5 hiểu lầm tai hại của tài mới về đèn chiếu sáng trên ô tô

Cho rằng đèn chiếu sáng ban ngày, đèn sương mù… có thể thay thế được đèn pha hay không cần phải điều chỉnh chùm sáng đèn pha dù xe chở nặng là những hiểu lầm tai hại của tài mới về đèn chiếu sáng trên ô tô, có thể gây mất an toàn khi sử dụng ô tô.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, hệ thống đèn chiếu sáng ô tô không ngừng được các nhà sản xuất phát triển, cải tiến ngày càng hiện đại hơn. đèn pha tự động bật/tắt giờ đây đang trở thành một trang bị tiêu chuẩn trên nhiều dòng xe, bên cạnh đó nhiều mẫu xe còn được trang bị công nghệ đèn LED, tích hợp thêm cụm đèn định vị, đèn sương mù và đèn xi-nhan cho hiệu ứng ánh sáng khá nổi bật.

5 Hiểu lầm tai hại về đèn chiếu sáng ô tô mà tài mới cần biết - Ảnh 1.

Hệ thống đèn chiếu sáng trên ô tô không ngừng được các nhà sản xuất phát triển, cải tiến ngày càng hiện đại hơn

Ảnh: B.H

Tuy nhiên, thực tế vẫn có không ít người dùng ô tô, đặc biệt là các tài mới vẫn có những hiểu lầm tai hai, dẫn đến sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng trên ô tô không đúng, gây mất an toàn cho chính bản thân cũng như những phương tiện khác cùng tham gia giao thông. Thậm chí nhiều trường hợp còn bị xử phạt do sử dụng sai đèn chiếu sáng trên ô tô.

Dưới đây là 5 hiểu lầm tai hại của các tài mới về đèn chiếu sáng trên ô tô:

Cho rằng đèn chiếu sáng ban ngày (DRL) có thể sử dụng thay cho đèn pha vào ban đêm

Hiện nay, có rất nhiều mẫu ô tô đời mới được trang bị đèn chiếu sáng ban ngày (Daytime Running Lights – DRL). Đây là loại đèn tự động bật khi xe khởi động, giúp tăng khả năng nhận diện xe trong điều kiện ban ngày, đặc biệt là khi trời có ánh sáng yếu hoặc trong các tình huống giao thông phức tạp. Đèn DRL thường có cường độ sáng vừa phải, không nhằm mục đích chiếu sáng đường như đèn pha. Tuy nhiên, thực tế có không ít tài mới khi sử dụng ô tô cho rằng, có thể sử dụng đèn DRL để thay cho đèn pha, dẫn đến việc quên bật đèn pha.

5 Hiểu lầm tai hại về đèn chiếu sáng ô tô mà tài mới cần biết - Ảnh 2.

Đèn DRL thường có cường độ sáng vừa phải, không nhằm mục đích chiếu sáng đường như đèn pha

Ảnh: B.H

Thực tế đèn DRL chỉ nhằm mục đích tăng khả năng hiển thị của xe bạn vào ban ngày. Chúng không cung cấp đủ độ sáng để chiếu sáng đường vào ban đêm. Điều quan trọng là trên một số mẫu xe đèn DRL thường chỉ bật ở phía trước, khiến phía sau xe khá tối, điều này đặc biệt nguy hiểm khi lái xe vào ban đêm vì những chiếc xe phía sau có thể không nhìn thấy xe của bạn, qua đó làm tăng nguy cơ va chạm từ phía sau. Do đó, ngay cả khi ô tô có sẵn hệ thống đèn chiếu sáng ban ngày (DRL) dùng công nghệ đèn LED khá sáng, tài xế nên chủ động bật đèn pha khi trời tối để đảm bảo an toàn.

Cho rằng đèn sương mù có thể được sử dụng thay cho đèn pha trong mọi tình huống

Bên cạnh đèn chiếu sáng ban ngày, một số tài mới cũng thường bật đèn sương mù phía trước, khi lái xe vào ban đêm đặc biệt là trong thành phố. Nhiều người còn để đèn sương mù bật liên tục ngay cả trong điều kiện thời tiết bình thường… Tuy nhiên, đây cũng là một sai lầm, bởi tương tự đèn DRL, đèn sương mù không thể sử dụng thay đèn pha.

5 Hiểu lầm tai hại về đèn chiếu sáng ô tô mà tài mới cần biết - Ảnh 3.

Đèn sương mù được thiết kế để cung cấp ánh sáng ở phạm vi gần và tỏa sáng theo góc rộng để hỗ trợ tầm nhìn khi tầm quan sát kém, chẳng hạn như mưa lớn, sương mù dày đặc

Ảnh: Otodetik

Đèn sương mù được thiết kế để cung cấp ánh sáng ở phạm vi gần và tỏa sáng theo góc rộng để hỗ trợ tầm nhìn khi tầm nhìn kém, chẳng hạn như mưa lớn, sương mù dày đặc hoặc khói dày đặc. Bật đèn sương mù trong điều kiện thời tiết bình thường, đặc biệt là vào ban đêm khi không có sương mù, sẽ khiến ánh sáng từ đèn gây chói mắt, tạo ra sự khó chịu cho người điều khiển phương tiện khác cùng tham gia giao thông.

