TP.HCM thông báo 7 thay đổi liên quan chế độ BHXH từ 1.7

Cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) ở TP.HCM cho biết từ ngày 1.7, luật BHXH 2024 (sửa đổi) chính thức có hiệu lực với nhiều thay đổi liên quan đến chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, BHXH 1 lần…

BHXH khu vực XXVII (hay BHXH khu vực 27, là cơ quan hợp nhất từ BHXH các địa phương TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu) vừa thông báo đến người lao động, doanh nghiệp về các chính sách thay đổi liên quan đến BHXH theo luật BHXH 2024. Cụ thể như sau:

1. Mở rộng chế độ ốm đau

Theo thông báo, 1 trong những điểm mới đáng chú ý là quy định về nghỉ ốm đau nửa ngày lần đầu tiên được đưa vào luật. Theo đó, nếu người lao động nghỉ dưới nửa ngày làm việc thì được tính là nửa ngày; nghỉ từ nửa ngày đến dưới 1 ngày được tính là 1 ngày. Mức hưởng tương ứng là 50% mức trợ cấp 1 ngày.

Ngoài ra, chế độ ốm đau dài ngày cũng được điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn. Cụ thể, người lao động mắc bệnh thuộc danh mục cần điều trị dài ngày sẽ được nghỉ từ 30 đến 70 ngày mỗi năm, tùy vào tính chất công việc và số năm đã đóng BHXH. Trong thời gian này, mức trợ cấp ốm đau là 75% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Sau giai đoạn này, nếu tiếp tục điều trị, mức hưởng giảm dần còn 65%, 55% và 50%. Đáng lưu ý, ngay cả trong tháng đầu tiên đi làm hoặc quay trở lại làm việc, nếu nghỉ ốm từ 14 ngày trở lên, người lao động vẫn phải tham gia đóng BHXH cho tháng đó.

2. Chế độ thai sản

Chế độ thai sản tiếp tục mở rộng. Lao động nữ được nghỉ tối đa 5 lần đi khám thai, mỗi lần không quá 2 ngày. Trường hợp điều trị vô sinh, nếu đã đóng BHXH bắt buộc đủ 6 tháng trong 24 tháng liền kề trước khi sinh con, người lao động sẽ được hưởng thai sản.

Ngoài ra, nếu thai từ 22 tuần tuổi trở lên bị sảy, phá thai hoặc chết trong chuyển dạ, lao động nữ và chồng được nghỉ và hưởng chế độ tương tự như sinh con.

Người lao động có thời gian đóng BHXH tự nguyện hoặc kết hợp cả bắt buộc và tự nguyện từ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh cũng được nhận trợ cấp thai sản. Mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/con, bao gồm cả thai chết từ 22 tuần tuổi trở lên. Khoản này do ngân sách nhà nước chi trả.

7 thay đổi liên quan chế độ BHXH từ nay - Ảnh 1.

Người dân đến nhận lương hưu, trợ cấp BHXH ở một bưu điện tại TP.HCM

ẢNH: L.T

3. Chế độ hưu trí

Chế độ hưu trí cũng có thay đổi quan trọng khi người lao động đóng BHXH từ 15 năm trở lên sẽ đủ điều kiện hưởng lương hưu nếu đạt độ tuổi quy định. Định kỳ hằng năm, người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân phải xác minh lại điều kiện thụ hưởng.

4. Trợ cấp hưu trí xã hội, trợ cấp hằng tháng

Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên, không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng, nếu có đề nghị thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Người đủ tuổi nghỉ hưu, có thời gian đóng BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nếu không rút BHXH 1 lần và không bảo lưu thời gian đóng, mà có đề nghị thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình.

5. Mở rộng chế độ tai nạn lao động

Chế độ tai nạn lao động và tử tuất được mở rộng với nhóm người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Khi bị tai nạn và có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp.

6. Chế độ tử tuất

Thân nhân người lao động qua đời có quyền lựa chọn giữa trợ cấp tuất hằng tháng hoặc 1 lần mà không còn bị ràng buộc điều kiện như trước (ví dụ: có con dưới 6 tuổi hoặc vợ, chồng suy giảm 81% khả năng lao động trở lên).

7. BHXH 1 lần

Đối với người đã tham gia BHXH trước ngày 1.7.2025, nếu có nguyện vọng, vẫn được nhận BHXH 1 lần trong các trường hợp như: đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH; ra nước ngoài để định cư; mắc bệnh hiểm nghèo; suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; là người khuyết tật đặc biệt nặng; hoặc sau 12 tháng nghỉ việc, không còn thuộc diện tham gia BHXH nhưng cũng chưa đủ 20 năm đóng.

Trong khi đó, đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1.7.2025, điều kiện rút BHXH 1 lần được siết chặt. Người lao động chỉ được rút khi thuộc 1 trong các lý do như: đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh hiểm nghèo; suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; hoặc là người khuyết tật đặc biệt nặng.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.