13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước

Đặc khu Côn Đảo là quần đảo nằm ngoài Biển Đông, trực thuộc TP.HCM và cách trụ sở thành phố gần 250 km, theo đường chim bay. Nơi gần đặc khu Côn Đảo nhất trên đất liền là xã Vĩnh Hải (TP.Cần Thơ).

Đặc khu duy nhất có 3 điểm cơ sở

Đến ngày 30.4.1975, đặc khu Côn Đảo là nơi chế độ Việt Nam cộng hòa giam giữ 7.448 tù nhân, trong đó có 4.234 tù chính trị (494 phụ nữ), 2.094 quân phạm…

13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước- Ảnh 1.

Đặc khu Côn Đảo, nhìn từ hòn Tài Lớn

ẢNH: ĐỘC LẬP

Ngày 1.5.1975, các tù nhân giải phóng đã nổi dậy cướp chính quyền, làm chủ thị trấn Côn Đảo, chiếm lĩnh sân bay Cỏ Ống. 

Sau khi chiếm được đài vô tuyến, lực lượng nổi dậy liên lạc về đất liền, báo việc làm chủ và xin chỉ đạo cấp trên, nhưng mãi chiều 2.5.1975, Thành ủy Sài Gòn – Gia Định mới trả lời.

13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước- Ảnh 2.

Cảng Bến Đầm nhìn ra hòn Bà

ẢNH: NGÔ TRẦN HẢI AN

Chiều 1.5.1975, trung tướng Lê Trọng Tấn đã chỉ đạo lực lượng tàu vận tải hải quân, Sư đoàn 3 và bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa… ra giải phóng Côn Đảo. 

Đêm 3.5.1975, tổ trinh sát của quân giải phóng đổ bộ lên Côn Đảo, bị lực lượng nổi dậy bắt giữ. Sau khi đã xác minh chính xác là… quân ta, ông Lê Câu (mới được bầu làm Chủ tịch ủy ban hòa giải Côn Sơn) đã ra tàu bắt liên lạc với bộ đội.

13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước- Ảnh 3.

Bến tàu du lịch Côn Đảo, cạnh đường Tôn Đức Thắng

ẢNH: ĐỘC LẬP

Sáng 4.4.1975, quân giải phóng đổ bộ lên đảo và chiều hôm ấy, đoàn cựu tù đầu tiên lên tàu về đất liền. Việc tiếp quản Côn Đảo bàn giao lại cho Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 và Tiểu đoàn 445 bộ đội địa phương Bà Rịa.

Đặc khu Côn Đảo là quần đảo gồm 16 hòn đảo, có diện tích đất nổi 76 km² (đảo Côn Sơn lớn nhất 51,52 km²), điểm cao nhất là núi Thánh Giá (577 m).

Thời Pháp thuộc, Côn Đảo còn gọi là Côn Lôn, thuộc quản lý của tỉnh Vĩnh Long, Nam kỳ lục tỉnh – là nơi giam giữ tù nhân tàn bạo, khắc nghiệt nhất.

13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước- Ảnh 4.

Thân nhân liệt sĩ viếng phần mộ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Chí Hiếu tại nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo. Anh hùng Lưu Chí Hiếu là cán bộ tổ chức của Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, bị địch bắt đầu tháng 7.1955 khi đang chỉ đạo biểu tình và bị đày ra Côn Đảo, hy sinh năm 1961

ẢNH: MAI THANH HẢI

Tháng 9.1954, chính quyền Việt Nam cộng hòa tiếp tục duy trì chế độ nhà tù của Pháp và đổi tên quần đảo Côn Lôn thành hải đảo Côn Sơn.

Cuối tháng 10, Tổng thống Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh số 143-NV thành lập tỉnh Côn Sơn. Cuối tháng 4.1956, chính quyền Việt Nam cộng hòa đổi tỉnh Côn Sơn thành Cơ sở hành chính Côn Sơn trực thuộc Bộ Nội vụ.

Đầu tháng 11.1974, dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Cơ sở hành chính Côn Sơn đổi tên thành thị xã Phú Hải thuộc tỉnh Gia Định.

Ngày 1.5.1975, quân giải phóng tiếp quản Côn Đảo.

Ngày 18.9.1976, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 164-CP về việc thành lập huyện Côn Sơn trực thuộc TP.HCM.

