Khi mô hình chính quyền 2 cấp vận hành, một trong những trở ngại lớn nhất là khoảng cách địa lý và sự quá tải của bộ máy cấp xã. Chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn mà còn trở thành “yếu tố then chốt”, là “chìa khóa vàng” để vận hành thành công mô hình mới.
Giải quyết thủ tục “phi địa giới”
Chị Phạm Lệ Hằng, sống tại thôn Trại, xã Thống Nhất (Quảng Ninh), không giấu được vui mừng khi đến UBND xã để công chứng giấy tờ cho đơn vị. Trước đây, để làm việc này, chị phải di chuyển quãng đường trên dưới 20 km ra đơn vị hành chính công của tỉnh, chưa kể thời gian sắp xếp công việc. Giờ đây, mọi thủ tục đều có thể thực hiện ngay tại xã.
“Sự đổi mới này vô cùng thuận tiện cho tôi và người dân. Trước đây, khi cấp xã quá thẩm quyền, phải trình lên TP, rồi lên tỉnh, qua rất nhiều cấp, rất mất thời gian. Bây giờ, giải quyết thủ tục theo cách mới này thực sự tinh gọn, vô cùng tuyệt vời”, chị Hằng nói.

Người dân đến giải quyết thủ tục tại Trung tâm PVHCC tỉnh Quảng Ninh
ẢNH: HÒA ĐỖ
Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong triển khai thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) “phi địa giới” ngay khi triển khai mô hình 2 cấp. Theo mô hình này, công dân có thể lựa chọn nộp hồ sơ giải quyết TTHC tại bất kỳ địa điểm nào trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, miễn là thuận tiện nhất.
Ông Nguyễn Nhất Hưng, chuyên viên Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh Quảng Ninh, giải thích: một người dân muốn làm thủ tục trích lục khai sinh ở cấp phường, thay vì phải về đúng phường đó, họ có thể đến trung tâm PVHCC tỉnh gần nhà để nộp hồ sơ. Cán bộ phụ trách sẽ kiểm tra, tiếp nhận nếu hồ sơ đủ điều kiện và ra giấy hẹn trả kết quả. Điểm khác biệt mấu chốt nằm ở khâu sau đó: hồ sơ của người dân sẽ được cán bộ trung tâm “luân chuyển về cho cán bộ ở phường để thực hiện giải quyết” trên hệ thống điện tử. Như vậy, dù người dân nộp hồ sơ ở đâu thì việc giải quyết vẫn ở chính quyền cơ sở. Đây chính là điểm khác biệt khi thực hiện TTHC phi địa giới.
Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Trung tâm PVHCC tỉnh Quảng Ninh, cho biết Quảng Ninh đã xây dựng một hệ thống giải quyết TTHC duy nhất của tỉnh, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, đã được nâng cấp để đáp ứng phù hợp mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Hệ thống này đã liên thông đến tất cả 54 xã, phường mới và đang vận hành ổn định kể từ 15.6, khi Quảng Ninh thử nghiệm vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Mô hình này không chỉ giúp người dân tiết kiệm chi phí tối ưu cho việc giải quyết TTHC mà còn giúp san đều khối lượng công việc cho cán bộ, tránh tình trạng quá tải ở các địa bàn trung tâm như trước đây. Theo bà Vân, Quảng Ninh đã công bố sẽ thực hiện phi địa giới đối với 83% TTHC trong năm 2025 và đặt mục tiêu đến tháng 12.2025 sẽ đồng bộ 100% TTHC thực hiện phi địa giới.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Hải Vân, Quảng Ninh cũng đang triển khai thử nghiệm các ki ốt tự động giúp người dân tự thao tác giải quyết các thủ tục mà không cần chờ đợi cán bộ. Nếu thử nghiệm hiệu quả, tỉnh sẽ triển khai các ki ốt này tới các trung tâm PVHCC ở các phường, xã. Ông Nguyễn Nhất Hưng cho biết thêm, các ki ốt đã được tích hợp sẵn các biểu mẫu điện tử, trường thông tin và video hướng dẫn cụ thể. Công dân hoàn toàn có thể tự sử dụng dễ dàng, không cần cán bộ hướng dẫn.
Chuyển đổi số là yếu tố then chốt
Không chỉ Quảng Ninh, các địa phương khác cũng xác định chuyển đổi số là yếu tố cốt lõi. Tại Nam Định, ông Nguyễn Hồng Đức, tân Phó chủ tịch UBND P.Thành Nam, khẳng định: “Nếu nhân sự có tăng nhưng không có chuyển đổi số thì việc giải quyết thủ tục vẫn rất khó khăn. Khi có chuyển đổi số, người dân sẽ không phải đến trụ sở, cán bộ sẽ thao tác trên môi trường mạng… Vì vậy, tôi đánh giá chuyển đổi số sẽ là then chốt trong vận hành chính quyền 2 cấp”.

