TP.HCM: Cứu sống nữ sinh béo phì nguy kịch nhờ kỹ thuật V-V ECMO

Nữ sinh béo phì nguy kịch do nhiễm trùng nặng được cứu sống nhờ kỹ thuật V-V-ECMO. Bác sĩ cảnh báo béo phì làm tăng nguy cơ biến chứng nhiễm trùng.

Ngày 3.7, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết đã cứu sống một nữ sinh viên béo phì nguy kịch do nhiễm trùng nặng, nhờ ứng dụng kỹ thuật ô xy hóa máu qua màng ngoài cơ thể phương thức tĩnh – tĩnh mạch (V-V ECMO).

Bệnh nhân là Đ.V.Y.N (22 tuổi, (22 tuổi, ở xã Thái Mỹ, TP.HCM, sinh viên trường một trường đại học), có chỉ số BMI 37 kg/m², thuộc nhóm béo phì độ 3.

Trước đó, nữ sinh nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng và hông. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán viêm thận – bể thận cấp 2 bên, nhiễm trùng huyết và phát hiện thêm đái tháo đường. 

Dù được điều trị kháng sinh phổ rộng, tình trạng của bệnh nhân diễn tiến nhanh, chuyển sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, tụt huyết áp và suy đa cơ quan chỉ trong 48 giờ. Sau 5 ngày, bệnh nhân bị hội chứng nguy kịch hô hấp cấp với tình trạng giảm ô xy máu nặng kháng trị.

TP.HCM: Cứu sống nữ sinh béo phì nguy kịch nhờ kỹ thuật V-V ECMO- Ảnh 1.

Nữ sinh được cứu sống nhờ kỹ thuật V-V ECMO

ẢNH: B.V

Bác sĩ Trần Thanh Nam, khoa Hồi sức tim mạch, bác sĩ điều trị chính cho chị N. chia sẻ: Kết quả cấy máu cho thấy bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Klebsiella pneumoniae – loại vi khuẩn gram âm có khả năng kháng thuốc mạnh và thường gây nhiễm trùng tiểu, có thể dẫn đến suy đa cơ quan nếu không kiểm soát kịp thời. Trước diễn biến nghiêm trọng, bệnh viện đã quyết định can thiệp kỹ thuật V-V ECMO nhằm hỗ trợ chức năng phổi khi hội chứng nguy kịch hô hấp cấp tiến triển nặng.

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên khoa như hồi sức tích cực, tim mạch, dược lâm sàng, dinh dưỡng và vật lý trị liệu, chỉ sau 8 ngày áp dụng V-V ECMO, tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ rệt và phục hồi hoàn toàn và xuất viện ngày 2.7.

Trước khi xuất viện, bệnh nhân được hướng dẫn chế độ ăn hợp lý, theo dõi dài hạn và lên kế hoạch kiểm soát cân nặng cũng như bệnh lý liên quan.

Bố của bệnh nhân chia sẻ, cả gia đình đã rất tuyệt vọng khi nghe bác sĩ thông báo tình trạng nguy kịch, nhưng may mắn là con gái đã vượt qua. 

Về phần mình, bệnh nhân cho biết sẽ thay đổi lối sống, quyết tâm giảm cân và tuân thủ điều trị để bảo vệ sức khỏe.

Theo tiến sĩ – bác sĩ Giang Minh Nhật, Phó trưởng khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, béo phì là một căn bệnh mãn tính ngày càng phổ biến không chỉ ở các quốc gia phát triển mà cả ở Việt Nam. Người trưởng thành thừa cân, béo phì trong một khảo sát cộng đồng tại Việt Nam lên đến 20%.

Ngoài chỉ số khối cơ thể cao ảnh hưởng đến thẩm mỹ, béo phì còn là nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý nguy hiểm như: tăng huyết áp, tiểu đường tuýp 2, đột quỵ và thậm chí là ung thư.

Tuy nhiên, một thực tế ít được chú ý là béo phì khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng và khi bị nhiễm trùng thì thường nặng và khó kiểm soát hơn so với người bình thường. 

Bên cạnh đó, các biến chứng nhiễm trùng ở người béo phì còn đặt gánh nặng lớn lên hệ thống y tế và kinh tế xã hội với thời gian nằm viện kéo dài, chi phí điều trị cao, nguy cơ tàn phế, tử vong và giảm chất lượng cuộc sống.

Phòng chống béo phì ra sao?

Bác sĩ khuyến cáo cần kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý và vận động đều đặn: Duy trì BMI ở mức khỏe mạnh, hạn chế thực phẩm nhiều năng lượng, dầu mỡ, tăng cường rau xanh, trái cây và tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày trong ít nhất 3 ngày/tuần.

Chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ: Tầm soát các yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm các bệnh lý liên quan đến béo phì và nhiễm trùng.

Kiểm soát các bệnh nền: Đặc biệt là tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch… nhằm giảm nguy cơ biến chứng khi bị nhiễm trùng.

Người bệnh béo phì với BMI > 30 kg/m2 nên đến khám và tư vấn điều trị tại các bệnh viện lớn có chuyên khoa chuyển hóa hay điều trị béo phì.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.