào lên 34.203 – 34.548 đồng, bán ra 35.655 đồng; AUD tăng gần 8%, thêm gần 1.200 đồng, mua vào 16.576 – 16.743 đồng, bán ra 17.280 đồng; nhân dân tệ tăng 4,7%, thêm 156 đồng mua vào lên 3.551 đồng, bán ra 3.702 đồng; yên Nhật (JPY) tăng 8,6%, thêm 14,4 đồng, giá mua vào lên 169,72 – 171,43 đồng, bán ra 180,5 đồng…
Điều đáng nói, giá USD tăng bất chấp lượng ngoại tệ dồi dào đến từ thặng dư thương mại 7,63 tỉ USD, kiều hối chảy về nước gia tăng (riêng tại TP.HCM là trên 5,3 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm)… Thậm chí, cả khi lãi suất tiền đồng tăng hay NHNN bơm ròng tiền cũng không làm giá USD đi xuống. Cụ thể trong tuần qua, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng liên tục tăng cao, vượt mức 5%/năm ở các kỳ hạn ngắn – đây là mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Ngày 16.7, lãi suất qua đêm lên 5,09%/năm, 1 tuần 5,04%/năm, 2 tuần 5,05%/năm, cao hơn USD lên 0,2 – 0,4%/năm ở các kỳ hạn ngắn. Bên cạnh đó, ngày 18.7, nhà điều hành đã bơm ròng 26.315 tỉ đồng ra thị trường nhưng cũng không kìm được đà tăng giá của USD.
Trước đó, NHNN lý giải giá USD trong nước tăng là do dòng vốn ngoại liên tục rút ra trên thị trường chứng khoán từ năm 2024 đến nay. Thêm vào đó, chính sách thuế quan từ Mỹ sẽ có tác động đến nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) khi dòng vốn có sự chuyển dịch giữa các quốc gia. Điều này sẽ tác động lên tỷ giá và lãi suất.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, phân tích: Về nguyên tắc, khi lãi suất tiền đồng tăng cao thì giá USD hạ nhiệt. Thế nhưng thực tế cho thấy giá USD vẫn ở mức cao dù lãi suất tiền đồng cao, nhà điều hành liên tục bơm tiền ra, cán cân thương mại thặng dư, nguồn kiều hối vẫn đổ về tích cực. Vì thế, theo ông Hiếu, có một lý do giải thích cho tình trạng này là tâm lý găm giữ USD đang ở mức cao. “Câu chuyện thuế quan Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức khiến thị trường lo ngại. Một số nhà kinh doanh xuất khẩu đẩy hàng sang Mỹ trước khi có thông tin chính thức, điều này cũng có thể làm cho hàng nhập khẩu tăng lên, dẫn đến nhu cầu ngoại tệ tăng. Thêm một vấn đề khác đẩy tỷ giá ở mức cao là dự trữ ngoại hối phải đảm bảo 3 tháng nhập khẩu. Hiện 3 tháng nhập khẩu tương đương 105 tỉ USD, trong khi dự trữ chưa đến mức này”, TS Nguyễn Trí Hiếu giải thích thêm.

Tỷ giá trung tâm tăng lên cao kỷ lục
Ảnh: Chụp màn hình
Doanh nghiệp, cá nhân ngấm đòn tỷ giá
Tiền đồng mất giá so với USD và các ngoại tệ khác khiến các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hay người dân đi du lịch, du học, chữa bệnh… phải chịu chi phí tăng. Riêng các công ty có những khoản nợ lớn từ ngoại tệ bị tác động không ít từ những biến động tỷ giá. Đơn cử, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 là 22.239 tỉ đồng, tăng 2% so với năm trước. Thế nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 17% xuống còn 10.531 tỉ đồng, chủ yếu do khoản lỗ tỷ giá đồng yên (khoản vay ODA bằng đồng yên). Tỷ giá đồng yên so với VND từ đầu năm đã tăng từ 153 lên 173, dự kiến có thể tăng tiếp lên 185 vào cuối năm, khiến lỗ tỷ giá có thể lên tới 1.700 tỉ đồng trong năm 2025. Khoản lỗ lớn từ tỷ giá (yên Nhật tăng 13% so với đầu năm) đã kéo lùi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của ACV, ước lợi nhuận trước thuế 5.851 tỉ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Tương tự, Tổng công ty Phát điện 3 – EVNGENCO3 (PGV) hiện chưa công bố báo cáo tài chính quý 2 nhưng với khoản nợ vay bằng USD, nhân dân tệ và yên Nhật lên vài chục ngàn tỉ đồng thì áp lực tỷ giá lên kết quả hoạt động kinh doanh là rất lớn. Bởi trong năm 2024, lỗ chênh lệch tỷ giá của đơn vị này lên tới 1.347 tỉ đồng, là một trong những nguyên nhân khiến chi phí tài chính của công ty tăng cao, ghi nhận mức lỗ 876 tỉ đồng dù doanh thu khủng lên 40.691 tỉ đồng.
Đáng nói, nhiều công ty vẫn chưa có giải pháp phòng ngừa rủi ro ngoại hối. Theo khảo sát Quản trị rủi ro doanh nghiệp năm 2024 của HSBC, 47% nhà quản lý tài chính doanh nghiệp cho biết tổ chức của họ không sẵn sàng trước các rủi ro liên quan đến tỷ giá ngoại hối. Hơn 40% doanh nghiệp tham gia khảo sát bị giảm thu nhập do không phòng vệ rủi ro tỷ giá.
Ông Douglas Matheson, Giám đốc cấp cao Quản lý rủi ro tín dụng và tuân thủ, HSBC Việt Nam, thông tin khảo sát HSBC Global Trade Pulse mới công bố gần đây cho thấy: 80% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát đã phải đối mặt với tình trạng chi phí gia tăng. 75% dự đoán tình trạng này còn kéo dài trong trung hạn. Có 3 rủi ro mà doanh nghiệp cần lưu ý là rủi ro tín dụng đối tác trong thương mại, biến động ngoại tệ và quản trị cũng như kiểm soát nội bộ.
“Những biến động này không chỉ là con số trên lý thuyết. Nếu không có giải pháp phòng ngừa tự nhiên giữa các loại tiền tệ của doanh thu và chi phí hàng hóa, biến động tỷ giá có thể gây ra biến động mạnh và đột ngột về lợi nhuận. Với những công ty có biên lợi nhuận hẹp hoặc chu kỳ hợp đồng dài, những biến động như vậy có thể dẫn đến chênh lệch giữa lãi và lỗ”, ông Douglas Matheson nhấn mạnh.
Quản lý rủi ro biến động tỷ giá thường bị ngó lơ
Giải pháp để quản lý rủi ro biến động tỷ giá thì có sẵn từ lâu nhưng thường bị ngó lơ. Giao dịch ngoại tệ kỳ hạn, hợp đồng theo tỷ giá được xác định trong tương lai, là công cụ phòng ngừa rủi ro tiền tệ phổ biến nhất, ấn định tỷ giá tại thời điểm giao dịch mà không cần quan tâm đến điều khoản thanh toán. Điều quan trọng là giám đốc tài chính cần xem lại toàn bộ chiến lược tỷ giá của công ty. Trong trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”, các giải pháp phòng ngừa riêng lẻ thường tốn kém trong khi cần một chiến lược tỷ giá nghiêm túc tập trung vào ổn định biên lợi nhuận thay vì chạy theo dự báo của thị trường.
Ông Douglas Matheson (Giám đốc cấp cao Quản lý rủi ro tín dụng và tuân thủ, HSBC Việt Nam)
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.