Ki ốt tự động giải quyết thủ tục hành chính đang được thử nghiệm tại tỉnh Quảng Ninh
ẢNH: HÒA ĐỖ
Theo ông Đức, với các quy định mới, người dân có thể nộp hồ sơ đất đai ở bất cứ đâu trong tỉnh. Bên cạnh đó, hiện đa số sẽ được tiếp nhận qua ứng dụng VNeID, cán bộ sẽ xử lý trực tiếp qua ứng dụng thay vì nộp, trình giấy tờ như trước kia. “Điều này cũng rút ngắn được nhiều thời gian làm việc của cán bộ cũng như người dân”, ông Đức cho biết. Ngoài ra, theo ông Đức, chuyển đổi số giúp cán bộ nâng cao năng suất giải quyết TTHC cho người dân. Chẳng hạn sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để sắp xếp thứ tự giấy tờ trong một tập hồ sơ dày cộp cũng giúp cán bộ tiết kiệm thời gian, xử lý được nhiều việc hơn, đặc biệt ở các xã trung tâm nơi khối lượng có thể lên tới hàng trăm bộ hồ sơ mỗi ngày.
Tại Hà Nội, quá trình vận hành thử nghiệm tại 126 xã, phường mới đã cho thấy những bất cập như đường truyền thiếu ổn định khi truy cập đồng thời. TP đã xác định, để chuyển đổi số thành công, việc đầu tư nâng cấp đường truyền, trang thiết bị là nhiệm vụ không thể xem nhẹ. Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: “Ban Thường vụ Thành ủy xác định đây là công việc trọng tâm, trọng yếu. Bởi vì muốn phục vụ nhân dân tốt hơn, muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy thì không có giải pháp nào khác, ngoài đẩy mạnh chuyển đổi số”.
Cạnh đó, một lãnh đạo Trung tâm PVHCC TP.Hà Nội cho biết để đảm bảo việc hướng dẫn, giải quyết kịp thời các thủ tục cho người dân, doanh nghiệp khi vận hành chính quyền 2 cấp, tại 126 xã, phường trên địa bàn sẽ được bố trí điểm tiếp nhận, phục vụ hành chính công.
Điểm tiếp nhận này sẽ được giao cho một phó chủ tịch UBND xã, phường phụ trách, kiêm nhiệm cho đến khi TP có đề án sắp xếp trung tâm PVHCC cấp TP. Việc có thêm 126 điểm tiếp nhận hoạt động sẽ không làm “phình to” bộ máy, phát sinh biên chế, song vẫn đảm bảo giải quyết hiệu quả, thông suốt thủ tục cho người dân.
Quan trọng nhất là người dân được việc
Song đầu tư hạ tầng chuyển đổi số chỉ là điều kiện cần. Quá trình chuyển đổi sang hệ thống mới cũng đòi hỏi sự thích ứng nhanh chóng từ đội ngũ cán bộ.
Bà Nguyễn Thị Huệ, cán bộ tại P.Quang Hanh (Quảng Ninh), người có 10 năm làm ở bộ phận một cửa, chủ yếu ở khâu trả kết quả, khi chuyển sang nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ mới đã phải tự tìm hiểu, nghiên cứu rất nhiều. Bà và các cán bộ tại chi nhánh Trung tâm PVHCC tại P.Quang Hanh đã phải dành nhiều ngày để chạy thử tất cả các bước, quy trình trên phần mềm mới để xem có trơn tru không. Bà Huệ thừa nhận, ban đầu cảm thấy hệ thống mới bỡ ngỡ, chưa quen và thao tác chậm hơn hệ thống cũ vì đã quen với hệ thống cũ.
Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết trong giai đoạn đầu vận hành, mức độ đáp ứng chuyển đổi số của bộ phận nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa có thể chưa cao. Vận hành hệ thống chính quyền điện tử có thể chưa trơn tru. Năng lực cán bộ có thể có vướng mắc nhất định với nhiệm vụ mới dù đã được tập huấn nhiều lần. Tuy nhiên, tỉnh đã tiên liệu vấn đề này để lên phương án giải quyết khi có tình huống. Ông cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo và xu thế tất yếu là phải thực hiện chuyển đổi số. Phải chuyển đổi số với người dân để có công dân số. Còn phía chính quyền, phải thực hiện tốt hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng kết nối để giải quyết tốt nhất nhu cầu của người dân. Khi mức độ giải quyết TTHC trực tuyến ngày càng tăng, người dân cơ bản sẽ giải quyết công việc bằng máy tính hoặc điện thoại. Khi đó, cự ly vật chất từ nhà đến trụ sở xã phường mới không còn ý nghĩa đáng kể nữa.
“Làm sao cho gần dân, sát với dân, có thủ tục thì giải quyết trôi chảy, thuận lợi cho người dân. Người dân không phải đi xa, không phải đi lại nhiều lần và quan trọng nhất là người dân được việc. Đấy chính là điều chúng ta phải hướng đến”, ông Nghiêm Xuân Cường nhấn mạnh.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.