Ngày 15.1.1977, Quốc hội khóa VI phê chuẩn việc đổi tên huyện Côn Sơn thành huyện Côn Đảo và sáp nhập huyện Côn Đảo vào tỉnh Hậu Giang.

Ngày 30.5.1979, huyện Côn Đảo sáp nhập với thị xã Vũng Tàu và xã Long Sơn (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai) thành đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo trực thuộc Trung ương. Ngày 10.12.1979, Côn Đảo được chuyển thành quận trực thuộc đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Ngày 12.8.1991, đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo giải thể và Côn Đảo trở thành huyện thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tháng 6.2025, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sáp nhập với TP.HCM, Côn Đảo trở lại vị trí đặc khu, như 47 năm trước (1979), thuộc TP.HCM.

Hiện nay, ông Lê Anh Tú làm Bí thư Đảng ủy đặc khu Côn Đảo. Chức danh Chủ tịch UBND đặc khu Côn Đảo do ông Phan Trọng Hiền đảm nhiệm.

Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng thành lập Trung đoàn phòng thủ Côn Đảo 150 thuộc Vùng 5 Hải quân. Ngày 17.5.1976, Bộ Tư lệnh Hải quân ra Chỉ thị số 91/QĐ chuyển Trung đoàn 150 về Vùng 4 Hải quân và đổi phiên hiệu thành Trung đoàn Côn Đảo 145. 

Đơn vị này có 3 tiểu đoàn hỗn hợp (bộ binh, pháo binh, cao xạ) bố trí ở 3 hướng, làm nòng cốt bảo vệ phòng thủ Côn Đảo. Đầu năm 1982, Trung đoàn Côn Đảo 145 được điều chuyển từ Hải quân về Quân khu 7.

13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước- Ảnh 5.

Bộ đội Đồn biên phòng Côn Đảo thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM tuần tra bảo vệ chủ quyền trên biển

ẢNH: MAI THANH HẢI

Cùng ngay sau ngày giải phóng, Vùng 4 Hải quân đã tổ chức lực lượng ra tiếp quản và khôi phục trạm ra đa đối hải ở Côn Đảo. Cuối tháng 11.1976, trạm ra đa 590 đi vào hoạt động và thuộc biên chế Trung đoàn Côn Đảo 145. 

Tháng 5.1977, Vùng 4 Hải quân thành lập tiểu đoàn ra đa 451 (nay là trung đoàn), trên cơ sở các đại đội ra đa 580 (Trà Cú), 585 (Vũng Tàu) và trạm ra đa 590.

13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước- Ảnh 6.

Ca nô cao tốc của Đồn biên phòng Côn Đảo tuần tra

ẢNH: ĐỘC LẬP

Năm 1977, đơn vị công an vũ trang của tỉnh Hậu Giang hành quân ra đảo, bắt đầu đóng quân làm nhiệm vụ. Đây là tiền thân của Đồn biên phòng Côn Đảo, thuộc Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Bộ Tư lệnh TP.HCM hiện nay.

13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước- Ảnh 7.

Bộ đội biên phòng Côn Đảo vận động ngư dân

ẢNH: ĐỘC LẬP

Đặc biệt, Ty an ninh Côn Đảo có quân số đông nhất với gần 300 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có nhiều cán bộ nguyên là tù chính trị ngay từ đầu giải phóng. 

Lực lượng an ninh Côn Đảo phối hợp với các đơn vị quân đội đã phá 3 vụ móc nối vượt biên trên địa bàn, bắt 83 vụ với 3.417 người vượt biên từ đất liền ra đảo.

13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước- Ảnh 8.

Cảng Bến Đầm thuộc đặc khu Côn Đảo

ẢNH: NGÔ TRẦN HẢI AN

Tháng 10.1982, Bộ Quốc phòng thống nhất các lực lượng vũ trang bảo vệ Côn Đảo thành quận đội Côn Đảo, trực thuộc Ban Chỉ huy Quân sự đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Mô hình thống nhất này, được kéo dài đến nhiều năm sau.

13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước- Ảnh 9.

