Trăm năm Chợ Chiều – Giếng Thí

Giữa một làng quê ven biển Quảng Ngãi, nơi sóng gió thấm vào đời sống bình dị, có một địa danh thân thương mà người dân gọi bằng tất cả niềm kính nhớ: Chợ Chiều – Giếng Thí.

Đó không chỉ là một khu chợ, một chiếc giếng, mà còn là ký ức thấm đẫm tình người, là dấu son của nghĩa đồng bào và tấm lòng nhân ái bao đời nay.

Nơi khởi đầu những điều tử tế

Về thôn Trung Sơn, xã Khánh Cường (Quảng Ngãi) trong một buổi chiều đầy gió, cụ Vũ Đăng Dung (73 tuổi), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phổ Khánh (nay là một phần của xã Khánh Cường), đón chúng tôi bên mái hiên cũ kỹ rợp bóng cây cổ thụ.

Giọng trầm ấm, cụ cẩn thận mở tập tư liệu đã ngả màu, lật từng trang viết tay như thể đang khơi lại từng lớp ký ức. “Chợ Chiều – Giếng Thí không chỉ là cái tên, mà là cả một thời của cha ông mình”, cụ nói, rồi đọc một đoạn bài phú do chính cụ viết, mở đầu bằng những dòng đầy hình ảnh: “Văn khẩu truyền rằng, mấy trăm năm trước/Cảnh Thượng xứ này, gò hoang rú rậm/Người Chăm, Hoa, Việt rải rác định cư/Khi chúa Nguyễn vào trong mở cõi/Theo thời gian người Việt tụ về/Thành lập họ Võ, Trần, Lê, Nguyễn/Phan, Mai, Hồ, Bùi, Phạm… định cư/Làng Chỉ Trung, tổng Phổ Vân nên danh từ ấy/Chợ nhóm chiều, tên gọi cũng từ đây…”.

Trăm năm Chợ Chiều - Giếng Thí - Ảnh 1.

Bia di tích vụ pháo kích Chợ Chiều – Giếng Thí

Ảnh: Trang Thy

Thuở ấy, cuộc sống người dân lam lũ, bữa no bữa đói. Ban sáng, họ lên núi hái thuốc, kiếm củi. Có người ra đầm An Khê hay vùng biển gần bờ giăng câu, thả lưới. Đến trưa về vội vã bữa cơm, rồi mang sản vật ra khu đất trống trong làng để trao đổi. Chợ nhóm từ xế chiều đến tận tối, nên thành tên Chợ Chiều.

Khi ấy, dân chưa có giếng, dùng nước suối nên dễ sinh bệnh. Một hôm, có vị mệnh phụ trên đường đi cầu tự ghé qua vùng, thấy dân khổ cực liền bỏ tiền thuê thợ đào giếng ngay giữa chợ. Dòng nước mát lành dâng trào từ đáy giếng khiến dân làng mừng rỡ. Họ gọi đó là “Giếng Thí”, chiếc giếng của sự bố thí, tấm lòng từ ái. Sau này, họ góp tiền xây miếu thờ người phụ nữ nhân đức ấy, cùng những bậc tiền hiền khai khẩn xóm làng. Tên gọi Chợ Chiều – Giếng Thí từ đó lưu truyền, như lời nhắc nhở về lòng nhân và nghĩa khí.

Trăm năm Chợ Chiều - Giếng Thí - Ảnh 2.

Tiểu thương buôn bán hải sản vào buổi chiều ở chợ mới

Ảnh: Trang Thy

Nơi ghi dấu lịch sử và tình người

Chợ Chiều – Giếng Thí không chỉ là nơi buôn bán, mà từng là trung tâm sinh hoạt cộng đồng trong những thời khắc lịch sử trọng đại. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nơi đây được chọn làm điểm dạy học trong phong trào Bình dân học vụ, rồi là điểm bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I vào đầu năm 1946.

Đặc biệt, nơi này từng là chốn dừng chân trong những ngày khói lửa. Sau thất bại của chiến dịch Át-lăng, quân Pháp bị bắt làm tù binh được dẫn qua đây. Thấy những người lính gầy gò, lả đi vì đói và mệt, dân làng, dù từng hứng chịu đau khổ bởi bom đạn, vẫn nhóm bếp, nấu khoai lang, củ mì mang đến chia sẻ. “Tù binh Pháp rưng rưng xúc động…”, cụ Dung kể chậm rãi, ánh mắt vẫn còn vương niềm xúc động như chính cụ từng chứng kiến.

Thế nhưng, 11 năm sau, Chợ Chiều chìm trong bi kịch. Chiều 13.8.1965 (ngày 17.7 âm lịch), đạn pháo đối phương từ đồn núi Dâu trút xuống khu chợ. Đó là buổi chợ đông người, ai cũng mải mua bán. Trận pháo kích đã khiến 27 người chết tại chỗ, phần lớn là phụ nữ và nhiều người khác bị thương.

