Những con 'quái vật' trên bãi biển Mũi Né

Bờ biển Mũi Né chưa bao giờ ‘nhếch nhác’ như bây giờ. Biển xâm thực phá tan các bãi biển vốn rất đẹp. Và những con ‘quái vật’ được con người đưa xuống biển để chống xâm thực càng làm cho biển Mũi Né xấu đi.

P.Mũi Né ở đây chỉ là quãng bờ biển từ đầu P.Phú Hài, đến cuối P.Hàm Tiến (TP.Phan Thiết cũ, nay thuộc P.Mũi Né, tỉnh Lâm Đồng). Với chiều dài chỉ khoảng 7 km, khu vực này được coi là “hồn cốt” của Khu du lịch quốc gia Mũi Né với rất nhiều resort cao cấp, dày đặc ven mặt biển.

Thế nhưng, hiện nay, hiện tượng xâm thực biển ăn sâu vào bờ phá nát các bãi biển vốn là bãi tắm cho du khách và người dân địa phương. Có những vị trí nước biển lấn sâu vào phần đất của các resort hàng chục mét, giật sập cả những cây dừa già cỗi xuống biển; thậm chí cuốn phăng cả các công trình phụ xây sát biển. Không chỉ thiệt hại tài sản cho các nhà đầu tư, hiện tượng xâm thực đang làm cho Mũi Né nhếch nhác.

Những con 'quái vật' trên bãi biển Mũi Né- Ảnh 1.

Những túi kè mềm trên biển được làm để phá sóng, giữ bãi biển được ví như những con “quái vật” trên biển Mũi Né

ẢNH: QUẾ HÀ

Anh Phú, một nhân viên của resort SG (đường Nguyễn Đình Chiểu, P.Mũi Né) cho biết, chủ đầu tư của mình đã bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của xây kè bê tông giữ đất. Nhưng chỉ một năm sau, sóng ăn sâu vào bờ, đánh bay cả kè xuống biển. “Chủ đầu tư tốn khá nhiều công sức, tiền bạc, nhưng kè bê tông không hiệu quả. Bây giờ có tốn kém mấy cũng phải làm kè mềm tiếp để giữ bờ”, anh Phú kể.

Những con 'quái vật' trên bãi biển Mũi Né- Ảnh 2.

Kè mềm khắp nơi làm cho bãi biển Mũi Né “nhếch nhác” hơn bao giờ hết

ẢNH: QUẾ HÀ

Theo anh Phú, cũng giống như một số resort bên cạnh, chủ đầu tư cơ sở du lịch này đã đầu tư vài tỉ đồng để làm kè mềm nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại tài sản và tạo bãi biển. Tuy nhiên, việc làm kè mềm lại gây khó cho du khách khi tắm biển. Và chính nó góp phần làm cho bãi biển trở nên nhếch nhác và xấu đi trong mắt du khách.

Những con 'quái vật' trên bãi biển Mũi Né- Ảnh 3.

Nhiều cây cối, tài sản của các resort bên biển Mũi Né bị giật sập do nạn xâm thực của biển

ẢNH: QUẾ HÀ

Vừa không hiệu quả, vừa mất mỹ quan (?)

Bãi cát ven biển, dù là tài sản chung, nhưng từ lâu nó là “tài sản riêng” của cơ sở du lịch. Vì đặc thù ở Mũi Né là tất cả các resort đều nằm tiếp giáp phía biển. Do vậy, bãi biển, bờ biển là yếu tố quan trọng, quyết định để du khách được thụ hưởng những giá trị mà thiên nhiên ban tặng từ biển. Đây cũng chính là điều để du khách quyết định có quay trở lại nơi nghỉ dưỡng lần sau.

Những con 'quái vật' trên bãi biển Mũi Né- Ảnh 4.

Hiện tượng xâm thực biển ở Mũi Né lấy mất bãi tắm của người dân và du khách…

ẢNH: QUẾ HÀ

Chị An Trần, phụ trách chăm sóc khách hàng của resort Ana cho rằng, thời gian qua, rất nhiều du khách trả phòng sớm hơn, hoặc đến nơi thấy bãi biển không được đẹp như trong hình quảng cáo, họ không chỉ bỏ đi, mà còn để lại lời phàn nàn. “Cái này rất phiền lòng nhưng không biết làm sao để có được bãi cát như trước”, chị An Trần kể.

Đây chính là lý do để các chủ resort thi nhau làm kè cứng, kè mềm, cố giữ lấy bãi cát cho resort của mình.

Những con 'quái vật' trên bãi biển Mũi Né- Ảnh 5.