Các bạn trẻ Côn Đảo lau dọn cột mốc điểm cơ sở lãnh hải Việt Nam

ẢNH: MAI THANH HẢI

Ít người biết: Đặc khu Côn Đảo là địa phương duy nhất có 3 điểm tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam (theo tuyên bố của Chính phủ, ngày 12.11.1982), đó là các điểm A3 (hòn Tài Lớn), A4 (hòn Bông Lau) và A5 (hòn Bảy Cạnh).

13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước- Ảnh 10.

Mốc chủ quyền điểm cơ sở A3 trên hòn Tài Lớn (đặc khu Côn Đảo)

ẢNH: MAI THANH HẢI

Mạnh dạn khoán sản phẩm

Những năm trước đổi mới, việc khoán sản phẩm đã được lãnh đạo một số địa phương mạnh dạn thực hiện ở miền Bắc (Vĩnh Phúc; Đồ Sơn, TP.Hải Phòng). 

Ở miền Nam, Côn Đảo là địa phương đầu tiên “xé rào” thực hiện cơ chế khoán sản phẩm đối với công nhân Xí nghiệp quốc doanh đánh cá Côn Đảo, ngay sau ngày giải phóng và hoàn chỉnh từ đánh bắt đến dịch vụ hậu cần.

13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước- Ảnh 11.

Biển trời Côn Đảo

ẢNH: NGÔ TRẦN HẢI AN

Sau này, Tổng Bí thư Lê Duẩn, khi làm việc với Côn Đảo đã nói: “Theo tôi nghĩ, các thủy thủ đi đánh bắt ngoài khơi, đã giao sinh mạng của mình cho trời biển, để khai thác số lượng lớn hải sản cho đồng bào, thì họ xứng đáng được hưởng thù lao cao. Các đồng chí ở Côn Đảo đã phá vỡ cơ chế quản lý của nhà nước một cách nghiêm trọng, nhưng không sai đường lối của Đảng”…

13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước- Ảnh 12.

Cột cờ Tổ quốc ở trung tâm đặc khu Côn Đảo

ẢNH: ĐỘC LẬP

Phát triển kinh tế gắn với du lịch tâm linh

Cuối tháng 2.1977, sau khi Côn Đảo trở thành huyện của tỉnh Hậu Giang, cả 2 Phó thủ tướng Phạm Hùng và Huỳnh Tấn Phát cùng lãnh đạo 1 số bộ ngành đã làm việc với tỉnh Hậu Giang, về dự án quy hoạch xây dựng Côn Đảo. 

Các nội dung được thống nhất là: Xây dựng khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam, kết hợp với yêu cầu tổ chức thăm quan, học tập, du lịch; khai thác khả năng kinh tế, nhất là hải sản; kết hợp xây dựng với củng cố quốc phòng…

13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước- Ảnh 13.

Du khách vào viếng nghĩa trang Hàng Dương

ẢNH: MAI THANH HẢI

Bên cạnh đó, Côn Đảo cũng rất chủ động trong việc tìm hướng phát triển địa phương. Thời điểm 1986, lãnh đạo Quận ủy Côn Đảo liên tục có những cuộc làm việc trực tiếp với Phó thủ tướng Võ Văn Kiệt (sau là Thủ tướng) để có những biện pháp tháo gỡ khó khăn, nhằm xây dựng và phát triển Côn Đảo. 

Cũng chính ông Võ Văn Kiệt đã gợi ý kiến trúc sư Võ Thành Nghĩa (việt kiều Pháp) giúp Côn Đảo hình thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000.

Tháng 5.2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ), đã định hướng xây dựng đề án phát triển đặc khu Côn Đảo dựa trên cơ chế chính sách đặc thù của TP.HCM.

13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước- Ảnh 14.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo TP.HCM viếng mộ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo ngày 3.5.2025

ẢNH NGUYỄN LONG

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển đặc khu Côn Đảo, chú ý vai trò của Côn Đảo là đảo tiền tiêu, có ý nghĩa chiến lược về an ninh, quốc phòng, đồng thời phát huy tối đa lợi thế để phát triển kinh tế biển và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái biển đảo quốc gia tầm cỡ khu vực và quốc tế. 

Quy hoạch và phát triển Côn Đảo phải theo hướng nhanh, bền vững, sáng, xanh, sạch, đẹp và hiện đại, đạt tầm quốc tế.

13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước- Ảnh 15.