Luôn nghĩ bật đèn pha (đèn chiếu xa) để có tầm nhìn rõ nhất

Lái ô tô vào ban đêm tầm nhìn thường bị hạn chế, do đó nhiều người lái ô tô thường bật đèn pha để chế độ đèn chiếu xa và để nguyên vì tin rằng ở chế độ này cho tầm nhìn rõ nhất. Thực tế đèn pha ở chế độ đèn chiếu xa mang lại góc nhìn rộng hơn khi lái xe vào ban đêm, nhất là khi đi qua những khu vực không có đèn đường, tuy nhiên nếu luôn bật đèn pha sẽ là sai lầm tai hại khi có xe ngược chiều hoặc lái xe phía sau xe khác. Bởi ở chế độ đèn chiếu xa, ánh sáng từ đèn pha sẽ làm chói mắt, gây khó chịu cho người điều khiển phương tiện khác cùng tham gia giao thông, khiến họ tạm thời không thể nhìn thấy đường, qua đó dễ dẫn đến tai nạn nghiêm trọng.

5 Hiểu lầm tai hại về đèn chiếu sáng ô tô mà tài mới cần biết - Ảnh 4.

Nếu luôn bật đèn pha sẽ là sai lầm tai hại khi có xe ngược chiều hoặc lái xe phía sau xe khác

Ảnh: B.H

Tùy vào điều kiện giao thông, người lái có thể bật đèn pha, tuy nhiên khi có xe khác đi vào tầm nhìn của bạn nên chuyển sang đèn cốt (đèn chiếu gần).

Luôn cho rằng đèn pha tự động hoạt động hoàn hảo 100%

Hầu hết các xe ô tô mới đều có đèn pha tự động bật, tắt theo điều kiện ánh sáng. Do đó, các tài mới thường tin tưởng vào nó và không bao giờ kiểm tra hoạt động của hệ thống đèn. Tuy nhiên, sự thật là đèn pha tự động rất tiện lợi, nhưng chúng không phải lúc nào cũng hoàn hảo 100%.

Đôi khi có những yếu tố có thể khiến cảm biến ánh sáng bị trục trặc, chẳng hạn như: Cảm biến bị bẩn hoặc bị che khuất do bụi, bùn hoặc tuyết… khiến hệ thống nhầm tưởng rằng có đủ ánh sáng. Bên cạnh đó, điều kiện ánh sáng phức tạp, chẳng hạn như lái xe ra khỏi đường hầm tối vào khu vực có ánh sáng mạnh hoặc thường xuyên đi qua những cây lớn, có thể khiến hệ thống mất thời gian để thích nghi.

5 Hiểu lầm tai hại về đèn chiếu sáng ô tô mà tài mới cần biết - Ảnh 5.

Khi ánh sáng môi trường thay đổi nhanh chóng, hệ thống đèn pha tự động có thể không kích hoạt ngay lập tức

Ảnh: B.H

Khi ánh sáng môi trường thay đổi nhanh chóng, hệ thống đèn pha tự động có thể không kích hoạt ngay lập tức… Do đó, nên chú ý kiểm tra bảng điều khiển để đảm bảo đèn pha hoạt động, đặc biệt là trong điều kiện ánh sáng yếu.

Không điều chỉnh chùm sáng của hệ thống đèn chiếu sáng ô tô cho phù hợp với tải trọng hoặc mục đích sử dụng

Hầu hết các dòng xe phổ thông hiện nay đều có nút điều chỉnh chùm sáng đèn pha. Nút này dạng đĩa xoay có biểu tượng đèn pha, được đánh số từ 0 – 3 (hoặc dấu +/-) và thường được bố trí trên bảng táp-lô, đặt bên trái trụ vô-lăng. Tuy nhiên, thực tế nhiều người dùng ô tô hiện nay thường không chú ý hoặc không biết cách sử dụng nút điều chỉnh chùm sáng đèn pha trên ô tô dẫn đến việc chùm sáng bị lệch, gây nguy hiểm cho các phương tiện khác khi tham gia giao thông.

5 Hiểu lầm tai hại về đèn chiếu sáng ô tô mà tài mới cần biết - Ảnh 6.

Nhiều người dùng ô tô hiện nay thường không chú ý hoặc không biết cách sử dụng nút điều chỉnh chùm sáng đèn pha trên ô tô dẫn đến việc chùm sáng bị lệch

Ảnh: B.H

Thông thường, khi chở ít người và không chở theo hàng hóa… ô tô sẽ cân bằng và chùm sáng đèn pha không bị lệch. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ô tô chở nhiều người hay chở theo nhiều hàng hóa, hành lý (đặc biệt với xe crossover/SUV 5 – 7 chỗ ngồi) sẽ khiến cho xe mất cân bằng, đuôi xe chùng xuống và phần đầu xe hướng lên cao. Lúc này, chùm sáng đèn pha sẽ bị lệch theo hướng đầu xe (chiếu lên cao) do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ trọng tải của xe. Khi tham gia giao thông, điều này có thể gây chói mắt cho người điều khiển phương tiện di chuyển ngược chiều.

Trong những trường hợp này, nút điều chỉnh chùm sáng đèn pha sẽ giúp người lái chỉnh lại chùm sáng đèn phù hợp với tầm nhìn và không làm ảnh hưởng đến các phương tiện khác. Qua đó góp phần đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.