Doanh nghiệp du lịch bắt buộc phải tìm mọi cách chống đỡ với nạn xâm thực của biển cả

ẢNH : QUẾ HÀ

Có những vị trí, chủ reosrt đổ toàn đá hộc, đá tảng to đùng, hay bộ gác gờ (cục bê tông 3 chân, tetrapod) đổ thành vệt dài lấn ra biển nhằm phá sóng (gọi là kè mỏ hàn). Ở đoạn có nhiều resort thuộc trung tâm P.Hàm Tiến (cũ), nhiều chủ cơ sở nghỉ dưỡng làm những túi cát có đường kính rất lớn, thả từ bờ chạy xa ra biển (gọi là kè mềm).

Những con 'quái vật' trên bãi biển Mũi Né- Ảnh 6.

Kè mềm còn đỡ, ở vị trí này (thuộc P.Phú Hài cũ), doanh nghiệp còn bỏ đá hộc xuống biển làm mỏ hàn chống chọi với sóng biển

ẢNH : QUẾ HÀ

Mỗi bên có một túi cát như thế sẽ chắn được sóng xâm thực, tạo bãi cát. Tuy nhiên, nhìn từ trên bờ, các túi cát khủng như những con “quái vật” nằm vắt ngang trên biển, rất mất mỹ quan bờ biển.

Ông N.V.T, cán bộ hưu trí của Sở NN-PTNT Bình Thuận (cũ) kể, trước đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp UBND TP.Phan Thiết (Bình Thuận cũ) khảo sát, đánh giá tình trạng xâm thực khu vực này. Mục đích là để chọn phương án nào hiệu quả nhất vừa để bảo vệ bờ biển Mũi Né, vừa giữ được cảnh đẹp tự nhiên phục vụ du khách và người dân.

Những con 'quái vật' trên bãi biển Mũi Né- Ảnh 7.

Không chỉ làm kè mềm tiến thẳng ra biển, resort này còn làm cả kè mềm dọc theo bờ, làm cho du khách không có chỗ xuống biển

ẢNH: QUẾ HÀ

Mặt khác, theo các chuyên gia, dù là kè mềm, hay kè cứng, nếu không được triển khai đồng bộ thì giữ được bờ bãi chỗ này, sóng sẽ phá nát chỗ khác.

Và đây chính là nguyên nhân của nạn xâm thực biển ở Mũi Né hết năm này qua năm khác, không có cách làm nào hiệu quả.

Những con 'quái vật' trên bãi biển Mũi Né- Ảnh 8.

Có những chỗ không có kinh phí làm kè thì phải dùng đủ các loại vật liệu như ống bi để chống sạt lở

ẢNH: QUẾ HÀ

Không chỉ thiệt hại tài sản của nhà đầu tư, nạn xâm thực còn làm mất đi hình ảnh cảnh quan “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” vốn đẹp nên thơ ở Mũi Né.

Trả lời Thanh Niên, ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận, cho rằng các cơ quan quản lý, nhà khoa học cần khảo sát để đưa ra hướng xử lý đồng bộ, khoa học, nhằm giảm đến mức thấp nhất cho các nhà đầu tư du lịch, nhưng giữ được cảnh quan thiên nhiên là bờ cát trắng trải dài ven biển.

“Mũi Né bây giờ là cửa ngõ vươn ra biển lớn của tỉnh Lâm Đồng. Việc quy hoạch Mũi Né cũng phải mang tầm quốc gia, để không chỉ cho Lâm Đồng phát triển, mà còn kết nối cả vùng Tây nguyên với vùng Duyên hải Nam Trung bộ trong chiến lược thúc đẩy kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng”, ông Trần Văn Bình chia sẻ.

Những con 'quái vật' trên bãi biển Mũi Né- Ảnh 9.

Resort ngay sát biển nhưng du khách khó khăn lắm mới xuống được biển để vùng vẫy

ẢNH: QUẾ HÀ

Những con 'quái vật' trên bãi biển Mũi Né- Ảnh 10.

Khu vực này thì khách không thể tắm biển vì đá hộc, bê tông, vật liệu làm kè bị sóng đánh tan tành cuốn xuống biển

ẢNH: QUẾ HÀ

Những con 'quái vật' trên bãi biển Mũi Né- Ảnh 11.

Resort này đúc bê tông kiên cố chống xâm thực, chỉ mở lối nhỏ cho du khách xuống biển

ẢNH: QUẾ HÀ

Những con 'quái vật' trên bãi biển Mũi Né- Ảnh 12.

Du khách phải tắm biển bên những con “quái vật khổng lổ”

ẢNH: QUẾ HÀ

Những con 'quái vật' trên bãi biển Mũi Né- Ảnh 13.

Những công trình xây sát biển như thế này không biết sẽ bị sóng giật sập xuống biển khi nào nếu không có kè chắn sóng

ẢNH: QUẾ HÀ


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.