Trung tâm đặc khu Côn Đảo, nhìn từ trên cao

ẢNH: P.V

Thủ tướng nhấn mạnh: Tập trung xử lý nút thắt về giao thông hàng không, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược, thực hiện theo phương thức đối tác công tư trong triển khai xây dựng, nghiên cứu phương án kéo dài đường băng Cảng hàng không quốc tế Côn Đảo đáp ứng điều kiện đón các chuyến bay quốc tế; nghiên cứu quy hoạch công viên nghĩa trang Hàng Keo, Hàng Dương để tạo điểm nhấn tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa cách mạng thu hút khách du lịch…

Bên cạnh việc ổn định đời sống người dân, từng bước phát triển kinh tế, công tác quản lý và bảo vệ di tích lịch sử Côn Đảo được đặc biệt chú trọng.

Thậm chí cuối tháng 8.1975, Tỉnh ủy Côn Đảo đã ban hành quy định: “Từ nay trở về sau, không ai được vào các trại giam của địch trước đây, nhất là nơi giam giữ các lãnh tụ ta. Khi nào có phái đoàn cần thiết đi thăm quan, phải có ý kiến của Thường vụ Tỉnh ủy và UBND, mới được vào” và giao Ty an ninh quản lý.

13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước- Ảnh 16.

Nghĩa trang Hàng Dương ở đặc khu Côn Đảo

ẢNH: MAI THANH HẢI

Cuối tháng 4.1979, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) đã đặc cách công nhận Khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia. 

Tháng 5.2012, Chính phủ xếp hạng là khu di tích quốc gia đặc biệt với tổng diện tích bảo vệ là 110,69 ha.

13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước- Ảnh 17.

Nhà cửa, công trình ở trung tâm đặc khu Côn Đảo

ẢNH: PV

Vừa qua, địa phương đã tổ chức xây dựng đề án “Phát triển Côn Đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, khai thác các tiềm năng, lợi thế của Côn Đảo.

Côn Đảo đón gần 400.000 lượt khách trong 6 tháng đầu 2025

Tổng khách du lịch đến Côn Đảo trong 6 tháng đầu năm 2025 khoảng 396.360 khách (đạt 64,76% kế hoạch năm), trong đó khách quốc tế khoảng 14.770 lượt. Tổng doanh thu khoảng 1.779 tỉ đồng, đạt 58,1% kế hoạch.

13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước- Ảnh 18.

Máy bay chở khách hạ cánh xuống sân bay Côn Đảo

ẢNH: MAI THANH HẢI

6 tháng đầu năm, đặc khu Côn Đảo đã phối hợp thực hiện các giải pháp kích cầu, thu hút du khách. Tuy nhiên, do khó khăn về phương tiện vận chuyển (đặc biệt là phương tiện vận chuyển khách bằng đường hàng không), nên khách khó tiếp cận vé máy bay, giá vé máy bay luôn ở trong tình trạng cao.

13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước- Ảnh 19.

Bến tàu du lịch Côn Đảo

ẢNH: MAI THANH HẢI

Từ ngày 19.4.2025 đến nay, hãng hàng không Vietjer Air chính thức khai thác đường bay thẳng Hà Hội – Côn Đảo, TP.HCM – Côn Đảo với số lượng 2 tàu bay, tần suất khai thác 2 chuyến Hà Nội – Côn Đảo, 2 chuyến TP.HCM – Côn Đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho Côn Đảo trong việc thu hút khách từ các tỉnh thành phía bắc, tuy nhiên với số lượng tàu bay ít, phương tiện có sự hạn chế khai thác theo điều kiện thời tiết (như trời mưa, đường băng trơn máy bay không đáp được). 

Đặc khu Côn Đảo hiện có 146 cơ sở lưu trú (resort 5 sao, khách sạn 2 – 4 sao, 137 khách sạn tiêu chuẩn 1 – 2 sao và nhà khách, nhà nghỉ, nhà có phòng cho khách thuê), với 2.923 phòng lưu trú, sức chứa 7.598 người/ngày.

Tầm nhìn đến 2045, Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế; là khu vực bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, giáo dục truyền thống lịch sử; bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển; đồng thời thực hiện nhiệm vụ quan trọng về bảo vệ quốc phòng và an ninh.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.