Nỗi đau ấy khắc sâu vào ký ức dân làng. Hằng năm, vào sáng mùng 10 tháng 3 âm lịch, người dân Trung Sơn lại tụ họp về miếu thờ Chợ Chiều – Giếng Thí để làm lễ cúng tổ. Mỗi người một tay, người chuẩn bị mâm cỗ, người quét dọn gian thờ, người bày biện hương hoa. Họ lặng lẽ khấn nguyện, dâng nén nhang lòng để tưởng nhớ công ơn vua Hùng dựng nước, ghi ơn vị mệnh phụ đã bỏ tiền đào giếng và những bậc tiền nhân khai khẩn mảnh đất này từ thuở hoang sơ. Đến ngày 17 tháng 7 âm lịch, cũng tại nơi ấy, dân làng lại làm lễ siêu độ cho 27 người dân thiệt mạng trong vụ pháo kích năm 1965. Trong không gian tĩnh mịch, giữa bóng cây cổ thụ trăm năm, từng lời khấn vang lên như tiếng vọng từ quá khứ, đau đáu nhớ về một thời loạn lạc.

“Chính quyền đã di dời chợ sang nơi rộng rãi hơn, cách chợ cũ khoảng trăm mét về phía đông để tiện cho bà con buôn bán. Còn miếu thờ, bà con và con em xa quê đã góp tiền xây lại tại vị trí chợ cũ, để làm nơi hương khói, tưởng niệm. Nay, nơi này đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, một phần ký ức quê hương không thể phai mờ”, cụ Dung nói.

Trăm năm Chợ Chiều - Giếng Thí - Ảnh 3.

Khu vực Chợ Chiều – Giếng Thí xưa còn 4 cây cổ thụ (đa, si, bàng, thị) hàng trăm năm tuổi

Ảnh: Trang Thy

Nhịp sống quê nhà vang lên từ chợ chiều

Chiều xuống, chúng tôi theo bước bà Nguyễn Thị Mận ra chợ mới. Trên sạp nhỏ, những con cá vừa được đánh bắt từ biển bãi ngang vẫn còn ánh bạc. “Cá thửng, cá sòng, cá mó… tươi rói đó chú. Chồng tôi đi từ sáng sớm, trưa về là tôi kịp mang ra chợ bán buổi chiều”, bà nói, tay thoăn thoắt lật cá, sắp lại cho gọn.

Chợ chiều không lớn, nhưng lúc nào cũng đông vui. Người mua, kẻ bán tay bắt mặt mừng. Cá bán đến đâu, người mua gật gù đến đó. Bà Nguyễn Thị Thanh, một người bán cá khác, góp lời: “Cá ở vùng biển bãi ngang nấu gì cũng ngon. Cá thửng nấu canh chua với lá giang, kho hay làm chả đều đậm đà vị quê”.

Không chỉ có cá tôm, chợ còn bán rau củ trồng trên đất cát, thứ rau có vị thanh, giòn và thơm lạ. “Rau răm, cải con, mồng tơi… thứ nào cũng có. Người xa quê thích lắm, cứ nhắc hoài hương vị quê nhà”, bà Thanh kể.

Khách phương xa về thăm quê, hay người con xa xứ quay lại, thường ghé chợ chiều như tìm lại một phần ký ức. Họ mua mớ rau, ký cá, bó hành…, những thứ giản dị nhưng đong đầy cảm xúc. Nhiều người còn nhờ ướp đá gửi cho con cháu ở thành phố, để hương vị làng chài quê nhà theo chân những chuyến xe đêm, đi muôn nơi.

Trong khuôn viên chợ cũ, miếu thờ đơn sơ nhưng ấm cúng. Bia tưởng niệm vụ pháo kích năm 1965 lặng lẽ nằm dưới bóng cây cổ thụ. Những dòng khắc trên đá như lời nhắn gửi cho thế hệ sau, về một thời gian khó, về sự trân quý cuộc sống, về lòng nhân hậu giữa khói lửa bom đạn. Cụ Dung xúc động: “Tôi mong các thế hệ sau, dù đi đâu, làm gì, cũng nhớ đến nguồn cội. Nhớ rằng Chợ Chiều – Giếng Thí không chỉ là một địa danh, mà là một phần tâm hồn của người làng tôi”.

Chợ Chiều – Giếng Thí, nơi khởi đầu của nghĩa tình, nơi chứng kiến bao đổi thay và thăng trầm lịch sử vẫn lặng lẽ hiện diện trong tâm thức bao người. Như giọt nước mát trong giếng cổ năm xưa, tình người nơi ấy vẫn chảy mãi, mát lành giữa vùng quê đầy nắng gió.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.